Xã hội

Cả làng xếp hàng đón liệt sĩ trở về sau 50 năm mất tích

Người dân thôn Lý Nhân Bắc, xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) xếp hàng ven đường chờ đón ông Hồ Xuân Hương khi nghe tin người liệt sĩ bất ngờ trở về sau nửa thế kỷ.

Người dân thôn Lý Nhân Bắc, xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) xếp hàng ven đường chờ đón ông Hồ Xuân Hương khi nghe tin người liệt sĩ bất ngờ trở về sau nửa thế kỷ.


"Liệt sĩ" Hồ Xuân Hương (bên phải) trở về Quảng Bình sau 50 năm hy sinh. Ông Hương được mọi người nhận ra vì có gương mặt rất giống em trai là ông Khanh (áo xanh, bên trái). Ảnh: Văn Được.


"Sau khi nghe tin, rất đông người làng ra đứng hai bên đường để chờ xem người anh trai liệt sĩ của tôi trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Tôi vào tận sân bay Đồng Hới và nhận ra ngay người anh trai máu mủ ruột thịt của mình khi anh ấy vừa bước xuống sân bay. Anh em gặp nhau rơi nước mắt vì vừa mừng vừa tủi sau 50 năm...", ông Khanh nói.

Ông Hồ Xuân Hương đi làm công nhân từ năm 17 tuổi rồi nhập ngũ ở huyện Quảng Trạch từ giữa năm 1964. Chàng thanh niên Hồ xuân Hương khi đó được tuyển chọn vào Đại đội vận tải đường biển số 27. Trải qua những đợt huấn luyện cấp tốc, Hồ Xuân Hương được tuyển vào lực xung kích đóng vai ngư dân đi trên những tàu đánh cá trên biển nhưng chủ yếu là để vận chuyển vũ khí, lương thực bảo vệ chủ quyền đất nước.

Trong một chuyến chở vũ khí ra đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) ông Hương bị địch tập kích bắn chìm tàu trên biển. Đồng đội gần như hy sinh hết, chỉ còn mình ông bị địch bắt đưa vào giam giữ tại Vĩnh Linh rồi bị đưa vào đồn Mang Cá (TP Huế), vào Đà Nẵng rồi bị đày ra đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

Trải qua một loạt nhà tù, bị giam cầm, tra tấn dã man nhưng ý chí kiên định và khát vọng sống mãnh liệt đã không làm ông Hương gục ngã. Tuy nhiên, người chiến sĩ cách mạng đã bị những đòn tra tấn của quân địch cướp mất trí nhớ sau hàng chục lần chết đi sống lại ở nhà tù Phú Quốc.

Tấm bằng Tổ quốc ghi công ghi rõ "liệt sĩ" Hồ Xuân Hương "hy sinh ngày 29 tháng 5 năm 1965". Ảnh: Văn Được.


"Tôi chỉ nhớ mình bị bắt năm 1965, bị chuyển nhà tù từ Quảng Trị vào Huế, Đà Nẵng, ra đảo Phú Quốc rồi quên hết cả người thân, quê hương bản quán, không biết mình là ai trên đời nữa. Năm 1974 hay 1975 gì đó tôi được thả tự do vào đất liền, lang thang từ Sài Gòn, Bình Dương về tới Đồng Nai như kẻ bụi đời dù không đến nỗi như người điên", ông Hương kể.

Trong một lần lang thang về khu vực Hố Nai (nay là phường Hố Nai, TP Biên Hoà, Đồng Nai), ông Hương được một người phụ nữ lớn tuổi quê miền Bắc gọi vào thuê làm mấy việc vặt trong nhà. Không những vậy, bà còn cho ông Hương chỗ ở, việc làm rồi hứa giúp ông tìm một cô vợ.

Chính bà cũng mai mối giúp cho ông Hương lấy được bà Hà Thị Đỏ làm vợ khi bà Đỏ vừa tròn tuổi 18. Hai vợ chồng ông Hương sau đó dắt nhau về làm rẫy ở Ấp Lộc Hoà, xã Tây Hoà, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cho đến tận bây giờ mà không hề nhớ gì đến quê hương.

"Ba mẹ tôi lấy nhau sinh được 4 anh em tôi (2 trai, 2 gái) nhưng mấy chục năm liền ông chẳng nhớ mình ở đâu cả, chỉ nhớ mang máng là ở một vùng quê nghèo miền Bắc. Ba tôi nhớ bị bắt giam ở Vĩnh Linh nên khai họ tên trong CMND là Nguyễn Thanh ở Vĩnh Linh - Quảng Trị", chị Nguyễn Thị Thanh Loan (37 tuổi) con gái thứ 2 của ông Hương cho biết.

Theo chị, gia đình từng nhờ người quen ra tận Vĩnh Linh để hỏi thăm quê cho ông Hương nhưng đi khắp huyện vẫn không có ai biết ông ở vùng nào.

Ông Hương là con thứ 2 trong 5 chị em lần lượt là bà Hồ Thị Nguỳ (79 tuổi, áo xám), ông Hương, bà Hồ Thị Ồn (71 tuổi, bị bại liệt từ nhỏ), ông Khanh và em gái út là Hồ Thị Thuỳ (67 tuổi, áo tím). Ảnh: Văn Được.

Giữa năm 2013, đợt sốt kéo dài liền một tuần vô tình mang vài phần trí nhớ trở lại cho ông Hương. Những trận đòn xung điện, những đợt roi đuôi cá đuối đầy gai ẩn hiện trong ác mộng dồn dập. Rồi kỷ niệm ấu thơ mờ ảo ùa về trong giấc mộng với cha mẹ, anh chị em ở vùng quê Lý Nhân Bắc. Ông Hương vùng tỉnh lại và gọi vợ con đến ghi ngày vào sổ.

“Trước khi khôi phục một phần trí nhớ, ba tôi thường ngồi buồn im lặng giống như đang mường tượng lại quá khứ. Hai năm trước, sau khi ông ốm dậy, chị dâu tôi nhờ một người quê Quảng Bình làm cùng công ty liên lạc về xã Bắc Trạch rồi nhờ một người đàn ông tên Chiến vào Lý Nhân Bắc tìm cô Nguỳ (chị gái ông Hương) mới biết ba tôi là liệt sĩ Hồ Xuân Hương. Biết tin vậy nhưng vẫn chưa chắc chắn nên chúng tôi chưa đưa ông về liền dù ba tôi rất nóng lòng về quê", chị Loan kể.

Sau khi liên lạc về quê, xác minh kỹ lưỡng, gia đình mới sắp xếp cho ông Hương về Quảng Bình dù vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn mọi chuyện. Chị Loan và gia đình cũng xác định "nếu không phải thì cứ xem như là một chuyến du lịch" về Quảng Bình.

Đến ngày 17/4 liệt sĩ Hồ Xuân Hương đã đặt chân về nơi mình sinh ra. Nơi đây, tấm bằng Tổ quốc ghi công ghi ngày ông Hương hy sinh từ 50 năm trước dù không còn nguyên vẹn vẫn được treo trang trọng. Sau khi trình diện, báo cáo đầy đủ trước chính quyền địa phương, liệt sĩ Hồ Xuân Hương đã "sống lại" trong vòng tay chào đón của người thân, họ hàng làng xóm sau hàng chục năm.

Chị gái, các em trai gái của ông Hương dù đã 70-80 tuổi đều không kìm nổi nước mắt khi ôm lấy ông. Một con lợn nặng cả tạ được gia đình mua về giết thịt, mở tiệc mời làng xóm bạn bè đến chung vui.

"Chúng tôi sẽ về Quảng Bình với đầy đủ ba mẹ và 4 anh em tôi cùng các cháu vào tháng 7 âm lịch, dịp giỗ ông nội", chị Loan không giấu được niềm vui, chia sẻ.

Theo Văn Được (Zing.vn)