Xã hội

'Bùa lưỡi', cốc nước gây ảo giác và nỗi ám ảnh của một 'dân chơi'

Và mới đây, Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) thông tin về nhiều loại ma tuý “kịch độc” lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam,

M (giấu tên), một dân chơi quen mặt ở các quán bar và những bữa tiệc "phê pha". Thông tin về loại ma túy "kịch độc" mới xuất hiện gần đây, chưa từng nằm trong danh mục quản lý khiến nhiều người ngỡ ngàng, chứ với M rất... bình thường.

Khi nghe M kể câu chuyện về “chiếc tem kì diệu”, chỉ cần cho vào lưỡi rồi tận hưởng sự thăng hoa chẳng kém gì những loại ma tuý từng thịnh hành trước đây, ban đầu nhiều người không tin, cho là M khoác lác để nâng "đẳng cấp dân chơi" của mình lên một bậc. Nhưng quả thật, M không khoác lác.

M thú nhận, cách đây khoảng 10 năm, lần đầu tiên cậu ta nghe về thuốc lắc với cái tên “mỹ miều” là “kẹo” từ miệng một dân chơi khác. Lúc đó, M đã khá sốc trước những gì dân chơi kia miêu tả về sự hưng phấn sau khi dùng loại ma tuý đó.

Nhưng theo M, sự mê muội một thời của các dân chơi với rượu, nhạc mạnh và thuốc lắc dường như giờ đây chỉ còn là quá khứ. "Dân chơi mới nổi" có những lựa chọn mới để "phê" hơn gấp bội và cũng chấp nhận rủi ro gấp bội.

Trung tá, Tiến sỹ Đặng Văn Đoàn - Viện phó Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) cho hay, thời gian qua, công tác giám định cho thấy các chất ma tuý mới xuất hiện ngày càng đa dạng nhiều thành phần hoạt chất ma tuý, nhiều loại, nhiều kiểu mẫu khác nhau để kích thích nhu cầu sử dụng và nhằm che giấu sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng.

Công tác thống kê cũng cho thấy, các loại ma tuý có nguồn gốc tự nhiên, bán tổng hợp như thuốc phiện, heroin có xu hướng giảm, trong khi đó việc lạm dụng chất hướng thần (NPS) lại có xu hướng tăng cao, đặc biệt là các chất ma tuý thuộc nhóm cần sa tổng hợp (dân chơi gọi là cỏ Mỹ).

Bây giờ không khó để nhìn thấy các thanh niên ngồi uống nước và truyền tay nhau chung 1 điếu “cỏ”. Về cơ bản, dạng thức ma tuý này được các đối tượng sản xuất bằng phương thức dùng các chất hoá học tổng hợp được rồi pha chế thành dạng dung dịch và phun hoặc tẩm ướp vào các mẫu thảo mộc khô, cây cỏ (thảo mộc, cây cỏ không chứa chất ma tuý).

'Bùa lưỡi', cốc nước gây ảo giác và nỗi ám ảnh của một 'dân chơi'
Một loại ma tuý mới được Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) phát hiện

Quay lại câu chuyện của M, cậu ta kể lần đầu tiên tiếp xúc với “bùa lưỡi” đã được bảo nó hoàn toàn không gây nghiện và tác dụng rất mạnh. Bản thân M cũng thích loại ma tuý này bởi chúng khá tinh vi, khó phát hiện. Chính vì “chơi” nhiều, nên không ít lần M rơi vào trạng thái vô thức, thậm chí có thời gian cậu ta tưởng mình phát điên.

Sự tinh vi của những kẻ sản xuất, buôn bán ma tuý luôn thay đổi, từ việc tẩm ướp chất ma tuý tổng hợp lên chiếc tem để tạo ra một loại ma tuý có tên “bùa lưới”, cho đến những chất ma tuý có thể pha vào nước.

Trung tá Đoàn cho hay, một số chất ma tuý còn được dùng để pha vào đồ uống như trà sữa, cà phê, nước uống giải khát có ga... Công tác giám định mới đây đã phát hiện thấy nhiều thành phần chất ma tuý khác nhau như Ketamine, Mthammphetamine, MDMA... trong các loại mẫu này. Loại ma tuý này được sử dụng nhiều trong các quán bar, vũ trường...

Đối với nhiều người, khi gặp phải dạng ma tuý này đã không cảnh giác vì chúng khó phát hiện nên đã vô tình sử dụng. Việc sử dụng những chất ma tuý này có thể gây ảo giác, kích thích thần kinh trung ương, có thể gây ngộ độc, ảnh hưởng tới tính mạng.

Vào đầu tháng 9/2018 tại một đêm nhạc hội được tổ chức ở Công viên nước Hồ Tây đã có 7 người thiệt mạng. Sau khi điều tra, Công an Hà Nội đã cho biết 7 nạn nhân này đều dương tính với ma tuý. Tại hiện trường, Cơ quan Công an cũng thu được nhiều “bóng cười” và một số chất nghi ma tuý. Ngay sau đó, Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy và Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy”.

Trung tá Đoàn cảnh báo mới đây, qua công tác giám đinh, Viện Khoa học Hình sự đã phát hiện một loại chất có tên là Acetypsilocine. Đây là chất có tác dụng gây ảo giác tương tự như chất Psilocine (đã có trong danh mục chất ma tuý theo nghị định số 73/2018/NĐ – CP của Chính phủ)

Đây là chất dẫn xuất của Psilocine. Khi uống vào cơ thể nó sẽ giải phóng Psilocine gây tác dụng ảo giác. Đây được coi là thủ đoạn rất mới, rất tinh vi của tội phạm ma tuý.

Theo Thanh Sơn (Giadinh.net.vn)