Xã hội

BOT ở Nam Định xả trạm nhiều lần vì tài xế phản đối

Các chủ phương tiện cho rằng vị trí trạm BOT Mỹ Lộc (Nam Định) không hợp lý, trong khi đại diện chủ đầu tư nói "đúng quy định".

BOT ở Nam Định xả trạm nhiều lần vì tài xế phản đối
Trạm BOT Mỹ Lộc, Nam Định. Ảnh: CTV

Ngày 26/7, trước việc nhiều tài xế dừng xe ở khu vực mua vé để phản đối vị trí trạm BOT Mỹ Lộc (Nam Định), Công ty cổ phần Tasco đã hai lần xả trạm để giải tỏa ùn tắc giao thông kéo dài trên quốc lộ 21B.

Lực lượng chức năng địa phương được tăng cường để bảo bảo an ninh trật tự; cuối giờ chiều và hôm nay (27/7) trạm thu phí hoạt động bình thường.

Theo nhiều tài xế, dự án đường tránh thành phố Nam Định dài hơn 4 km được Tasco thi công từ năm 2009 đến năm 2012 hoàn thành. Dự án này không liên quan đến vốn đầu tư quốc lộ 21A trên địa bàn tỉnh. "Tuy nhiên, không hiểu vì sao suốt từ năm 2009 đến 2012, doanh nghiệp được sử dụng trạm thu phí đã dừng hoạt động trên quốc lộ 21A để thu phí cho dự án BOT đường tránh", một chủ phương tiện nói.

Ngoài ra, vị trí trạm BOT Mỹ Lộc không hợp lý do thu phí cả xe đi trên quốc lộ 21B nối Phủ Lý (Hà Nam) với thành phố Nam Định, trong khi đường tránh thành phố Nam Định chỉ có 4 làn xe đầu tư bằng hình thức BOT, 2 làn xe sát dải phân cách do tỉnh đầu tư 80 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách (dự án BT). 

BOT ở Nam Định xả trạm nhiều lần vì tài xế phản đối - 1
Cảnh sát giao thông được tăng cường để chống ùn tắc tại trạm thu phí Mỹ Lộc. Ảnh: CTV

Các chủ phương tiện cho hay, giá vé qua trạm BOT Mỹ Lộc trước đây là 35.000 đồng mỗi lượt với xe dưới 12 chỗ ngồi và xe tải dưới 3,5 tấn. Thời gian gần đây, khi tài xế phản đối thì doanh nghiệp giảm giá vé xuống còn 30.000 đồng. "Đây là mức thu quá cao", một tài xế nhận xét.

Trước vấn đề trên, ông Trịnh Xuân Nam, Giám đốc Tasco 6 (đơn vị quản lý trạm thu phí BOT Mỹ Lộc) cho biết, dự án đường tránh thành phố Nam Định có chiều dài 4,45 km, trong đó có 3,9 km tuyến chính (từ vòng xuyến Big C Nam Định đến trạm thu phí Mỹ Lộc) và 550 m đường nhánh nối từ đường chính sang quốc lộ 21A.

Năm 2009, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt với tổng mức đầu tư ban đầu là 313 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh hai lần lên hơn 487 tỷ đồng.

Về việc vì sao doanh nghiệp được sử dụng trạm thu phí đã dừng hoạt động trên quốc lộ 21A để thu phí cho BOT đường tránh, ông Nam giải thích "thu phí sớm là để giúp doanh nghiệp giảm lãi vay và giảm thời gian thu phí từ 23 năm xuống còn 17 năm". Cụ thể, từ năm 2009 đến 2012,  Tasco sử dụng trạm thu phí trên quốc lộ 21A để thu phí nhằm tạo vốn đầu tư cho đoạn đường tránh.

Trả lời ý kiến cho rằng trạm BOT Mỹ Lộc đặt sai vị trí, đại diện Tasco khẳng định "trạm đặt hoàn toàn trên tuyến tránh chính dài 3,9 km, không đặt sang quốc lộ 21B".

“Tuyến tránh được đầu tư theo hình thức BOT nên ai đi qua phải mua vé, cho dù là đi một mét hay cả tuyến. Doanh nghiệp không ép! Các xe không muốn phải trả phí thì đi theo quốc lộ 21A", ông Nam nói.

Theo vị này, tuyến tránh thành phố Nam Định hiện có 6 làn xe, Tasco chỉ đầu tư 4 làn BOT, còn 2 làn do tỉnh Nam Định đầu tư (dự án BT). Tuy nhiên, 2 làn đường BT này chỉ dài hơn 3,1 km và cách trạm thu phí vài trăm mét, nên "mọi người có thể đi lại bình thường trong số km đó mà không bị thu phí, còn muốn qua trạm BOT để sang đường 21B hay từ 21B về thành phố Nam Định thì phải mua vé".

Để làm rõ thông tin, phóng viên đã liên hệ với đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nam Định nhưng chưa nhận được câu trả lời.

BOT ở Nam Định xả trạm nhiều lần vì tài xế phản đối - 2
Vị trí trạm BOT Mỹ Lộc.

Theo Giang Chinh (VnExpress.net)