Xã hội

Bóp nghẹt ngõ nhỏ, phố nhỏ Hà Nội

Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều toà chung cư với số hộ dân bằng cả một phường đang “len lỏi” trong các ngõ, phố nhỏ. Những cư dân này đang phải chịu trận khi hằng ngày phải đối mặt tắc đường, ô nhiễm trong khi chủ đầu tư và cơ quan quản lý làm ngơ.

 
Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều toà chung cư với số hộ dân bằng cả một phường đang “len lỏi” trong các ngõ, phố nhỏ. Những cư dân này đang phải chịu trận khi hằng ngày phải đối mặt tắc đường, ô nhiễm trong khi chủ đầu tư và cơ quan quản lý làm ngơ.

Con phố nhỏ Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, Hà Nội) dài chưa đến 1km nhưng có vài dự án chung cư cao cấp. Hằng ngày, những cư dân của những dự án như: Hapulico Complex, Sakura Tower... phải đối diện điệp khúc đường triền miên…tắc.

Nhồi cao ốc vào nội đô, Hà Nội đang ngột ngạt về giao thông, tiếp tục bóp nghẹt ngõ nhỏ, phố nhỏ. Ảnh: Như Ý
Nhồi cao ốc vào nội đô, Hà Nội đang ngột ngạt về giao thông, tiếp tục bóp nghẹt ngõ nhỏ, phố nhỏ. Ảnh: Như Ý

Lãnh đạo phường Thanh Xuân Trung chia sẻ, dân số phường tăng lên chóng mặt khi gần chục toà chung cư đưa vào sử dụng vài năm trở lại đây. So với cách đây 5 năm, số dân của phường tăng gấp 5 lần, lên khoảng hơn 20.000 người. Chưa dừng lại, theo dự đoán, đến hết năm 2017, phường Thanh Xuân Trung sẽ tăng thêm khoảng gần 20.000 căn hộ với 80.000 hộ dân.

Tuyến phố Khương Trung (Thanh Xuân) chỉ rộng khoảng hơn 3m và thường xuyên bị tắc đường, hiện đã có nhiều đoạn xuất hiện ổ gà, ổ voi lồi lõm. Thế nhưng, phố nhỏ này đang phải “gánh” thêm một lượng cư dân đi lại khi có 2 đơn nguyên với hàng trăm căn hộ của dự án chung cư cao tầng ở 283 Khương Trung đã bàn giao. Đồng thời, chủ dự án Cty CP Đầu tư thiết kế và Xây dựng (VIDEC) vẫn đang triển khai tiếp tòa Star Tower cao 25 tầng với 250 căn hộ, cùng trung tâm thương mại phía dưới nằm ngay mặt đường. Một lãnh đạo phường Khương Trung nói: Quản lý chung cư phức tạp hơn nhà đất. Hiện, nhiều phường trong nội thành không quản lý xuể những chung cư mới mọc lên.

Còn tuyến đường Trường Chinh (Đống Đa, Hà Nội) dài hơn 2km, những cao ốc chọc trời đã và đang đua nhau mọc lên. Tại ngõ 102 Trường Chinh đã mọc lên hai dự án chung cư chót vót với hàng trăm căn hộ. Hàng loạt dự án cao tầng khác cũng mọc lên tại số 68 Trường Chinh; Tại tổ hợp khu chung cư, văn phòng cho thuê (một mặt tại đường Trường Chinh, một mặt ở số 3 Lê Trọng Tấn) hay dự án khu chung cư 317 Trường Chinh đã xuất hiện với lượng người tăng đột biến, đẩy tuyến đường này vào tình trạng càng mở rộng càng tắc.

Trên trục đường Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) tình trạng diễn ra tương tự khi 2 năm trở lại đây có hàng chục khu nhà từ 17 đến hơn 30 tầng mọc lên như: Tòa nhà Fodacon, Sông Đà, Hồ Gươm Plaza, chung cư SUD, Hattoco... Các khu nhà cao tầng này chỉ cách nhau vài trăm mét.

Lỗi ở cơ quan quản lý?

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phân tích, hiện hàng triệu người dân sống trong các làng, ngõ xóm Hà Nội bị “đô thị” hóa một cách ồ ạt. “Chủ đầu tư chạy theo lợi nhuận mà tạo ra sự lộn xộn về hạ tầng dẫn đến nhiều công trình hạ tầng xã hội không được đầu tư, không có khu sinh hoạt cộng đồng, trường học cũ bị bao vây tứ phía, chợ cóc mọc khắp nơi. Đặc biệt, vệ sinh môi trường của các khu này rác thải, nước thải không biết đổ đi đâu”, ông Hùng nói.

“Cách đây mười năm, tôi từng gọi hiện tượng ngõ nhỏ, phố nhỏ mọc chung cư là mảng trắng trong quy hoạch. Không chỉnh trang khu đô thị cũ người ta chỉ chạy theo “trồng” các khu đô thị mới nhìn có vẻ khang trang, đẹp đẽ, có vẻ hiện đại. Thực chất, sau lưng nó lại là một hình ảnh nhếch nhác”, ông Hùng cho biết.

Bóp nghẹt ngõ nhỏ, phố nhỏ Hà Nội - ảnh 1
Con đường Vũ Trọng Phụng với hàng chục dự án đã và đang triển khai gây áp lực lên hạ tầng giao thông. Ảnh: Như Ý

Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng,  trong tư vấn và lập quy hoạch, không ai lại đưa chung cư cao tầng vào những khu vực nội đô chật hẹp, vì sẽ gây áp lực lớn cho hạ tầng đô thị. “Khu vực đường phố nhỏ hẹp có nghĩa nằm trong nội đô cũ, chỉ xây dựng thấp tầng mới phù hợp, do đó nếu gom các khu đất để xây dựng các khu nhà cao tầng thì đây không phải là theo quy hoạch mà xây dựng theo kiểu bột phát. Nhưng vì sao tình trạng này vẫn diễn ra? Nguyên nhân là vì lợi nhuận, còn trách nhiệm rõ ràng thuộc về các cấp quản lý của chính quyền địa phương”, ông Chính nói.

Nói về việc cấp phép vô lý này, một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội lý giải, việc cấp phép xây dựng trải qua nhiều khâu. Trong đó, khâu quan trọng nhất là dự án có phù hợp quy hoạch không. Điều này được thẩm định qua Sở Quy hoạch & Kiến trúc Hà Nội. “Tuy nhiên, các bản quy hoạch của ta được lập và đã được phê duyệt thường rất khô cứng, thiếu linh hoạt (phân khu chức năng máy móc), thủ tục điều chỉnh cũng rất rườm rà, vì thế làm ảnh hưởng đến xây dựng và phát triển”, vị này cho hay và thừa nhận: Quy hoạch hiện nay ở Hà Nội đang yếu, vì thế mới dẫn đến ngày càng nhiều chung cư “mọc” lên ở nội đô đi kèm tình trạng ùn tắc diễn ra thường xuyên trên những tuyến phố có nhiều tòa cao ốc.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, điều đáng lo ngại hơn chính là sự đảm bảo an toàn cho các cư dân tại đây khi các sự cố như hỏa hoạn có thể xảy ra. Xe cứu hỏa, xe cứu thương... sẽ khó tiếp cận các tòa nhà khi có sự cố. Thực trạng này cũng cho thấy sự thiếu tính toán trong quy hoạch, duyệt dự án bừa bãi, tùy tiện.

Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)