Xã hội

Bốc thăm may mắn để chọn trẻ vào học trường công lập

Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ có khoảng 20.000 dân nhưng chỉ một trường mầm non công lập nhận trẻ lớp 3 tuổi với chỉ tiêu là 91. 

Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ có khoảng 20.000 dân nhưng chỉ một trường mầm non công lập nhận trẻ lớp 3 tuổi với chỉ tiêu là 91. 

"Luật quy định trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục. Nhưng con tôi không được học trường công như các bạn, dù đăng ký đúng tuyến. Vậy có gọi là bình đẳng không?", người mẹ bức xúc.

boc-tham-may-man-de-chon-tre-vao-hoc-truong-cong-lap

Khu chung cư HH Linh Đàm có 12 toà nhà cao 36 - 41 tầng với khoảng 50.000 dân nhưng không có một trường mầm non, tiểu học công lập. Ảnh: Quỳnh Trang.

Chị lo lắng khi nghĩ đến việc gửi con gái lớn vào mầm non tư thục với kinh phí 1,5-2 triệu đồng một tháng, cao gấp 2 lần tổng học phí và tiền ăn ở trường công. "Thu nhập vợ chồng mỗi tháng được 15 triệu đồng thì trả ngân hàng 5 triệu vay mua nhà, 4 triệu thuê giúp việc trông con nhỏ, giờ nếu thêm 2-3 triệu cho con học mầm non tư thục thì chắc tôi không tải nổi", người mẹ 2 con trăn trở và tiếp tục dò hỏi cách "chạy" cho con vào học trường công.

Nhiều phụ huynh trong khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ cũng bức xúc khi phải gửi con vào trường mầm non dân lập. Khu đô thị với 6 khối nhà cao tầng đưa vào hoạt động (tổng dự án có 8 khối nhà) có khoảng 20.000 dân nhưng xung quanh chỉ có 2 trường mầm non công lập là Hoa Sữa và Đại Kim, phục vụ cho cả phường Đại Kim (quận Hoàng Mai). Mỗi năm, các trường này chỉ tuyển mới một số chỉ tiêu vào mẫu giáo 3-5 tuổi.

Cách khu nhà Kim Văn - Kim Lũ khoảng 100 m, 3 tòa chung cư cao 22 tầng chuẩn bị đưa vào hoạt động. Chị Hiền lo 2 năm nữa khi con gái thứ hai đến tuổi đi mẫu giáo, sẽ phải "chọi" với bao bạn trong màn bốc thăm may rủi để được vào trường công. 

Nguồn: VTV1.

Ngày 7/7 vừa qua, chị Vân - cư dân khu chung cư mới xây dựng HH Linh Đàm (phường Hoàng Liệt) - cũng trải qua màn bốc thăm để cho con vào mầm non Thực hành Linh Đàm. Chỉ khu HH với 12 tòa nhà cao 36-41 tầng đã có khoảng 50.000 người, nhu cầu trường lớp rất lớn. Tuy nhiên, cả phường Hoàng Liệt có duy nhất một trường mầm non công lập.

Theo số liệu năm 2016, 5 cơ sở của ngôi trường này chỉ đáp ứng 13% số học sinh mầm non trong phường. Nhiều nhà như gia đình chị Vân có hộ khẩu KT2 nhưng không thể cho con nhập học. Mong muốn cho con học trường được "nhà nước đầu tư, giám sát", chị Vân kỳ vọng vào mầm non bán công Thực hành Linh Đàm. Trường này không yêu cầu hộ khẩu Hà Nội hay đăng ký đúng tuyến. 

Cơ hội của chị Vân trở lên mong manh khi năm nay trường tuyển 40 học sinh lớp 2 tuổi nhưng có 99 hồ sơ đăng ký. 3 năm trước người mẹ bốc thăm trượt cho con trai lớn. Lần này, vận may không mỉm cười với chị. Chị Vân dự tính cho con gái út học trường mầm non tư thục trong khu HH nơi anh trai đang theo, để được giảm học phí và miễn tiền xây dựng trường. 

Ở khu đô thị Dương Nội (Hà Đông) với 14 tòa nhà cao 25 tầng, khoảng 10.000 dân, việc xin học cho con vào trường mầm non tư thục có tiếng cũng là bài toán đau đầu. Chị Hồng từng ngao ngán khi nhìn danh sách khoảng 1.000 phụ huynh đăng ký trước, đang chờ trường tư thục gọi con vào học. May mắn có người quen, chị "đi lách" xin được cho con trai lớn vào học sớm. 

Người mẹ thở phào khi tháng 8 tới đây có thể đưa con nhỏ vào học trường mầm non công lập để giảm chi phí. Khu đô thị Dương Nội nơi gia đình chị Hồng ở là số ít khu chung cư mới, hoàn thành việc xây dựng trường mầm non công lập để phục vụ cư dân.

Theo quy định, mỗi khu đô thị mới mọc lên ở Hà Nội phải có ít nhất một trường mầm non, tiểu học và THCS công lập. Tuy nhiên, báo cáo của UBND thành phố Hà Nội cho thấy, trong 78 dự án khu đô thị mới có quy hoạch đất xây dựng công trình hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học...), chỉ 36 dự án đầu tư xây dựng đồng bộ đúng quy hoạch; 27 dự án đang xây công trình hạ tầng xã hội cùng nhà ở; 15 dự án đầu tư chưa bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội với xây dựng nhà.

*Tên nhân vật đã được thay đổi.

Theo Quỳnh Trang (VnExpress.net)