Xã hội

Bộ trưởng Tô Lâm: Bỏ tổng cục vì hình thức

"Tổng cục đúng là hình thức, rất trung gian vì nó không phải cấp hành chính, không quan hệ được với cấp bộ, ngành, địa phương", Bộ trưởng Công an Tô Lâm phát biểu.

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng 2018, triển khai nhiệm vụ 2019 diễn ra sáng 18/1, thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, dành nhiều thời gian đề cập đến mục tiêu, bản chất của việc sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với xây dựng Đảng mà ngành công an nhân dân vừa triển khai.

Ngoài chia sẻ về những khó khăn về quá trình tinh giản, sắp xếp bộ máy, người đứng đầu Bộ Công an còn nói về những bất cập trong công tác tổ chức bấy lâu nay.

Vì sao bỏ cấp tổng cục?

Về đề xuất tổ chức máy theo hướng bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở, thượng tướng Tô Lâm nói đây là sự thay đổi trong tư duy, phong cách làm việc, không đơn thuần chỉ là thay đổi về bộ máy.

“Tư duy mới, phương pháp mới rất quan trọng, mới có thể góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an không có gì thay đổi nhưng bộ máy tổ chức lại có hiệu quả. Bản chất là bố trí, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cán bộ”, người đứng đầu Bộ Công an nói có 2 việc lớn phải làm để hướng đến mục tiêu trên là không tổ chức cấp tổng cục và đưa xuống bám sát cơ sở.

Bộ trưởng Tô Lâm: Bỏ tổng cục vì hình thức
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an. Ảnh: Hoàng Hà.

Năm 2018, khi bắt đầu đề xuất tổ chức bộ máy mới, Bộ Công an thành lập được 72 năm, trong đó có 36 năm có tổng cục.

Vì sao có Tổng cục, ông Tô Lâm cho biết xuất phát điểm đầu tiên là chủ trương sẽ xây dựng những đơn vị nòng cốt để tách thành 2 bộ là Bộ An ninh và Bộ Công an (phụ trách lực lượng cảnh sát).

Xây dựng 2 tổng cục an ninh và cảnh sát làm nòng cốt cho tách bộ nhưng tổng cục cấp phải quản lý hành chính. Sau này, các lực lượng khác cũng đòi thành lập cấp tổng cục tương xứng nên có lúc lên 8 tổng cục, rồi thu gọn lại thành 6 tổng cục.

Và hệ thống “chân rết” của 2 tổng cục này ở địa phương là Ban chỉ huy An ninh, Ban chỉ huy cảnh sát sau khi thực hiện được mấy năm đã giải tán vì cồng kềnh. Cuối cùng, chỉ còn cấp tổng cục trực thuộc bộ.

“Đúng là hình thức, rất trung gian vì nó không phải cấp hành chính, không quan hệ được với cấp bộ, ngành, địa phương. Nếu xét về cấp hành chính, giám đốc công an ở địa phương còn toàn diện hơn. Giờ tổng cục đi chỉ đạo phòng ở địa phương thì rất khó khăn. Đó là thực tế”, ông Lâm nói.

Bộ trưởng Tô Lâm: Bỏ tổng cục vì hình thức - 1
Bộ Công an sẽ xóa bỏ 6 tổng cục, giảm từ 125 đơn vị cấp cục xuống còn 60.

Về tăng cường lực lượng bám sát cơ sở, sát với dân, Bộ trưởng Công an xác định đây là việc quan trọng vì mọi vấn đề về an ninh trật tự đều xuất phát từ cơ sở. Nhiệm vụ của Bộ Công an là xây dựng xã hội trật tự từ xóm làng, khu phố để kéo giảm được tỷ lệ tội phạm.

Nếu chỉ tập trung đấu tranh, điều tra khám phá vụ án thì vẫn không thể ngăn chặn được tội phạm, nên biên chế tổ chức không thể phát triển theo hướng này. Công an cùng cấp ủy chính quyền cơ sở phải tập trung giải quyết những bức xúc, mâu thuẫn, khó khăn của dân, xóa bỏ mọi điều kiện nảy sinh tội phạm từ cơ sở.

“Bộ máy mới phải gắn liền với cách làm mới, tư duy mới. Cái này đang trong quá trình chuyển động, thay đổi. Theo thông tin chúng tôi nhận được gần đây, thông báo của Bộ tài chính cho thấy việc sắp xếp bộ máy của Bộ Công an đã tiết kiệm 1.000 tỷ đồng. Đây là hiệu quả về mặt kinh tế, nó rất quan trọng giữa sắp xếp bộ máy và nguồn lực đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ”, ông Lâm cho hay.

Giảm từ 3.000 người đi tù mỗi năm

Bộ trưởng Công an cũng cho biết sau khi đổi mới, bộ máy công an đi vào hoạt động đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, không gây gián đoạn, xáo trộn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của công an các cấp; không để một ngày, một giờ nào nhân dân không được phục vụ.

Ngoài những thuận lợi, ngành công an đối mặt với 3 khó khăn khi tinh giản bộ máy, trong đó có những bất cập phát sinh về cơ sở pháp lý. Hai vấn đề còn lại là khó khăn trong bố trí, sắp xếp đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy khi thu gọn lại và thực hiện chế độ chính sách, ổn định tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị sắp xếp, giải thể.

Với những kinh nghiệm rút ra trong quá trình sắp xếp bộ máy, Bộ Công an đặt mục tiêu giữ vững an ninh quốc gia, trật tự xã hội trong mọi tình huống, giảm 5% tỷ lệ tội phạm tính đến năm 2020.

“Ước tính giảm 3.000 - 5.000 vụ án mỗi năm, tức là mỗi năm ít nhất có 3.000 - 5.000 gia đình không có người đi tù, 3.000 - 5.000 bị hại, 6.000 - 10.000 gia đình có hạnh phúc”, thượng tướng Tô Lâm cho rằng việc giảm hàng nghìn người đi tù sẽ góp phần làm giảm trại giam, cán bộ và nhiều vấn đề khác.

Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh. Nghiêm túc rút kinh nghiệm về những vụ việc vi phạm, sai phạm nghiêm trọng của cán bộ Đảng viên trong thời gian qua, đồng thời chú trọng đào tạo, rèn luyện gắn với tự soi, tự sửa…

Giải pháp đột phá được ngành công an lựa chọn để ổn định tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ là tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả dịch vụ; phân công phân cấp mạnh mẽ, giao quyền cụ thể gắn với trách nhiệm rõ ràng, tăng cường kiểm tra, giám sát thi hành nghiêm minh, không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ.

Để đảm bảo tốt nhân sự công an tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tham gia Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, Bộ cũng chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Năm 2019-2020, theo tính toán, khoảng 55 giám đốc công an tỉnh được chuẩn bị tốt cho đại hội các cấp tiến hành từ đầu 2020.

Theo Bá Chiêm (Tri Thức Trực Tuyến)