Xã hội

Bộ trưởng Thăng: Chưa tịch thu xe của tài xế say xỉn

Không tán thành việc tịch thu phương tiện, song, Bộ trưởng Đinh La Thăng đồng ý đề nghị tăng mức xử phạt đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn.

Không tán thành việc tịch thu phương tiện, song, Bộ trưởng Đinh La Thăng đồng ý đề nghị tăng mức xử phạt đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Giao thông cho rằng, cần phải có tổng kết, đánh giá và tăng mức xử phạt vi phạm để đảm bảo tính răn đe, tính nghiêm minh của pháp luật.

Đo nồng độ cồn người tham gia giao thông. Ảnh minh họa: Hoàn Nguyễn.

Nói thêm về đề xuất tịch thu phương tiện của lái xe vi phạm nồng độ cồn, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, các bộ Giao thông, Công an, Tư pháp đều thống nhất là có căn cứ pháp lý. Tuy nhiên, ông Thăng yêu cầu cần phải cân đối, tính toán để đảm bảo phù hợp quy định của Hiến pháp 2013, các bộ luật liên quan và tính khả thi khi triển khai thực hiện.

Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là cần có thời gian để tuyên truyền, phổ biến, vận động, tạo đồng thuận xã hội.

Ông Thăng giao các đơn vị chức năng hoàn chỉnh lại báo cáo để trình Thủ tướng vào đầu tháng 4/2015.

Về các hành vi vi phạm như say rượu, vượt quá tải, Bộ trưởng yêu cầu vẫn triển khai thực hiện theo đúng quy định (Nghị định 107, 171), sau đó sẽ căn cứ vào tổng kết, đánh giá để điểu chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tế.

Đầu tháng 3, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia đề nghị Chính phủ thí điểm tịch thu phương tiện với người điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn. Theo đó, nếu lái xe có nồng độ cồn trên 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/l khí thở, sẽ bị tước giấy phép 2 năm và tịch thu phương tiện; đồng thời, tài xế phải thi lại Luật giao thông đường bộ.

Hình thức xử phạt này áp dụng cho cả người vi phạm điều khiển môtô, xe gắn máy (xe máy điện) và các loại xe tương tự môtô, xe gắn máy.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Giao thông chủ trì, phối hợp với các bộ Công an, Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định trước ngày 31/3.

Trong văn bản gửi Bộ Giao thông, góp ý việc sửa đổi Bộ luật hình sự, Tổng cục Đường bộ đã đề nghị hình sự hóa hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định (vượt quá 100 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,5 mg/1 lít khí thở).
 
Tổng cục Đường bộ cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, hành vi này bị xử lý nghiêm khắc tại nhiều nước. Ngoài việc phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, người vi phạm còn bị khởi tố hình sự và hình phạt tù.

>> Phạt "say xỉn lái xe" tới 40 triệu không đủ răn đe với đại gia
Theo Khánh An (Zing.vn)