Xã hội

Bộ trưởng Giáo dục: Chuyển học phí thành 'giá dịch vụ' không phải là đổi tên

Ông Phùng Xuân Nhạ cho rằng, tên gọi "học phí" là khái niệm truyền thống nhưng không bao hàm hết chi phí đào tạo.

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội sáng 30/5, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết việc chuyển từ "học phí" sang "giá dịch vụ đào tạo" phù hợp với Luật giá, Luật Phí và lệ phí. Theo quy định của Luật phí, lệ phí, học phí được chuyển sang thực hiện theo cơ chế tính giá dịch vụ của Luật giá. 

"Học phí là khái niệm nghe quen tai, giờ chuyển sang tự chủ thì có rất nhiều chương trình đào tạo phải tính đến chi phí dịch vụ theo Luật giá. Tính đầy đủ làm sao đảm bảo chất lượng, phù hợp với chi phí. Nói cách khác chi phí phải tương xứng chất lượng, để hạch toán tự chủ, đó là giá dịch vụ đào tạo", ông Nhạ lý giải.

Bộ trưởng Giáo dục: Chuyển học phí thành 'giá dịch vụ' không phải là đổi tên
Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: PX.

Theo Bộ trưởng, việc chuyển từ "học phí" sang "giá dịch vụ đào tạo" không phải là đổi tên. Gọi "học phí" có tính truyền thống nhưng không bao hàm tất cả chi phí dịch vụ đào tạo. Điều 105 dự luật Giáo dục sửa đổi vẫn quy định về học phí. Tuy nhiên, cơ chế xác định và thu học phí được đổi mới theo Luật Giá. Mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục đào tạo.

"Việc dùng từ "học phí" hay "giá dịch vụ đào tạo" trước hết phải theo luật và vận dụng cho phù hợp với thực tiễn. Việc chuyển đổi không sai luật, nhưng phù hợp với đặc điểm của ngành", Bộ trưởng Nhạ nêu quan điểm.

Dự luật Giáo dục đại học sửa đổi được Bộ trưởng Giáo dục trình bày tại phiên họp Quốc hội sáng 30/5 có nội dung "sửa đổi để chuyển học phí của cơ sở giáo dục đại học sang quy định về định giá dịch vụ đào tạo, phù hợp với Luật giá, Luật Phí và Lệ phí".

Thẩm tra dự luật, đa số thành viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục và Thanh thiếu niên nhi đồng tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ. Tuy nhiên, Ủy ban không nhất trí việc thay thuật ngữ học phí bằng giá dịch vụ đào tạo như thể hiện trong dự luật.

"Việc sử dụng khái niệm học phí (cũng đã được quy định trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật giáo dục) vừa thể hiện quan điểm coi giáo dục là lĩnh vực đặc thù, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và vừa tránh cách tiếp cận theo hướng thương mại trong giáo dục", văn bản thẩm tra nêu rõ.

Theo Võ Hải (VnExpress.net)