Xã hội

Bộ Quốc phòng, Công an và Ngoại giao có 6 thứ trưởng

Theo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), số lượng tối đa Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là không quá 5; các bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao không quá 6.

Theo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), số lượng tối đa Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là không quá 5; các bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao không quá 6.
Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
 

Các bộ Quốc phòng, Công an và Ngoại giao được quy định 6 Thứ trưởng- Ảnh trụ sở Bộ Quốc phòng

Theo đó, có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ trong luật số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ và các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ. Có ý kiến đề nghị không quy định “cứng” trong Luật về nội dung này.

Giải trình về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định trong luật số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ là cần thiết. Do vậy, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đề nghị Quốc hội cho xác định rõ số lượng tối đa Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là không quá 5.

Trong đó, các bộ Quốc phòng, Công an và Ngoại giao là không quá 6; số lượng cấp phó của tổng cục là không quá 4; số lượng cấp phó của cục, vụ, văn phòng, thanh tra và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là không quá 3.

ĐB Danh Út (Kiên Giang) đồng tình với quan điểm này và đề nghị quy định rõ trong luật số Thứ trưởng và cấp phó. Riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ĐB này lại đề nghị cần có 6 Thứ trưởng vì đây là bộ rất lớn, quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và cả việc xây dựng nông thôn mới. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cũng nhấn mạnh cần quy định "cứng" số lượng Thứ trưởng, cấp phó. "Nếu Bộ trưởng giỏi, Thủ trưởng giỏi thì không cần quá nhiều cấp phó" - ĐB An nói.

Phản ánh tình trạng số lượng cấp phó tổng, cục, vụ hiện gần như không có giới hạn, ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cho rằng số lượng đơn vị giảm nhưng số lượng biên chế không hề giảm. “Cần có trần tối đa đối với từng bộ ngành về số tổng, cục, vụ và đơn vị sự nghiệp thì mới có thể giảm được biên chế” - ĐB Đặng Thị Kim Cúc đề xuất.

Đáng chú ý, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề cập đến một cơ quan chưa được quy định rõ về điều này. “Điều 39, 41 quy định số lượng các Thứ trưởng ở các bộ, cơ quan ngang bộ. Vậy thì Văn phòng Chính phủ (VPCP) có bao nhiêu phó chủ nhiệm? Nếu không quy định thì 7,8 ,9 ,10 người cũng được? ”- ĐB này băn khoăn.

ĐB đến từ Hà Nội đề nghị trong Luật phải xác định rõ địa vị pháp lý của VPCP, không phải là bộ, nhưng có phải là cơ quan ngang bộ hay không? Điều 39 hoặc 41 cần có một khoản quy định liên quan đến VPCP, và phải quy định rõ các phó chủ nhiệm VPCP cũng chỉ khung chung là 5 người thôi. Không thể đứng ngoài cơ cấu về số lượng cấp phó.

“Chúng ta đang nói đến cải cách hành chính, rút ngắn quy trình thủ tục ở các cơ quan, các địa phương… tuy nhiên, ngay trong nội bộ VPCP cũng phải cải cách hành chính” - ĐB Chu Sơn Hà nói.
 
>> Cận cảnh Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đón Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
 
Theo N.Quyết (Nld.com.vn)