Xã hội

Bộ luật Hình sự có nhiều lỗi: Đại biểu thông qua không thể chối trách nhiệm

"Không biết đại biểu chuyên trách làm gì ở Quốc hội mà để ban hành các đạo luật còn nhiều điều khoản thiếu chuẩn mực về câu cú, chưa nói đến nội dung”, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội khóa 13 Nguyễn Văn Phúc chia sẻ câu nói của một cử tri khiến ông thấy xấu hổ.

"Không biết đại biểu chuyên trách làm gì ở Quốc hội mà để ban hành các đạo luật còn nhiều điều khoản thiếu chuẩn mực về câu cú, chưa nói đến nội dung”, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội khóa 13 Nguyễn Văn Phúc chia sẻ câu nói của một cử tri khiến ông thấy xấu hổ.

bo-luat-hinh-su-co-nhieu-loi-dai-bieu-thong-qua-khong-the-choi-trach-nhiem
Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội khóa 13 ​Nguyễn Văn Phúc.

- Trước khi Bộ luật Hình sự 2015 được thông qua, ông là một trong các đại biểu đã đề nghị rà soát rất nhiều cụm từ trong dự thảo vì phát hiện mâu thuẫn và chưa chính xác. Vì sao ông vẫn bấm nút thông qua?

- Biểu quyết từng điều cụ thể khác với cả đạo luật, vì thế nhiều khi đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua toàn bộ đạo luật trong đó chứa điều luật mà họ không tán thành. Mỗi dự án luật là một chủ trương, đại biểu không thể không ủng hộ chủ trương đúng.

Bộ luật Hình sự 2015 có nhiều quy định tiến bộ trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Ví dụ trong bối cảnh bức xúc về an toàn vệ sinh thực phẩm lâu nay, việc đưa ra mức phạt tới 20 năm tù với loại tội phạm trong lĩnh vực này, theo tôi là chủ trương đúng.

- Ông thấy trách nhiệm của mình như thế nào?

- Đây là bộ luật quan trọng, mỗi đại biểu tham gia quyết định đều phải đồng chịu trách nhiệm. Không thể chối được. Trước mắt vì đang trong giai đoạn tập trung rà soát lỗi và sửa sai nên chưa có điều kiện làm rõ các sai sót của Bộ luật này là vì sao.

Cá nhân tôi với tư cách đại biểu chưa yên tâm về nhiều khâu trong quy trình làm luật hiện nay. Từ lên chương trình làm luật, soạn thảo, thẩm tra, cho đến tiếp thu ý kiến đại biểu và thông qua.

Ví dụ, việc chia tổ để cho ý kiến về các dự án luật, ở khâu này công tác ghi biên bản rất quan trọng để tập hợp ý kiến sau này. Tuy nhiên, chúng tôi xem lại biên bản tổng hợp ý kiến thấy rơi rụng nhiều lắm. Tôi cùng tổ với Chủ tịch Quốc hội, thảo luận xong tôi xem lại bản tổng hợp thì có những ý kiến phát biểu của Chủ tịch và của mình không thấy đâu.

- Bộ luật này tuy không sai về chủ trương, chính sách hình sự nhưng có tới khoảng 90 lỗi kỹ thuật mà có thể gây nguy cơ bỏ lọt tội phạm hoặc oan, sai. Ông đánh giá thế nào về mức nghiêm trọng của những "sai sót kỹ thuật" này?

- Sai sót kỹ thuật sẽ ảnh hưởng đến áp dụng chính sách, chính vì vậy chúng ta phải lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự 2015 để sửa. Chẳng hạn, điều 292 (tội Cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông) khi liệt kê các dịch vụ có ghi một câu là “các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật”. Về mặt kỹ thuật lập pháp ghi như vậy rất nguy hiểm vì không rõ “dịch vụ khác” là dịch vụ gì? Hơn nữa “quy định của pháp luật” là rất rộng, có thể bao gồm cả nghị định, thông tư, quyết định của một số cấp trong hệ thống hành chính... Quy định không rõ ràng và “quét” rộng như vậy là trái với nguyên tắc chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tôi đi nghiên cứu ở nhiều nước thấy trong quy trình làm luật của họ phân công lao động rất rõ các khâu kỹ thuật chính sách và kỹ thuật lập pháp. 

Thời ông Nguyễn Văn An làm Chủ tịch, Quốc hội khóa XI đã lập ra ban công tác lập pháp do một phó chủ tịch phụ trách. Thành viên của ban không phải đại biểu mà là các chuyên gia, chuyên viên giỏi về kỹ thuật lập pháp. Các luật được thẩm tra ở các ủy ban của Quốc hội xong đều đưa về ban công tác lập pháp để rà soát về kỹ thuật. Tiếc là hiện không còn mô hình này.

bo-luat-hinh-su-co-nhieu-loi-dai-bieu-thong-qua-khong-the-choi-trach-nhiem-1
Quốc hội khóa 13 đã thông qua Bộ luật hình sự 2015 ngày 27/11/2015 với 84,01% đại biểu tán thành. Đến ngày 29/6/2016, Quốc hội biểu quyết lùi hiệu lực thi hành. Ảnh: Q.H 

- Ở trên ông nhắc đến vai trò của các chuyên gia, chuyên viên giỏi trong việc đảm bảo chất lượng các đạo luật. Hiện nay việc sử dụng lực lượng này như thế nào?

- Quốc hội bao gồm các đại biểu, nhưng nói đến Quốc hội còn là bộ máy giúp việc. Ở nhiều nước, nghị sĩ có điều kiện thuê một đội ngũ thư ký lên đến hàng chục người, bên cạnh đó còn bộ máy giúp việc chung của nghị viện rất hùng hậu. Đại biểu theo nhiệm kỳ nhưng bộ máy tham mưu, giúp việc làm việc liên tục, đây là nơi góp phần quan trọng quyết định tính ổn định và chất lượng của các văn bản luật. Ở ta sự quan tâm đến vai trò của bộ máy giúp việc chưa tương xứng.

- Vậy còn việc sử dụng đội ngũ chuyên gia vào công tác xây dựng pháp luật?

- Quốc hội giao cho mỗi đại biểu chuyên trách 50 triệu đồng mỗi năm để thuê chuyên gia. Chúng tôi nhờ anh em giúp việc ở vụ chuyên môn làm các việc cụ thể để thuê thì được nói rằng thủ tục chi trong khoản 50 triệu này cực kỳ phức tạp.

Cơ chế tài chính như thế là một cái dở. Tôi hỏi một số đại biểu Quốc hội chuyên trách thì họ cũng thấy phiền phức lắm, đi thuê thì phải ký hợp đồng với chuyên gia, phải có bao nhiêu bài, mà chờ được những thủ tục đó với các chuyên gia đầu ngành thì mất hết động lực thu hút.

Tất nhiên, một mặt chúng ta cần cải tiến thủ tục hành chính, mặc khác với các đại biểu Quốc hội khoá tới đây, tôi cho rằng phải làm quen và tăng cường sử dụng chuyên gia. Thủ tục phiền hà cũng phải chịu khó làm, để làm sao tập hợp được trí tuệ cho công việc chung. Đại biểu Quốc hội không phải là những người cái gì cũng biết.

- Nhiều ý kiến cho rằng phải xây dựng Quốc hội chuyên nghiệp thì mới hạn chế tối đa các sai sót trong xây dựng pháp luật. Ông nghĩ sao?

- Chúng ta đang trong lộ trình tăng đại biểu chuyên trách. Tuy nhiên, chuyên trách chưa hẳn là chuyên nghiệp. Tới đây sẽ có nhiều vị đại biểu Quốc hội chuyên trách mới, họ có thể giỏi trong lĩnh vực chuyên môn nhưng chưa được đào tạo kỹ năng hoạt động nghị trường, kỹ năng lập pháp, làm sao họ chuyên nghiệp ngay được. Có những đại biểu đến khi thạo việc ở Quốc hội rồi thì gần hết nhiệm kỳ.

Trong hoạt động của mình với tư cách đại biểu chuyên trách, tôi có hai lần cảm thấy xấu hổ với nhận xét của cử tri đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách. Lần tiếp xúc cử tri ở Hà Tĩnh, một cử tri đặt câu hỏi với tôi, không biết các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách làm gì ở Quốc hội mà để ban hành các đạo luật còn có nhiều điều khoản thiếu chuẩn mực về câu cú, chưa nói đến nội dung, ý tứ.

Lần khác, một cán bộ tham mưu giúp việc ở Văn phòng Quốc hội tâm sự, đại biểu Quốc hội chuyên trách được Nhà nước cho hưởng phụ cấp cao, hàng ngày có xe đưa đón, thế mà có trường hợp khi vụ giúp việc gửi văn bản xin ý kiến thì một chữ, một dấu phẩy cũng không cho được.

Tôi cho rằng, những ý kiến và tâm sự ở trên là điều mà các đại biểu chuyên trách phải suy nghĩ, nhất là các đại biểu khóa tới.

Theo Võ Văn Thành (VnExpress.net)