Xã hội

Bộ GTVT chưa nhận được đề xuất xây cao ốc 40-70 tầng khu ga Hà Nội

Với ý tưởng xây dựng cao ốc từ 40-70 tầng, Hà Nội muốn hiện thực hóa khu vực ga Hà Nội trở thành trung tâm tài chính, kiến trúc, nghỉ dưỡng đô thị. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết hiện chưa nhận được bất kỳ văn bản nào liên quan đến công trình này.

Với ý tưởng xây dựng cao ốc từ 40-70 tầng, Hà Nội muốn hiện thực hóa khu vực ga Hà Nội trở thành trung tâm tài chính, kiến trúc, nghỉ dưỡng đô thị. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết hiện chưa nhận được bất kỳ văn bản nào liên quan đến công trình này.

Khu vực ga Hà Nội hiện tại

Trước đây, ga Hà Nội có tên gọi là ga Hàng Cỏ. Công trình do Pháp xây dựng và khánh thành năm 1902. Đây là đầu mối giao thông vận tải quan trọng của cả nước nói chung, của Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận vừa được UBND TP Hà Nội gửi văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành. Mục tiêu của Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận nhằm cụ thể định hướng đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Đồ án Quy hoạch khu vực ga Hà Nội có tổng diện tích 98,1 ha. Tổng dân số của khu vực này được quy hoạch khoảng 44.000 người, trong đó có tái định cư tại chỗ dân số hiện trạng khoảng 40.300 người. Dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng khoảng 23.800 tỷ đồng, trong đó thành phố sẽ đảm nhận khoảng 700 tỷ đồng.

Theo đề xuất, khu vực ga Hà Nội sẽ được xây dựng lại với chức năng là ga trung tâm tàu khách và tàu liên vận quốc tế đi tất cả các hướng. Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, quy hoạch 9 phân vùng không gian chức năng gồm khu văn hóa thấp tầng, các khu tài chính, khu kiến trúc cao khoảng 40-70 tầng, khu thương mại quốc tế, khu lối sống mới cao khoảng 40-60 tầng, khu nghỉ dưỡng đô thị cao 40-60 tầng, khu ga đường sắt cao 40-70 tầng.

Trao đổi với PV Dân trí sáng nay (19/9), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông - cho biết: “Hiện Bộ GTVT chưa nhận được hồ sơ về Đồ án quy hoạch phân khu đô thị Khu vực ga Hà Nội và phụ cận của Hà Nội. Chúng tôi đang cho kiểm tra”.

Đề cập đến văn bản xin ý kiến của Hà Nội được cho là đã được gửi đi, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng: “Chắc chắn văn bản sẽ được chuyển tới tôi, nhưng hiện tôi chưa thấy”.

Về phía Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đơn vị đang trực tiếp quản lý ga Hà Nội, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên - cũng cho biết chưa nhận được văn bản liên quan. Theo ông Minh, về quy trình văn bản được gửi tới Bộ GTVT, sau đó Bộ GTVT sẽ lấy ý kiến.

Các chuyên gia đường sắt đánh giá, Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận là hoàn toàn phù hợp. Chỉ có các quá trình giao thông công cộng liên thông với năng lực thông qua rất lớn, lấy giao thông đường sắt làm chủ đạo thì mới đủ sức chuyển tải và thay thế được đa số các chuyến đi bằng phương tiện cá nhân.

Theo các chuyên gia, đây vừa là mục tiêu, vừa là tiền đề để tổ chức và thiết lập một trật tự cho các quá trình giao thông của Thủ đô gắn kết với toàn vùng. Sự vận hành mạng lưới giao thông liên vùng và đa phương thức này sẽ làm nên nhịp sống và phong thái đi lại văn minh, hiện đại, giúp giao thông đô thị Hà Nội phát triển đúng hướng và ngang tầm với các thành phố lớn trong vùng cũng như trên thế giới.

Theo Châu Như Quỳnh (Dân Trí)