Xã hội

Bộ GD&ĐT yêu cầu 63 tỉnh thành rà soát điểm thi THPT quốc gia 2018

7 ngày đi tìm sự thật về sai phạm điểm thi nghiêm trọng ở Hà Giang Sau khi điểm thi THPT quốc gia được công bố, kết quả thi tại Hà Giang có nhiều điểm bất thường. Qua rà soát, Bộ GD&ĐT xác định 330 bài thi trắc nghiệm bị can thiệp điểm.

Văn bản do Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ký ngày 20/7 cho biết bộ này yêu cầu các địa phương rà soát điểm thi THPT quốc gia và xử lý nghiêm sai phạm nếu có.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký công văn số 3060 về việc rà soát, đánh giá công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. 

Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia các tỉnh thành, phố trực thuộc trung ương nghiêm túc rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi tại địa phương, nhất là coi, chấm thi. Quá trình rà soát, nếu phát hiện sai phạm, kịp thời báo cáo Bộ GD&ĐT và căn cứ tình hình có thể đề nghị cơ quan công an phối hợp điều tra, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý theo quy chế và pháp luật.

Bộ GD&ĐT yêu cầu triển khai công tác khảo thí và xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo theo kế hoạch tổ chức kỳ thi, đảm bảo đúng quy định, quy chế và quyền lợi của thí sinh.

Bộ GD&ĐT yêu cầu 63 tỉnh thành rà soát điểm thi THPT quốc gia 2018
Hơn 300 bài thi trắc nghiệm của Hà Giang được nâng điểm. Sau Hà Giang, hàng loạt tỉnh khác được cho là có nghi vấn về điểm thi bất thường. Đồ họa: Châu Châu.

Bộ cũng phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện tốt nhất để triển khai công tác chấm thẩm định theo yêu cầu. Tổng hợp kết quả rà soát, đánh giá công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 trên tinh thần trung thực, khách quan, nghiêm túc, báo cáo Bộ GD&ĐT, đồng thời phổ biến, quán triệt, rút kinh nghiệm để tổ chức tốt hơn các kỳ thi sau.

Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, quán triệt công tác truyền thông nhằm đảm bảo chính xác, khách quan, kịp thời, không lợi dụng những sai phạm trong phòng thi để làm ảnh hưởng trật tự xã hội, tổn thương đội ngũ nhà giáo, cũng như tâm lý hoang mang trong học sinh, phụ huynh và xã hội.

Trưởng ban chỉ đạo nêu cao tinh thần trách nhiệm, chỉ đạo nghiêm túc các nội dung trên và gửi báo cáo kết quả thực hiện về Bộ GD&ĐT (qua Cục Quản lý Chất lượng) trước ngày 1/8.

Công văn số 3060 của Bộ GD&ĐT cũng cho biết ngay sau khi công bố kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Bộ GD&ĐT đã tổ chức phân tích dữ liệu kết quả thi. Trên cơ sở phát hiện dấu hiệu bất thường ở một số địa phương và tiếp nhận thông tin phản ánh từ dư luận xã hội, Bộ GD&ĐT đã chủ động chỉ đạo, tổ chức, kiểm tra, rà soát kịp thời để báo cáo Thủ tướng, thông tin rộng rãi trên các cơ quan đại chúng. Đồng thời, bộ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ chấm bài thi theo Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT hiện hành.

Trước đó, chiều 19/7, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ - Trưởng ban chỉ đạo - họp với lãnh đạo Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 và các đơn vị liên quan, tiếp tục xử lý sai phạm trong khâu chấm thi ở Hà Giang và nghi vấn ở một số địa phương khác.

Theo bộ trưởng, sau 4 lần tổ chức, kỳ thi THPT quốc gia ngày càng tốt hơn, đảm bảo nhẹ nhàng, tiết kiệm, an toàn, giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình thí sinh và toàn xã hội.

Sự việc xảy ra tại Hà Giang vừa qua là lời cảnh tỉnh đối với những người làm công tác tổ chức thi. Nhằm đảm bảo sự khách quan, trung thực, công bằng của kỳ thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chấm thẩm định theo đúng quy chế và xét công nhận tốt nghiệp THPT hiện hành.

“Quá trình chấm thẩm định nếu phát hiện sai phạm sẽ kiên quyết xử lý, đồng thời phối hợp cơ quan công an khẩn trương làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cương quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vi phạm nghiêm trọng quy chế thi. Đối với thí sinh, khi có kết quả chấm thẩm định phát hiện sai phạm, cho dù đã nhập học sau đợt xét tuyển đại học, cao đẳng tới đây, vẫn phải xử lý nghiêm theo đúng quy chế”, ông Nhạ nói.

Trả lời Zing.vn, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - cho rằng sai phạm điểm thi ở Hà Giang cần được điều tra đến cùng. Nếu có những dấu hiệu, nghi vấn, Bộ GD&ĐT phải rà soát nghiêm túc để tìm ra.

"Tôi chỉ sợ Bộ GD&ĐT không rà soát nghiêm túc ở những tỉnh thành, vì nếu sai phạm hàng loạt thì áp lực tổ chức lại kỳ thi rất lớn. Tất nhiên, bộ làm nghiêm túc thì rất tốt nhưng thực lòng tôi thấy không khả quan", ông Phạm Tất Dong nói.

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cũng cho rằng nếu gian lận, tiêu cực trong thi cử xảy ra ở nhiều tỉnh, không chỉ Hà Giang, mà rất có thể các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình..., Bộ GD&ĐT và bộ trưởng cũng không tránh khỏi trách nhiệm. 

Theo Quyên Quyên (Tri Thức Trực Tuyến)