Xã hội

Bộ GDĐT lên tiếng thanh minh điểm chuẩn sư phạm thấp

Trong ngành sư phạm, những nơi lấy điểm chuẩn thấp là các trường địa phương, cao đẳng. Còn các trường đại học lớn vẫn có điểm chuẩn rất cao như ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TPHCM..., bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT - chia sẻ.

Trong ngành sư phạm, những nơi lấy điểm chuẩn thấp là các trường địa phương, cao đẳng. Còn các trường đại học lớn vẫn có điểm chuẩn rất cao như ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TPHCM..., bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT - chia sẻ.

Dư luận đang hết sức lo ngại về chất lượng giáo viên trong tương lai trước thực tế nhiều trường đại học, cao đẳng sư phạm đang có mức điểm chuẩn thấp. Thậm chí, nhiều trường cao đẳng có điểm tổ hợp 3 môn chỉ 9 - 10 điểm. Có thể kể đến một số trường hợp cụ thể như CĐ Sư phạm Bắc Ninh đưa ra mức điểm chuẩn 9 điểm, tức là chỉ cần trung bình 3 điểm/môn, theo kết quả thi THPT quốc gia với các ngành sư phạm Toán, sư phạm Sinh, sư phạm Ngữ văn. CĐ Sư phạm Lào Cai lấy điểm trúng tuyển hệ chính quy là 9,5 điểm. CĐ Sư phạm Hà Nam, Hải Dương có điểm chuẩn của tất cả ngành học là 10.

Không chỉ riêng bậc cao đẳng, ở đại học, không hiếm trường sư phạm lấy điểm trúng tuyển ngang điểm sàn của Bộ GDĐT. ĐH Hà Tĩnh lấy điểm chuẩn 15,5 cho tất cả ngành học, trừ sư phạm Mầm non. ĐH Sư phạm Thái Nguyên lấy điểm chuẩn nhiều ngành như sư phạm Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Âm nhạc là 15,5. Đây cũng là điểm chuẩn vào nhiều nhóm ngành của ĐH Vinh ĐH Huế và ĐH Tây Nguyên...

Trước thực trạng trên, trong một buổi tư vấn tuyển sinh trực tuyến mới đây, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT – cho rằng là người trong ngành, bà khá lo lắng về điều này. Tuy nhiên, thí sinh có quyền tự do của công dân, họ có quyền tự do lựa chọn. Không phải là để mức điểm cao thì người có điểm cao sẽ lựa chọn vào học, mà phải có chính sách để thu hút. Nếu không có chính sách thu hút, ngành sư phạm không hấp dẫn.

Theo bà Phụng: Chúng ta đã từng có chính sách miễn học phí để thu hút học sinh giỏi. Nhưng hiện nay, học phí không còn là khó khăn của đa số học sinh nữa. Chính sách miễn học phí không phát huy được tác dụng trong thời gian này. Bên cạnh đó, ngành sư phạm có chính sách ưu đãi nghề, ưu đãi thâm niên…, nhưng có lẽ không đủ mạnh để cạnh tranh với các ngành khác.

Ngoài ra, thực tế, trong ngành sư phạm, những nơi lấy điểm chuẩn thấp là các trường địa phương, cao đẳng. Còn các trường đại học lớn vẫn có điểm chuẩn rất cao như ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TPHCM. Điều này thuộc về yếu tố ngành và vùng miền buộc chúng ta phải chấp nhận và là bài toán cần nhiều người chung tay để giải quyết cùng ngành giáo dục.

Theo Huyên Nguyễn (Lao Động)