Xã hội

Bộ Công Thương: Không còn cuộc gọi nào tới đường dây nóng hỏi về vụ cá chết

Người phát ngôn Bộ Công Thương cho biết, trong thời điểm cao điểm sau khi xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt ở miền Trung, cơ quan này đã nhận được hàng trăm cuộc điện thoại hỏi về nội dung này.

 
Người phát ngôn Bộ Công Thương cho biết, trong thời điểm cao điểm sau khi xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt ở miền Trung, cơ quan này đã nhận được hàng trăm cuộc điện thoại hỏi về nội dung này.
 
 

Theo Thứ trưởng, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin và hỗ trợ ngư dân trong việc thu mua, tiêu thụ hải sản bảo đảm an toàn từ ngày 30/4 vừa qua.

"Ngay sau khi được sự hỗ trợ của các phương tiện thông tin đại chúng thì lập tức đường dây nóng đã nhận được hàng trăm cuộc điện thoại của các tổ chức, cá nhân, ngư dân từ các tàu đánh bắt xa bờ cho đến các tổ chức thu mua và các hộ kinh doanh trên địa bàn, Thứ trưởng nói.

Theo Thứ trưởng, số lượng câu hỏi tập trung cao điểm trong ngày 30/4 đến ngày 7/5 (chiếm đến 3/4 số câu hỏi), sau đó giảm dần và đến nay hầu như không còn. Nội dung chủ yếu vào vấn đề giải quyết khâu tiêu thụ hải sản cho ngư dân, cho các hợp tác xã và doanh nghiệp thu mua hải sản như: Điểm thu mua sẽ tổ chức ở đâu? Ai mua? Ai là người xác nhận điểm an toàn?

Đồng thời đề nghị có những chính sách và biện pháp hỗ trợ kịp thời cho nhóm đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp, tránh tình trạng gian lận trong khâu kiểm soát tiêu thụ cá an toàn và cá không an toàn, tránh tình trạng bị ép giá.

"Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã hướng dẫn và trả lời trực tiếp các câu hỏi của người dân và chỉ đạo ngay tới Sở Công Thương các địa phương liên quan để làm rõ, xử lý, đồng thời tiếp thu và đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan có giải pháp phù hợp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, các đầu mối thu mua và hệ thống phân phối, tiêu thụ tại các địa phương", đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Đầu tháng 4 vừa qua đã xảy ra việc cá chết bất thường tại ven biển 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế). Cho đến nay, đã hơn 2 tháng, cơ quan quản lý vẫn chưa có công bố chính thức về nguyên nhân xảy ra tình trạng này.

Tại họp báo thường kỳ tháng 5 mới đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin, các nhà khoa học đã xác định được nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết nhưng việc công bố cụ thể chưa thực hiện.

Cụ thể, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, ngay sau khi phát hiện hiện tượng cá chết bất thường như vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như các Phó Thủ tướng cũng đã chỉ đạo kịp thời. Có hơn 30 bộ ngành cơ quan Trung ương, địa phương vào cuộc để thu thập chứng cứ, xác minh, tìm ra nguyên nhân vụ việc cá chết. Các cơ quan cũng mời hàng trăm nhà khoa học trong nước, quốc tế cùng tham gia để thu thập dữ liệu chứng cứ xác minh nguyên nhân hiện tượng này.

Nguyên tắc được xác định là phải dựa vào những bằng chứng khoa học, khách quan, chặt chẽ, đảm bảo tính pháp lý. Trong quá trình điều tra, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là nếu phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm, dẫn đến hệ quả này thì phải xử lý nghiêm theo quy định, không loại trừ bất cứ đối tượng nào.

“Đến nay các nhà khoa học đã xác định được nguyên nhân cá chết. Thủ tướng đã giao các cơ quan chức năng mời tư vấn trong và ngoài nước phản biện độc lập về vấn đề này. Trước khi kết luận chính thức, quy trình cần thiết là mời các nhà khoa học trong và ngoài nước thực hiện việc này vì Chính phủ xác định đây là vấn đề rất quan trọng, khi công bố, kết luận phải đảm bảo chứng cứ, tính pháp lý, tính khách quan” – người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh.

Theo Phương Dung (Dân Trí)