Xã hội

Bít kẽ hở trong đấu thầu thuốc

Vụ Công ty CP VN Pharma thắng liên tục tại các phiên đấu thầu thuốc năm 2014 sau đó nổ ra tiêu cực khiến ngành y tế giật mình. Quy trình đấu thầu vẫn còn hở, cần phải bịt kín.

Vụ Công ty CP VN Pharma thắng liên tục tại các phiên đấu thầu thuốc năm 2014 sau đó nổ ra tiêu cực khiến ngành y tế giật mình. Quy trình đấu thầu vẫn còn hở, cần phải bịt kín.

Lỗ hổng phân nhóm kỹ thuật

Từ tháng 9/2017, các bệnh viện trên địa bàn TP bắt đầu triển khai đấu thầu thuốc. Khâu đấu thầu thuốc diễn ra cùng thời điểm "biến cố" thuốc giả, thuốc kém chất lượng dồn dập, buộc ngành y tế TP có những thay đổi cho phù hợp tình hình.

Bit ke ho trong dau thau thuoc hinh anh 1

Năm 2017, ngành y tế TP.HCM tăng cường giám sát đấu thầu thuốc tại các bệnh viện trên địa bàn.

GS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết phương thức đấu thầu thuốc năm nay cũng sẽ thực hiện như từ năm 2016 cho đến khi có quyết định thay đổi của Bộ Y tế. Nghĩa là vừa đấu thầu tập trung vừa đấu thầu riêng lẻ, Sở Y tế sẽ tăng cường công tác giám sát các bệnh viện trên địa bàn TP thực hiện.

Theo Sở Y tế TP, hiện nay bất cập lớn nhất trong đấu thầu thuốc là phân nhóm kỹ thuật mà chưa thể hiện sự tương đồng giữa các loại thuốc. Do vậy, trong cùng một nhóm thuốc tham gia đấu thầu nhưng có độ chênh lệch với nhau về chất lượng, giá cả. Thuốc có giá nền thấp nhưng cơ hội trúng thầu cao; thuốc chất lượng vượt trội, giá tham gia thầu nhích cao thì bị loại khỏi cuộc chơi.

Ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng Phòng Quản lý dược - Sở Y tế, cho rằng tồn tại bất cập trên là do phải thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, cụ thể là Thông tư 11/2016-BYT.

Theo quy định này, thuốc do Việt Nam sản xuất khi tham gia đấu thầu phải theo tiêu chuẩn nhà máy GMP-WHO (Thực hành tốt sản xuất thuốc) và được đặt trong cùng một nhóm.

Hầu hết thuốc Việt Nam sản xuất tham gia đấu thầu dù có cùng tiêu chí GMP-WHO này nhưng giá hoàn toàn khác nhau. Dù không đồng nhất về chất lượng nhưng những loại thuốc giá cao sẽ không có cơ hội trúng thầu. Chẳng hạn, chỉ riêng loại thuốc Paracetamol hiện hầu hết nhiều nhà máy tại Việt Nam sản xuất được nhưng loại thuốc bỏ thầu 100 đồng/viên thì trúng, loại có giá 500 đồng/viên thì bị rớt lại dù có thể chất lượng cao hơn.

"Chênh lệch trong đấu nhau kiểu "vòng bảng" phân nhóm kỹ thuật thế này là lỗ hổng lớn. Kẽ hở này đã không ít lần chúng tôi kiến nghị phân chia lại nhóm kỹ thuật, phân hạng sản phẩm thuốc dự thầu nhưng đến nay chưa thấy thay đổi cải tiến" - ông Dũng nhìn nhận.

Ngăn thuốc "có vấn đề" xâm nhập bệnh viện

Nhắc lại vụ việc thuốc điều trị ung thư nhập khẩu H-Capita 500 mg Caplet của VN Pharma, lãnh đạo Sở Y tế nhìn nhận đây là một sự cố ngoài mong muốn. Theo ông Dũng, năm 2013-2014 là lần đầu tiên VN Pharma tham gia đấu thầu cung cấp thuốc tại TP.HCM và trúng thầu khoảng 146 mặt hàng, trị giá hơn 460 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi có thông tin yêu cầu từ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), ngay lô hàng thuốc H-Capital 500 mg Caplet nhập khẩu đầu tiên của VN Pharma, cơ quan chức năng đã niêm phong, thu giữ nên không có viên thuốc nào "lọt lưới" vào các bệnh viện trên địa bàn TP.

Kể cả 7 loại thuốc kháng sinh dạng tiêm của công ty này (gồm: H2K-Cirprofloxalin 200, H2K-Cirprofloxalin 400, H2K Levofloxalin 250, H2K Levofloxalin 500, H2K Levofloxalin 75, H-Cipox 200, H-Levo 500) bị rút số đăng ký cũng không lưu thông tại TP HCM, không tham dự đấu thầu tại TP. Ông Dũng cho biết do mức giá mà VN Pharma đưa ra khá thấp nên đã trúng thầu nhiều mặt hàng tại đợt đấu thầu tập trung năm 2013-2014.

Hơn 1.000 công ty sản xuất, kinh doanh thuốc

Trên địa bàn TP.HCM có 1.145 công ty sản xuất, kinh doanh thuốc và khoảng 6.500 nhà thuốc. Do địa bàn lớn cùng với quá nhiều đơn vị sản xuất, phân phối nên việc kiểm tra, phát hiện, kiểm nghiệm thuốc giả, thuốc kém chất lượng khá phức tạp không chỉ riêng ngành y tế mà cần có sự kết hợp liên ngành y tế, công an và lực lượng quản lý thị trường trong hoạt động này.

Theo ông Dũng, sau đấu thầu năm 2014, Thanh tra Bộ Y tế cũng đã thanh tra công tác quản lý giá thuốc đấu thầu tại TP và ngành y tế đã thực hiện đúng kết quả đấu thầu.

Trong 1.211 loại thuốc trúng thầu năm 2014 vào các bệnh viện, Viện Kiểm nghiệm Thuốc và Mỹ phẩm TP.HCM lấy ngẫu nhiên 92 mẫu thuốc tại các bệnh viện để kiểm nghiệm, kết quả 100% đạt chất lượng.

Sau 2 năm (2014 và 2015) thực hiện đấu thầu tập trung, năm 2016, Sở Y tế TP cho phép các bệnh viện tự tổ chức đấu thầu riêng lẻ. Các bệnh viện tự xây dựng danh mục thuốc, kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc theo các quy định của pháp luật, số lượng phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính...

Không còn bỏ tất cả trứng chung một rổ

Theo Sở Y tế, ở mùa đấu thầu trước đây (năm 2013), Trung tâm Mua sắm hàng hóa và tài sản công của ngành y tế TP được thành lập với nhiệm vụ làm đầu mối để thực hiện đấu thầu tập trung cho các bệnh viện.

Tuy nhiên, kể từ nay, do thực hiện theo mô hình tinh gọn lại bộ máy địa phương giữa Bộ Nội vụ và Bộ Y tế nên trung tâm này không còn phù hợp, "sứ mệnh" tạm dừng lại và sắp tới sẽ giải thể.

Về công tác đấu thầu thuốc năm 2017, theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, vẫn áp dụng thực hiện theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.HCM. Ngoại trừ hơn 100 mặt hàng buộc phải đấu thầu tập trung (trong đó 106 mặt hàng của Sở Y tế thuộc trong danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, 5 mặt hàng của Bộ Y tế), còn lại 1.285 loại thuốc các bệnh viện tự đấu thầu riêng lẻ để phát huy tính tự chủ.

Sắp tới, sẽ còn có thêm 9 mặt hàng thuốc nữa sẽ đấu thầu tập trung là của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Cục Phòng chống HIV/AIDS. Dù vậy, còn phải chờ thông tư hướng dẫn.

Cũng theo ông Đỗ Văn Dũng, mùa thầu năm 2017 đến tháng 3-2018 mới có kết quả. Chỉ có một sự thay đổi trong đấu thầu năm 2017 đối với 106 mặt hàng thuốc buộc đấu thầu tập trung là Sở Y tế sẽ chỉ định một bệnh viện đa khoa lớn của TP đấu thầu, sau đó sẽ áp dụng giá trúng thầu này làm chung cho các bệnh viện công lập khác trên địa bàn TP.

Sở Y tế làm nhiệm vụ tăng cường giám sát thực hiện của các bệnh viện đến khi nào Bộ Y tế có phương thức đấu thầu thuốc mới nhất thì sẽ thay đổi cho phù hợp.

"Để tiến tới sự công bằng trong đấu thầu thuốc, cần phân nhóm chi tiết hơn nữa, đánh giá chất lượng kỹ thuật kỹ hơn nữa chứ cả ngàn mặt hàng cho vô chung một rổ là chưa ổn" - ông Dũng nhấn mạnh. 

Đặt đạo đức lên hàng đầu

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan - Đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - nhấn mạnh: Bên cạnh ưu điểm là tập trung thống nhất một mối, một giá thì còn dễ cho bảo hiểm thanh toán và dễ kiểm soát tiêu cực, tiết kiệm chi phí.

Khi áp dụng tại TP.HCM, với đặc điểm có rất nhiều bệnh viện, gói thầu cực lớn, đấu thầu tập trung bộc lộ những khuyết điểm: Số mặt hàng trúng thầu ít nên hạn chế quyền lựa chọn thuốc của bác sĩ khi chỉ có một thuốc chung cho cả TP cho một bệnh; các nguy cơ đứt hàng, thiếu thuốc cũng trầm trọng hơn, thời gian chờ đợi lâu hơn do vướng thủ tục mua bán; gói thầu lớn nên hạn chế khả năng tham gia của các công ty nhỏ và vừa; tâm lý người mua không phải người dùng khiến làm cho có lệ, chưa chắc chọn được thuốc phù hợp; tiêu cực vẫn có thể xảy ra với quy mô và tác hại lớn hơn…

Cũng theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, thực tế cho thấy hình thức nào thì tiêu cực cũng len lỏi vào được. Vấn đề là đạo đức. Đấu thầu tập trung dễ kiểm soát tiêu cực hơn vì có ít đầu mối nhưng nếu tiêu cực vẫn xảy ra thì quy mô và tác hại lớn hơn nhiều. Người bị mua chuộc ở đấu thầu tập trung lại không sử dụng thuốc cho bệnh nhân, không bị ràng buộc nên có thể sẽ táo tợn hơn.

Theo Nguyễn Thạnh (Nld.com.vn)