Xã hội

'Biệt phủ' trái phép trên đất vàng đặc khu Vân Đồn

Hàng chục công trình kiên cố được một đại gia có “máu mặt” xây dựng rải rác trên diện tích gần 24ha đất rừng thuộc thôn 6, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) hàng chục năm nay dưới vỏ bọc dự án trồng rừng.

Biệt phủ đón lõng đặc khu

Cách đây 20 năm, ý tưởng thành lập một đặc khu kinh tế ở Vân Đồn đã được chính quyền cùng nhân dân Quảng Ninh vô cùng kỳ vọng. Sau những nỗ lực không mệt mỏi, cánh cửa đặc khu đang dần mở ra, hứa hẹn trở thành một bước đột phá vượt bậc về kinh tế của Quảng Ninh nói riêng và miền Bắc nói chung.

Đầu năm 2017, dư luận cả nước xôn xao về việc báo chí phát giác hàng loạt resort trái phép được các đại gia đất mỏ xây dựng để phục vụ nhu cầu ăn chơi trên các đảo giữa vịnh Bái Tử Long. Dưới “lá bùa” nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng rừng, hàng loạt công trình đồ sộ đã được các đại gia âm thầm xây dựng.

Mới đây, tại Vân Đồn lại rộ lên thông tin một hệ thống “biệt phủ” được xây dựng trên đất rừng ngay giữa trung tâm huyện. PV đã thâm nhập “thâm cung” của những “biệt phủ” này và không khỏi choáng váng trước “độ chơi” của chủ nhân.

Nằm cách trung tâm huyện chừng 1km về phía chùa Cái Bầu, một khu vực rộng gần 24ha được quây kín hàng rào bằng gạch cao gần 3 mét. Bên trong như một thiên đường lộng lẫy có sự kết hợp giữa thiên nhiên và kiến trúc hiện đại. Khu vực này thuộc về Cty TNHH Vân Đồn Farm, công ty thực hiện dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái.

'Biệt phủ' trái phép trên đất vàng đặc khu Vân Đồn
Hàng chục công trình trái phép được xây dựng trên đất trồng rừng.

Nhờ một người quen là dân bản địa, chúng tôi đóng giả làm khách du lịch vãng lai đến tham quan và đặt cơm trưa. “Không quen biết thì rất khó để có thể vào khu vực này. Họ thường xuyên đóng cửa, ngay cổng ra vào lúc nào cũng có người bảo vệ nghiêm ngặt. Thỉnh thoảng có vài đoàn khách từ tỉnh xuống thì họ mới tiếp đón hoặc khách du lịch từ mối quen mới được vào” - anh T., người bản địa đi cùng, nói.

Sau khi chọn món, tôi đánh liều dạo quanh một vòng. Quy mô của “biệt phủ” đã làm tôi thực sự choáng ngợp. Ngay từ cổng vào là một ngôi nhà kiên cố rộng chừng 50m2 dành cho bảo vệ; dưới tán những cây thông cổ thụ là một đàn ngựa đá được sắp đặt tinh tế chạy dọc theo con đường. Hai bên đường vào còn có hàng trăm chậu hoa hồng xếp thành bãi rộng; xen kẽ giữa hàng cau vua cao ngất là những chậu cây cảnh cổ thụ, dáng đẹp, trong đó có không ít cây bonsai có dáng “siêu độc”.

Công trình nổi bật dưới những tán cây là một khu nhà sàn 2 tầng mái ngói. Đây là nhà hàng vườn của khu “biệt phủ”. Bên trong có rất đông người đang tụ tập để tham gia lễ ra mắt của một đơn vị. Cách đó chừng 30m là một ngôi nhà có kiến trúc cổ được dựng bằng gỗ nằm im lìm dưới tán cây.

Đi sâu vào bên trong, chúng tôi càng bất ngờ hơn khi khu vực này được xây dựng trên núi nhưng chủ nhân “biệt phủ” này vẫn cho đào 3 cái hồ ở lưng chừng núi. Trên hồ là những cây cầu bê tông có mái che được bắc ngang để tạo cảnh quan. Hồ này được đặt tên là Ao cá Bác Hồ.

Không chỉ tạo cảnh, ông chủ này còn cho xây dựng những lầu vọng cảnh ngay giữa rừng, bên trong có bàn đá và ghế xếp tiện cho việc ngắm cảnh. Càng vào sâu càng lên cao hơn, các công trình đều được xây dựng men theo sườn núi. Giữa lưng chừng núi có một ngôi chùa đang được xây dựng, trước cửa có đặt một bức tượng Quan thế âm Bồ tát bằng đá trắng cao chừng 3 mét.

Đứng tại vườn, phóng tầm mắt ra xa là khung cảnh hùng vĩ của núi đá vịnh Bái Tử Long, bên dưới là hàng chục công trình được xây dựng rải rác khắp khu rừng. “Với quy mô của hệ thống công trình này, ít nhất cũng phải đổ vào đây vài trăm tỷ. Nhưng không hiểu sao họ xây trên đất rừng cả chục năm nay không thấy ai hỏi han hay xử phạt cả” - anh T thắc mắc.

“Như thế này là họ đang hợp thức hóa cả khu đất để làm dự án, chuyển từ đất rừng sang đất xây dựng để đón lõng đặc khu. Giá đất Vân Đồn ngày càng sốt, với vị trí này, mỗi mét cũng có giá vài chục triệu” - anh T nói.

“Lá bùa” dự án trồng rừng

Từ tháng 11/2017, PV đã điều tra về những khuất tất tại dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái của Cty TNHH Vân Đồn Farm tại Vân Đồn. PV đã tìm đến các cơ quan chức năng của huyện để xác minh sự việc. Từ quyết định thành lập, tờ trình đến quyết định phê duyệt của tỉnh, của BQL dự án khu kinh tế đều trùng khớp, thậm chí dự án có cả quy hoạch chi tiết 1/500. Khi được hỏi trước khi dự án được phê duyệt, những công trình này đã được xây dựng trái phép nhưng sao phía chính quyền không xử phạt, đại diện UBND xã Hạ Long nói rằng, cũng có xử phạt nhưng quá lâu rồi nên hồ sơ lưu trong kho rất khó tìm lại.

Vừa qua, PV tìm hiểu và được biết, từ năm 2003, ông Bùi Hạ Long (hiện là Phó tổng giám đốc Cty Xuất nhập khẩu Quảng Ninh) mua lại đất của một số hộ dân tại khu vực thôn 6, xã Hạ Long, Vân Đồn, với tổng diện tích lên đến 238.280m2. Sau đó, ông Long bắt đầu khoanh vùng, cải tạo và dần xây dựng những công trình kiên cố để lập trang trại. Hiện trạng đất lúc ông Long thu mua bao gồm một ít đất ở, còn lại là đất trồng rừng.

Theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng sản xuất là rừng trồng chỉ được bàn giao, cho thuê đối với các đối tượng cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống trên địa bàn cấp xã nơi có rừng để trực tiếp sản xuất lâm nghiệp và nghiêm cấm các hành vi mua bán, trao tay... Trong khi đó, ông Long có hộ khẩu thường trú tại phường Hồng Hải, TP Hạ Long.  Như vậy, hành vi mua đất của ông Long đối với các hộ dân là hoàn toàn trái pháp luật, các chuyên gia nhận định.

Không chỉ sai phạm về việc mua bán, chuyển nhượng đất, ông Long còn vi phạm nghiêm trọng khi tự ý xây dựng các công trình kiên cố trên đất rừng mà chưa được sự đồng ý, phê duyệt của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Tại sao ông Long tự ý thay đổi hiện trạng đất trong gần 10 năm trở lại đây nhưng không bị các cơ quan chức năng xử lý, thậm chí phía chính quyền còn có dấu hiệu “hợp thức hóa” những sai phạm của ông Long, thành lập dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái, nhiều người đặt câu hỏi.

Trong khi đó, nhiều người dân xã Hạ long nói rằng, từ khi ông Long mua lại đất ở khu vực này chỉ thấy xây dựng thêm nhà cửa, đào ao thả cá, không hề thấy tổ chức trồng rừng. Rừng đang phát triển là rừng đã được trồng trước kia.

Ngày 18/4, PV có buổi làm việc với ông Châu Thành Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, để làm rõ sự việc. “Việc Cty TNHH Vân Đồn Farm sử dụng hơn 23ha đất trên địa bàn để làm dự án đã được các cơ quan chức năng tỉnh xem xét để cấp phép. Trước đó, công ty này cũng đã có tờ trình gửi UBND tỉnh để xin thuê đất để thực hiện dự án, chúng tôi chỉ quản lý đất trong quy hoạch, còn việc cấp phép này không thuộc thẩm quyền” – ông Hưng nói.

Theo Hoàng Dương (Tiền Phong)