Xã hội

Biển Đông xuất hiện vùng áp thấp, Nam Bộ mưa lớn

Chiều nay, khu vực phía đông bắc quần đảo Trường Sa hình thành một vùng áp thấp và dự báo còn mạnh lên.

Chiều nay, khu vực phía đông bắc quần đảo Trường Sa hình thành một vùng áp thấp và dự báo còn mạnh lên.

13h ngày 18/10, trung tâm vùng áp thấp cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 320 km. Ngày và đêm nay, vùng áp thấp theo hướng đông đông bắc, tốc độ 5-10 km/h và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

bien-dong-xuat-hien-vung-ap-thap-nam-bo-mua-lon

Ảnh vị trí và đường đi của áp thấp lúc 13h ngày 18/10. Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, chiều 19/10 tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Palawan (Philippines) khoảng 150 km, sức gió mạnh nhất khoảng 60 km/h, cấp 7.

Khu vực giữa biển Đông (gồm vùng biển đông bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5, sau tăng lên cấp 6-7, biển động mạnh. Nam biển Đông (gồm cả quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có mưa rào và giông mạnh, gió tây nam cấp 5-6.

Do ảnh hưởng kết hợp của vùng áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, từ hôm nay đến hết ngày 19/10 các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ, phía nam Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa to. Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam lượng mưa 50-100 mm cả đợt. Các tỉnh phía nam Tây Nguyên (Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng) và Nam Bộ mưa 50-150 mm cả đợt.

Trước đó từ ngày 9 đến 12/10, áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây ra đợt mưa lớn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Thống kê chưa đầy đủ, đợt mưa lũ làm 77 người chết, 26 người mất tích, nhiều khu vực vẫn đang bị ngập (Chương Mỹ, Hà Nội; Gia Viễn, Ninh Bình...).

Theo cơ quan khí tượng, từ nay đến cuối năm, còn khoảng 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó 2 cơn bão và áp thấp có thể ảnh hưởng đến Trung Bộ và Nam Bộ.

Nhìn lại 7 ngày mưa bão càn quét các tình miền Bắc

Theo Xuân Hoa (VnExpress.net)