Xã hội

Bí thư Thanh Hóa: "Không có chuyện thu bờ biển để giao cho doanh nghiệp"

"Biển, bờ biển là của đất nước chúng ta, của nhân dân Sầm Sơn, nhưng nhà nước quản lý, không có chuyện tỉnh thu bờ biển để giao cho doanh nghiệp", ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa tuyên bố trong cuộc đối thoại với ngư dân hôm nay.

"Biển, bờ biển là của đất nước chúng ta, của nhân dân Sầm Sơn, nhưng nhà nước quản lý, không có chuyện tỉnh thu bờ biển để giao cho doanh nghiệp", ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa tuyên bố trong cuộc đối thoại với ngư dân hôm nay.
Ông Trịnh Văn Chiến - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hóa đang đối thoại với ngư dân.

11:06

Hầu hết những người tham dự cuộc đối thoại đồng tình với cách giải quyết, trả lời của bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Cuộc đối thoại kết thúc lúc 10h45.
 
 
11:05
 
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cho biết: "Để xảy ra việc người dân tập trung trong những ngày qua ở một số cơ quan trên địa bàn tỉnh, tôi nhận thấy mình có trách nhiệm lớn. Tôi nghe nói rất nhiều thông tin hoàn toàn sai sự thật, đi ngược chủ trương của Nhà nước nói chung và của tỉnh Thanh Hóa nói riêng nhằm kích động người dân. Đây là việc làm vi phạm pháp luật. Tôi xin khẳng định, biển, bờ biển là của đất nước chúng ta, của nhân dân Sầm Sơn, nhưng nhà nước quản lý bằng các quy định hiện hành, không có chuyện tỉnh thu bờ biển để giao cho doanh nghiệp.
 
Trong những năm qua, Nhà nước và các nhà đầu tư đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để phát triển Sầm Sơn, du lịch Sầm Sơn. Trong quá trình triển khai dự án nhằm đưa bãi biển Sầm Sơn trở thành một trong những bãi biển đẹp nhất trong cả nước, có một số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chính sách hỗ trợ cho ngư dân, nhưng đa số người dân chưa đồng tình với chính sách, tỉnh thấy rằng: chủ trương của tỉnh là đúng. Đây là chủ trương đã có từ lâu nhưng chính sách thì mới ban hành ngày 1/3/2016 cho nên người dân chưa thấy được lợi ích từ chính sách này. Đồng thời với việc này, tỉnh cũng đã rà soát lại tất cả các văn bản chỉ đạo di dời bến thuyền của Sầm Sơn triển khai dự án. Các văn bản thể hiện rõ quan điểm việc xây dựng bến neo đậu mới, đảm bảo đời sống của ngư dân…

Tôi xin đưa ra giải pháp giải quyết các kiến nghị của người dân, cụ thể: Nếu ngư dân đồng ý với chính sách hỗ trợ của tỉnh theo quyết định 705 ngày 1/3/2016 thì nhận tiền hỗ trợ, thực hiện các cam kết. Nếu ngư dân chưa thống nhất với chủ trương thì cứ hoạt động, ra biển, làm nghề bình thường như lâu nay. Tỉnh chưa có quyết định di dời bến neo đậu thuyền tại thị xã Sầm Sơn, do đó người dân cứ khai thác, hoạt động bình thường. Đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đảm bảo cuộc sống bình thường của người dân địa phương; hỗ trợ ngư dân sớm ổn định cuộc sống, sản xuất hiệu quả; xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có vi phạm kích động người dân có những hành vi vi phạm pháp luật".

10:44
 

Vào 10h, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến trả lời các ý kiến của ngư dân

 
10:41
 
Ông Ngô Huy Tý (xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn) băn khoăn: "Chúng tôi đã sống nhiều thế hệ ở nơi này với nghề cá. Tôi giờ đã nhiều tuổi những vẫn làm nghề cá để mưu sinh. Việc chuyển đổi nghề với người già như chúng tôi thì như thế nào? Trong khi giữ nghề này chúng tôi vẫn sống tốt, đảm bảo đời sống".
 
Trong khi đó, ông Lê Vũ Lương (phường Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn) nếu ý kiến: "Trong trường hợp tỉnh không giải quyết nguyện vọng giữ lại một phần chiều dài bãi biển để ngư dân giữ nghề, thì đề nghị ngành chức năng có giải pháp cụ thể hơn để tháo gỡ những khó khăn, kiến nghị của người dân".
 
10:38
 
Cũng tại buổi đối thoại, ông Cao Sỹ Hải (phường Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn) đề nghị xem xét không truy tố những người quá khích, tham gia tụ tập trước cơ quan công quyền của xứ Thanh.

"Do bức xúc với việc di chuyển làng nghề, ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân, nên những ngày qua việc tập trung đông người gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và một số vấn đề khác. Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án hình sự. Tôi tha thiết đề nghị ngành chức năng, đặc biệt ngành công an xem xét không truy tố những người liên quan đến vụ việc tập trung đông người trước cổng UBND tỉnh Thanh Hóa và một số điểm khác", ông Sỹ Hải bày tỏ.

10:07
 
Toàn cảnh buổi đối thoại
 
 
10:06

"Việc triển khai dự án, buộc người làm nghề cá phải di chuyển đến một địa điểm khác. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Tôi đề nghị ngành chức năng quy hoạch lại làng nghề tại đây, dành một diện tích nhất định cho ngư dân làm nghề", ông Vũ Đình Chiến (thị xã Sầm Sơn).
 
10:02
 

Tham dự buổi đối thoại, phía lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa có ông Trịnh Văn Chiến - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh và Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh; các Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, lãnh đạo các ngành có liên quan và Ban Thường vụ thị ủy Sầm Sơn.

 
10:01
 
"Chúng tôi rất đồng ý với việc cải tạo môi trường du lịch thị xã Sầm Sơn. Nhưng trước đó, người dân chưa được hỏi ý kiến về việc triển khai dự án này. Người dân sống bằng nghề cá mà không được làm nghề nữa thì chúng tôi sẽ ra sao?", ông Nguyễn Đức Tỵ (phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn).
 
10:00
 

Nhiều ngư dân đề nghị UBND tỉnh giữ lại 500 đến 1.000 mét chiều dài bãi biển để giữ nghề cá truyền thống.

 
09:58
 
Tại buổi đối thoại, nhiều ngư dân đề nghị giữ lại 500 đến 1.000 mét chiều dài bãi biển để giữ nghề cá truyền thống.
 
"Đề nghị UBND tỉnh xem xét lại dự án, trong tổng số hơn 3,5 km chiều dài biển thì để lại cho người dân khoảng 1 km chiều dài biển để ngư dân làm nghề cá", bà Nguyễn Thị Toàn (phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn) nêu ý kiến.
 
Tương tự ông Vũ Như Kính (xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn) bày tỏ: "Chúng tôi không có ý kiến về việc nhà nước đầu tư, phát triển du lịch Sầm Sơn. Tuy nhiên, nguyện vọng tha thiết của chúng tôi là được giữ lại làng nghề cá tại đây".
 
09:40

Người dân tham gia cuộc đối thoại là ngư dân neo đậu tàu thuyền trên bãi biển Sầm Sơn thuộc xã Quảng Cư và các phường: Trung Sơn, Trường Sơn, Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn, bị ảnh hưởng bởi dự án quy hoạch "Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương", thị xã Sầm Sơn.

09:21
 
Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khái quát một số dự án đầu tư phát triển kinh tế, du lịch tại Sầm Sơn; đặc biệt chủ trương, chính sách việc triển khai dự án “Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương”.
 
Thời gian qua, để phát triển toàn diện thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai các dự án: Đại lộ Nam Sông Mã; Đường giao thông từ ngã ba Voi (TP Thanh Hóa) đi Sầm Sơn; Nâng cấp đường Hồ Xuân Hương (thị xã Sầm Sơn và một số dự án khác, với tổng mức đầu tư khoảng 3.300 tỷ đồng.
 
Ngoài các dự án từ ngân sách Nhà nước đầu tư, UBND tỉnh Thanh Hóa còn kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án phát triển Sầm Sơn, du lịch Sầm Sơn như: Tập đoàn FLC, HUD4… Trong đó, có dự án “Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương”.
 
Dự án này có 13 hạng mục công trình như: Công trình phục vụ cầu du khách tắm biển; khu giải trí, khu thể dục thể thao, khu điêu khắc, khu vườn hoa, khu quảng trường tâm linh… Dự án này có tổng mức đầu tư 316 tỷ đồng. UBND tỉnh có chủ trương xã hội hóa đầu tư và đã chọn được nhà đầu tư. Dự kiến dự án này sẽ hoàn thành trước 30/3/2016.
 
Sau khi hoàn thành, nhà đầu tư quản lý trong phạm vi các ki ốt phục vụ tắm biển; UBND thị xã Sầm Sơn quản lý các công trình công cộng; người dân Sầm Sơn tiếp tục đăng ký kinh doanh phục vụ hoạt động cho du lịch Sầm Sơn.
 
Số ngư dân bị ảnh hưởng bởi dự án này là 705 hộ dân; chủ yếu là các hộ dân có các bè mảng có công suất 8 CV, 9CV, 20CV. Ngày 1/3/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chính sách hỗ trợ các ngư dân với nhiều ưu đãi.
 
09:20
 

Một hộ dân nêu ý kiến trong buổi đối thoại.

 
09:18

Lúc 8h30, ông Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa phát biểu khai mạc buổi đối thoại. Ông Hưng nhắc các hộ dân đối thoại trong tinh thần đảm bảo trật tự, cầu thị, tiến tới nhận thức chung về phát triển kinh tế xã hội Sầm Sơn nói chung, phát triển du lịch nói riêng.
 
09:17
 
Đúng 8h, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đã có mặt tại hội trưởng buổi đối thoại. Trước khi vào lên vị trí đối thoại, ông Chiến thăm hỏi, trò chuyện với các ngư dân phía dưới hội trường.

Trước đó, theo ghi nhận của phóng viên, lúc 7h ngay 7/3, tại khu vực trước UBND tỉnh Thanh Hóa lực lượng an ninh vẫn được bố trí làm nhiệm vụ, nhưng không còn thấy người dân tập trung tại vị trí này.
 
Liên quan đến vụ việc hàng trăm người dân thị xã Sầm Sơn tập trung trước cổng UBND tỉnh Thanh Hóa và một số cơ quan hành chính để yêu cầu người có trách nhiệm giải quyết kiến nghị về việc triển khai dự án ven biển Sầm Sơn, sáng nay (7/3) tại Trung tâm bồi dưỡng cán bộ thanh thiếu nhi tỉnh Thanh Hóa (địa chỉ: số 8, đường Bà Triệu, phường Bắc Sơn, thj xã Sầm Sơn), tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với bà con ngư dân neo đậu tàu thuyền trên bãi biển Sầm Sơn thuộc các xã, phường: Quảng Cư, Trung Sơn, Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn”.

Tham dự buổi đối thoại, phía lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa có ông Trịnh Văn Chiến - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh và Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh; các Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, lãnh đạo các ngành có liên quan và Ban Thường vụ thị ủy Sầm Sơn.

Người dân tham gia cuộc đối thoại là ngư dân neo đậu tàu thuyền trên bãi biển Sầm Sơn thuộc xã Quảng Cư và các phường: Trung Sơn, Trường Sơn, Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn, bị ảnh hưởng bởi dự án quy hoạch "Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương", thị xã Sầm Sơn.

Đúng 8h, bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đã có mặt tại hội trưởng buổi đối thoại. Trước khi vào lên vị trí đối thoại, ông Chiến thăm hỏi, trò chuyện với các ngư dân phía dưới hội trường.

Theo ghi nhận của phóng viên, lúc 7h hôm nay (7/3), tại khu vực trước UBND tỉnh Thanh Hóa, lực lượng an ninh được bố trí làm nhiệm vụ nhưng không còn thấy người dân tập trung tại vị trí này.


>> 11 ngày ngư dân Sầm Sơn vây trụ sở UBND tỉnh
>> Vì sao ngư dân Sầm Sơn tập trung đòi bãi biển?
>> Đại gia đầu tư 5.500 tỷ cho FLC Sầm Sơn giàu cỡ nào?
>> Nghi vấn súng nổ, người dân vây trụ sở thị xã Sầm Sơn

Theo Hoàng Lam (Tiền Phong)