Xã hội

Bé 9 tháng tuổi chết bất thường ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk

Thấy cháu A. có biểu hiện sốt, ho nhẹ, gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk khám. Sau khi bác sĩ tiêm một xi lanh thuốc, cơ thể cháu A. chuyển đỏ và cứng lại, mắt đơ, môi tím đen...

Thấy cháu A. có biểu hiện sốt, ho nhẹ, gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk khám. Sau khi bác sĩ tiêm một xi lanh thuốc, cơ thể cháu A. chuyển đỏ và cứng lại, mắt đơ, môi tím đen...
Cái chết bất thường
 
Vào chiều 29/4, chị Bùi Thị Thúy L. (SN 1991, ngụ thôn 8, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, chị và người thân vừa gửi đơn đến các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk đề nghị làm rõ cái chết bất thường của con gái là cháu Trần Hoàng Kim A. (9 tháng tuổi) khi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.
 
Chia sẻ với PV, chị L. đau đớn cho biết, vào ngày 20/3, cháu A. có biểu hiện bệnh khi ăn uống không được, người lờ đờ. Thấy vậy, chị L. đi mua thuốc cho cháu A. uống. Tuy nhiên, đến chiều 22/2, thấy cháu A. có biểu hiện sốt, ho, gia đình vội đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cấp cứu. Sau đó, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm phổi và cho nhập viện.
 

Chị L. đau đớn trước cái chết bất thường của cháu A.

 
“Sau khi làm thủ tục nhập viện, cháu A. được đưa vào phòng bệnh. Khoảng thời gian ngắn sau, một y tá đến khám. Sau đó, y tá này tiêm một xi lanh thuốc. Khi mũi tiêm vừa được rút ra, cơ thể A. bất ngờ chuyển đỏ, cứng lại, mắt đơ, môi tím đen... Trước tình huống trên, y tá này phải truy hô bác sĩ tới cấp cứu. Được các bác sĩ cấp cứu, A. mới dần hồi phục”, chị L. cho biết thêm.
 
Theo chị L., sang ngày 23/2, do không thấy các bác sĩ đến thăm khám, trong khi sức khỏe của con ngày càng yếu nên chị L. hỏi nhưng nữ bác sĩ trực lại có thái độ nóng nảy, quát nạt. Bác sĩ này quát tháo: “Sốt là tốt vì chất độc đang được đẩy ra ngoài”. Sau đó, các bác sĩ, y tá liên tục lấy máu, truyền nước khắp chân và đầu cháu A..
 
Đến tối 23/2, một y tá đến đâm vào 2 bẹn của cháu A. lấy máu. Khi rút kim tiêm ra, máu từ bẹn cháu A. bất ngờ tuôn ra xối xả. Lúc này, cháu A. lên cơn co giật, môi bầm tím, mặt trắng bợt, chân tay bất động. Khi chị L. cuống cuồng kêu la, các bác sĩ mới đưa cháu A. đi cấp cứu. Thế nhưng, đến 2h ngày 24/2, chị L. cùng gia đình bàng hoàng nhận được tin cháu A. đã tử vong.
 
Chị L. nghẹn ngào nói: “Sau khi nhận tin dữ, tôi và người thân trong gia đình vô cùng đau buồn. Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi không biết làm gì hơn mà đưa cháu A. về nhà tổ chức hậu sự, chứ không phản ứng gì với bệnh viện. Sau đó, gia đình tôi mới làm đơn yêu cầu bệnh viện giải thích nguyên nhân cháu A. chết bất thường nhưng không được lãnh đạo bệnh viện phản hồi. Vô cùng bức xúc trước cách hành xử vô tâm của bệnh viện, gia đình tôi tiếp tục làm đơn gửi cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ nguyên nhân cháu tử vong. Thế nhưng đến nay, gia đình tôi chỉ nhận được thông báo chuyển đơn. Gia đình tôi hiện rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ chuyện này”.
 
Bệnh nhi bị sốc phản vệ sau khi tiêm thuốc
 
Trao đổi với PV, bác sĩ Hoàng Ngọc Đinh Anh Tuấn (Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Do bị viêm phổi nặng, bệnh nhi A. được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh Cenfotaxim. Sau khi tiêm, cháu A. bị sốc phản vệ nên các bác sĩ cấp cứu theo phác đồ của Bộ Y tế. Nhờ vậy, sức khỏe cháu mới ổn định trở lại”.
 
Bác sĩ Tuấn cho biết thêm: “Tuy nhiên, do thuốc trong cơ thể vẫn còn nên đến rạng sáng 24/2, cháu A. tiếp tục bị sốc thuốc. Mặc dù các bác sĩ đã tích cực cứu chữa, làm hết khả năng nhưng cháu A. vẫn không qua khỏi. Sau khi xảy ra vụ việc này, đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cũng đã giải thích, chia buồn với gia đình nạn nhân tại bệnh viện”.
 
Liên quan đến vụ việc, dược sĩ Nguyễn Bá Phát (Phó trưởng khoa Dược – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk) cho hay: “Kháng sinh Cenfotaxim do Công ty cổ phần Dược phẩm Tenamyd sản xuất là thuốc nằm trong danh mục đấu thầu của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk. Sau khi đấu thầu, sở cấp thuốc này cho bệnh viện sử dụng cho bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh viện còn sử dụng thuốc Tenamyd - Ceftriaxone của Công ty cổ phần Dược phẩm Tenamyd”.
 

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk nơi xảy ra vụ việc.

 
Theo dược sĩ Phát, sau cái chết của cháu A., bệnh viện đã niêm phong toàn bộ lô thuốc liên quan và báo cáo vụ việc cho cơ quan chức năng. Đồng thời, bệnh viện kiến nghị Sở Y tế không dùng thuốc của Công ty cổ phần Dược phẩm Tenamyd. Sau khi xảy ra vụ việc, bệnh viện đã trả lại 13.911 lọ thuốc Taxibiotic - Cenfotaxim và 774 lọ thuốc Tenamyd - Ceftriaxone cho nhà sản xuất.
 
Phản ứng tuy hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng
 
Bác sĩ Lê Quang Thành (chuyên gia y tế tại Việt Nam) cho biết: “Sốc phản vệ là  phản ứng tuy hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng khi sử dụng ceftazidim. Vừa qua, Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc (Trung tâm DI & ADR Quốc gia) đã nhận được 18 báo cáo về phản ứng phản vệ và sốc phản vệ với thuốc nghi ngờ là ceftazidim. Trong đó, 2 trường hợp tử vong đã được xác định có liên quan đến ceftazidim. Trong những trường hợp này, sốc phản vệ thường xảy ra rất nhanh, 5-30 phút sau khi tiêm thuốc với các biểu hiện rầm rộ trên nhiều hệ cơ quan: khó thở, tím tái, mạch nhanh hoặc không bắt được, huyết áp tụt…”.
 

Giáo sư Nguyễn Năng An (Chủ nhiệm khoa Dị ứng - Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ở các nước phát triển, tỷ lệ sốc phản vệ tính trên dân số hàng năm là 5/1.000.000. Ở nước ta, tỷ lệ này vào khoảng 8,5/1.000.000 cao hơn các nước phát triển 1,7 lần. Nguyên nhân xảy ra sốc phản vệ, có khi vì bảo quản không tốt mà lô thuốc, vắc-xin bị biến chất và chính tạp chất gây ra sốc phản vệ. Có khi do dùng sai như dùng vắc-xin cho trẻ đang bị sốt, đang mắc một số bệnh nào đó, tạo yếu tố thuận lợi gây ra sốc phản vệ”.

 
Cách nào phòng chống sốc phản vệ hiệu quả?
 
Phó giáo sư – tiến sĩ Phạm Duệ (nguyên giám đốc Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Các vụ rủi ro do sốc phản vệ mới đây quả thực đáng tiếc, nhưng dù là ở nước ta hay bất cứ quốc gia phát triển nào thì rủi ro vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, việc giảm rủi ro các trường hợp sốc phản vệ là không quá khó. Trước khi dùng, phải thử xem thuốc đó có khả năng gây sốc phản vệ cho người bệnh không? Nguyên lý thử: Đưa một ít thuốc vào da người bệnh, sau thời gian quy định, nếu quan sát không thấy có hiện tượng bất thường xảy ra là được phép dùng thuốc cho người đó. Bên cạnh đó, trước khi dùng thuốc, phải khám xét, phải khai thác tiền sử, không cho dùng  nếu như người ấy có bệnh, có cơ địa  mẫn cảm với thuốc, vắc-xin. Đặc biệt nhất, Bộ Y tế nước ta có quy định nơi tiêm thuốc phải có hộp chống sốc, phải có phương tiện chống sốc phản vệ (tùy theo tuyến); khi xảy ra sốc phản vệ phải xử lý kịp thời; đối với những thuốc có tiềm năng gây sốc phản vệ cao thì không được dùng tại nhà hay tại nơi không có những điều kiện trên. Làm đúng vậy, sẽ góp phần giảm tỷ lệ sốc phản vệ”.
 
>> Đắk Lắk: Trưởng phòng y tế huyện bị chém nứt sọ não, gần lìa môi
 
Theo N. Hải - L. Thành (Nguoiduatin.vn)