Xã hội

Bão số 10 "yếu" bằng nửa siêu bão Haiyan, vì sao Việt Nam vẫn báo động đỏ?

Bão Haiyan được đánh giá là siêu bão mạnh nhất lịch sử nhưng khi đổ bộ vào Việt Nam cũng không được đưa ra cảnh báo đỏ như bão số 10.

Bão Haiyan được đánh giá là siêu bão mạnh nhất lịch sử nhưng khi đổ bộ vào Việt Nam cũng không được đưa ra cảnh báo đỏ như bão số 10.

Bão số 10

Chắc hẳn chúng ta đều chưa thể quên được những hình ảnh khủng khiếp mà siêu bão Haiyan năm 2013 từng gây ra ở Philippines khiến cho 11,8 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó có 4.460 người chết, 243.600 ngôi nhà bị phá hủy (theo thống kê của Liên hợp quốc).

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia nằm trên đường đi của cơn bão đáng sợ này và trước những gì mà Haiyan gây ra cho Philippines đã khiến chúng ta không khỏi thấp thỏm lo sợ.

Thế nhưng điều may mắn cho chúng ta là cơn bão này khi đổ bộ vào khu vực miền trung thì đã nhanh chóng suy yếu và gây thiệt hại nhỏ hơn dự kiến rất nhiều.

So với bão Haiyan, cơn bão sắp ập đến nước ta có tên quốc tế là Doksuri (bão số 10) tuy không mạnh bằng nhưng không vì thế mà ít nguy hiểm hơn.

Bão số 10 yếu bằng nửa siêu bão Haiyan, vì sao Việt Nam vẫn báo động đỏ? - Ảnh 1.

Các cấp độ rủi ro thiên tai. Ảnh Tin tức online.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đã phải đưa ra báo động đỏ (cảnh báo nguy hiểm cấp độ 4 - chỉ thấp hơn cấp 5 là cấp thảm họa) cho cơn bão đánh thẳng vào khu vực Bắc Trung Bộ. Đây là cấp độ cảnh báo bão cao nhất lần đầu tiên được đưa ra kể từ khi Luật Phòng chống thiên tai có hiệu lực.

Để hình dung sức mạnh mà cơn bão số 10 sắp đổ bộ vào Việt Nam, hãy nhìn lại sức mạnh mà cơn bão Haiyan gây ra:

Siêu bão Haiyan đáng sợ tới mức nào?

Siêu bão Haiyan được hình thành ngày 3/11/2013 và 8 ngày sau mới hoàn toàn suy yếu, sức gió của nó khi cực đại đạt tới 315 km/h (duy trì trong 1 phút) và 235 km/h (duy trì trong 10 phút) với áp suất thấp nhất là 895 hPa.

Nếu so với bão Irma có sức gió cực đại khoảng 305 km/h và bão Harvey (215 km/h) thì có thể thấy siêu bão Haiyan cũng chẳng kém cạnh gì! 

Bão số 10 yếu bằng nửa siêu bão Haiyan, vì sao Việt Nam vẫn báo động đỏ? - Ảnh 2.

Philippines biến thành bình địa sau siêu bão Haiyan. Ảnh Boston Magazine.

Vào thời kỳ "đỉnh cao", sức gió giật gần tâm bão của nó còn lên tới trên 370km/h (tốc độ di chuyển còn nhanh hơn cả một số tàu siêu tốc)! 

Ở đây cần nói thêm sự khác biệt giữa vận tốc gió và gió giật vì khi nói một cơn bão cấp bao nhiêu thì có kèm theo cấp gió giật phía sau (ví dụ: bão mạnh cấp 15 giật cấp 17). Trong đó vấn tốc gió ở đây là vận tốc gió đạt được trung bình 10 phút đến tối đa 1 phút tức mang tính ổn định hơn.

Còn gió giật chỉ mang tính nhất thời (sự tăng tốc đột ngột trong khoảng thời gian ngắn - có thể rất mạnh nhưng chỉ trong một thời điểm nhất định nào đó chứ không duy trì đều đặn).

Nếu đánh giá theo thang đo Saffir-Simpson (thang đo bão chỉ dùng cho các nước phương Tây, còn ở Việt Nam hay một số nước thì sử dụng thang đo Beaufort) thì siêu bão Haiyan tương đương một siêu bão cấp 5 (cấp độ bão cao nhất).

Còn theo thang đo Beaufort thì Haiyan được xếp là siêu bão cuồng phong (cấp 18).

Tại sao không mạnh như bão Haiyan nhưng Doksuri lại được đưa ra báo động đỏ?

Cơn bão Doksuri tuy không mạnh bằng siêu bão Haiyan với sức gió cực đại là 139 km/h (sau đó sẽ suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào) nhưng so với Haiyan thì sự nguy hiểm do ảnh hưởng của cơn bão số 10 còn lớn hơn rất nhiều.

Để có thể so sánh sức mạnh của hai cơn bão là rất khó vì còn phục thuộc nhiều yếu tố khác nhau như (sức gió, bán kính bão, thời gian tồn tại, thiệt hại, phạm vi bán kính bão tác động...) nhưng ở đây, hãy thử so sánh chúng dưới khía cạnh sức gió mạnh nhất.

Theo đó thì bão số 10 (Doksuri) chỉ mạnh gần bằng 1 nửa siêu bão Haiyan (139 (km/h)/315 (km/h = 0,44) hay nói cách khác bão Haiyan còn mạnh hơn hẳn gấp đôi (2,3 lần) so với Doksuri.

Bão số 10 yếu bằng nửa siêu bão Haiyan, vì sao Việt Nam vẫn báo động đỏ? - Ảnh 3.

Thông tin chi tiết vị trí và sức gió của bão số 10. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung Ương (nchmf.gov.vn).

Nhưng do bão só 10 đổ bộ vào nước ta trong thời kỳ mạnh nhất với sức gió giật cấp 15 (đây là điều khác biệt so với siêu bão Haiyan đổ bộ khi đã suy yếu) nên Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đã phải đưa ra cảnh báo nguy hiểm cấp 4 (màu đỏ).

Dưới đây là bảng thống kê các cơn bão mạnh đổ bộ vào nước ta từ năm 1963 đến 2012 của Trung tâm Tư liệu Khí tượng Thủy văn thì chưa có một cơn bão nào có sức gió cấp 14 trở lên khi đổ bộ vào nước ta trong lịch sử khí tượng Việt Nam.

Gần đây nhất là trường hợp bão Utor, bão Usagi (đều cấp 17) và bão Haiyan tuy có sức gió giật tới cấp 18 nhưng khi đổ bộ vào nước ta thì đã suy yếu rất nhiều nên tới thời điểm hiện nay vẫn chưa có một cơn bão có sức gió phá vỡ kỷ lục trên.

Bão số 10 yếu bằng nửa siêu bão Haiyan, vì sao Việt Nam vẫn báo động đỏ? - Ảnh 4.

Những cơn bão từ năm 1963 đến 2012 đều chưa vượt quá cấp 14 khi đổ bộ vào Việt Nam. Ảnh Trung tâm Tư liệu Khí tượng Thủy văn.

Những thiệt hại mà bão Haiyan gây ra cho Việt Nam khi đổ bộ là nhỏ hơn nhiều so với thiệt hại ở Philippines (làm tốc mái 500 căn nhà, chìm 20 tàu thuyền và nhà bè...) và số người chết theo thống kê chính thức (theo báo cáo nhanh từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn) là 13, 81 người bị thương.

Tuy nhiên thiệt hại về người lại chủ yếu là do nguyên nhân gián tiếp như tại nạn khi trèo lên mái nhà để gia cố nhà cửa.

Nhưng với cơn bão số 10 lần này, chúng ta cần tuyệt đối không thể chủ quan mà luôn bám sát theo dõi, chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất có thể xảy ra nhằm đối phó kịp thời để có thể hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của.

Hiểu về các cấp độ rủi ro thiên tai do bão (từ cấp 3 đến cấp 5)

1. Rủi ro thiên tai cấp độ 3 gồm các trường hợp sau:

a) Áp thấp nhiệt đới, bão cấp 8, cấp 9 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa), vùng biển ven bờ (bao gồm vịnh Bắc Bộ, Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang), trên đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ;

b) Bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa), vùng biển ven bờ, trên đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ;

c) Bão rất mạnh từ cấp 12 đến cấp 15 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).

2. Rủi ro thiên tai cấp độ 4 gồm các trường hợp sau:

a) Bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên đất liền khu vực Nam Bộ;

b) Bão rất mạnh từ cấp 12 đến cấp 15 hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ;

c) Siêu bão từ cấp 16 trở lên hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).

3. Rủi ro thiên tai cấp độ 5 gồm các trường hợp sau:

a) Bão rất mạnh từ cấp 12 đến cấp 15 hoạt động trên đất liền khu vực Nam Bộ;

b) Siêu bão từ cấp 16 trở lên hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ.

4. Cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới, bão được xem xét xác định tăng thêm một cấp, đến cấp cao nhất là cấp 5, khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

a) Áp thấp nhiệt đới, bão hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển ven bờ kết hợp với hoạt động của gió mùa Đông Bắc, gió mùa Tây Nam mạnh;

b) Áp thấp nhiệt đới, bão hoạt động trên đất liền nơi đang xảy ra mưa lớn, lũ, ngập lụt lớn hoặc trùng hợp với thời kỳ triều cường, nước biển dâng cao ở vùng ven bờ.

(Theo Điều 3, Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai)

Bài viết được dịch từ các nguồn: Edition.cnn.com, Theguardian.com, Nchmf.gov.vn, Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương

Theo Hoa Hướng Dương (Soha/Trí Thức Trẻ)