Xã hội

Bão Haikui vào biển Đông

Tối qua áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão với tên quốc tế Haikui, đây là cơn bão số 13 hoạt động trên biển Đông.

Lúc 4h ngày 10/11, tâm bão Haikui cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 930km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất 75km/giờ (cấp 8).

Bão Haikui vào biển Đông
Vị trí, đường đi của bão Haikui lúc 5h ngày 10/11. Nguồn: NCHMF.

Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương dự báo, trong 24 giờ tới bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km còn có khả năng mạnh thêm.

Đến 4h ngày 11/11, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 430km về phía Đông Đông Nam và tăng lên cấp 9 (sức gió 90km/giờ).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa biển Đông có mưa rào và giông mạnh, gió cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12.

Tại cuộc họp khắc phục hậu quả và tái thiết sau bão lũ ngày 9/11, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết, do dự báo xa nên đường đi của bão có thể thay đổi.

Ông Cường đưa ra các tình huống như bão di chuyển lệch phía Bắc không ảnh hưởng đất liền và đặc biệt ngày 14 và 15/11 có một đợt không khí lạnh tăng cường xuống từ phía Bắc có thể làm bão suy yếu. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung tâm khí tượng cũng đưa ra kịch bản xấu bão vào Trung Bộ, nơi vừa gánh chịu thiệt hại nặng nề của bão Damrey.

Tổng kiểm tra an toàn hồ đập

Chiều 9/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã ký công điện đề nghị tổng rà soát các hồ đập, sẵn sàng ứng phó với bão Haikui.

Công điện nêu, bão Haikui có thể ảnh hưởng đất liền, trong bối cảnh các hồ chứa đã đầy nước, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Lãnh đạo các tỉnh được yêu cầu phối hợp với chủ hồ đánh giá nhanh hiện trạng an toàn của các công trình thủy điện và thủy lợi, cập nhật thường xuyên thông tin để chủ động xả nước đón lũ, đặc biệt là khu vực từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa.

Ban chỉ đạo đề nghị hoàn thiện các phương án phòng lũ hạ du, nhất là khu vực  đông dân cư, sẵn sàng sơ tán dân khi có tình huống khẩn cấp.

Bão Haikui vào biển Đông - 1
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng thuỷ lợi cho biết có 350 hồ xung yếu "có thế vỡ bất cứ lúc nào". Ảnh: Võ Hải.

Tổng cục trưởng Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp) Nguyễn Văn Tỉnh thông tin, cả nước có khoảng 1.200 hồ chứa bị xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có 350 hồ xung yếu. Ông Tỉnh cho rằng, trong bối cảnh 100% các hồ chứa ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ đã đầy nước, mùa mưa ở Nam Trung Bộ chưa kết thúc, nguy cơ mất an toàn hồ là rất cao.

Đà Nẵng trời nắng

TP Đà Nẵng - nơi đang diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC - sáng 10/11 còn có lúc có mưa, nhưng lượng không lớn, buổi chiều giảm mây, trời nắng.

Bão Haikui vào biển Đông - 2
Thời tiết TP Đà Nẵng thuận lợi cho các hoạt động của Tuần lễ cấp cap APEC. Ảnh: Quỳnh Trần.

Hình thái thời tiết trên được duy trì sang ngày 11, 12 (thứ bảy, chủ nhật). Nhưng qua đầu tuần (ngày 13, 14/11) mưa rào nhẹ sẽ chấm dứt, trời nắng, nhiệt độ từ 24-29 độ C.

Cùng với Đà Nẵng, mưa giảm nên lũ trên các sông đều xuống, riêng các sông ở Quảng Nam lên theo điều tiết của hồ thuỷ điện. Dự báo hôm nay (10/11) lũ trên các sông tiếp xuống, tình trạng ngập lụt trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định giảm dần.

Những tháng cuối năm là thời gian hoạt động mạnh của không khí lạnh và gió mùa đông bắc gây mưa diện rộng cho các tỉnh Trung Bộ. Dự báo trong tháng 11 và nửa đầu tháng 12 sẽ là giai đoạn có nhiều đợt mưa lớn trên diện rộng ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định và còn 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới nữa.

Năm 2016, mưa lớn kéo dài đến tháng 1/2017 và không loại trừ khả năng mưa lũ năm nay tiếp diễn tới tháng 1/2018.

Theo Võ Hải (VnExpress.net)