Xã hội

Bắn tiền tỉ lên trời!

Trong dịp Tết Mậu Tuất 2018, hàng chục tỉnh, thành tổ chức bắn pháo hoa, kể cả những tỉnh phải xin hỗ trợ gạo cứu đói cho người nghèo

Tại buổi họp báo thường kỳ của UBND tỉnh Lào Cai tổ chức vào giữa tháng 1-2018, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh này cho biết để tạo không khí vui tươi cho người dân chào đón năm mới Mậu Tuất 2018, tỉnh tổ chức một điểm bắn pháo hoa trong đêm giao thừa tại trung tâm TP Lào Cai. Cách đây chưa lâu, Lào Cai vừa nhận gạo từ Chính phủ cấp cho các hộ nghèo.

Bắn tiền tỉ lên trời!
Nhiều nơi còn rất khó khăn nhưng vẫn tổ chức bắn pháo hoa trong dịp Tết. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Chưa đủ ăn sao vui nổi

Ngoài điểm bắn pháo hoa do UBND tỉnh Lào Cai tổ chức, các huyện như Bắc Hà, Bảo Yên, Mường Khương, Sa Pa cũng đăng ký xin được bắn pháo hoa bằng nguồn kinh phí xã hội hóa trong đêm giao thừa. Đáng chú ý, Mường Khương là huyện nghèo nằm trong diện hỗ trợ thuộc Chương trình 30a của Chính phủ. Trên địa bàn huyện Mường Khương có tới 12 xã nghèo, như: Cao Sơn, Dìn Chin, La Pán Tẩn, Lùng Khấu Nhin, Nậm Chảy, Nấm Lư, Pha Long... Các xã này thuộc diện đặc biệt khó khăn của cả nước, được đầu tư theo Chương trình 135 tại Quyết định số 204/QĐ-TTg ngày 1-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 22-1, Thủ tướng Chính phủ đã ký cho Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) hơn 2.805 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương để hỗ trợ cứu đói cho người dân trong dịp Tết Mậu Tuất 2018, trong đó tỉnh Lào Cai được 189,99 tấn gạo để hỗ trợ cho dân 6 huyện của tỉnh này. Tỉnh Lào Cai cũng đã phân bổ số gạo này cho các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Bắc Hà, Văn Bàn và Mường Khương. Riêng huyện Mường Khương được hỗ trợ 23,2 tấn.

Tương tự, tỉnh Đắk Nông tổ chức bắn pháo hoa tại 3 điểm với tổng kinh phí khoảng 1,2 tỉ đồng. Tỉnh này cũng vừa xin Chính phủ hơn 1.000 tấn gạo cứu đói cho người dân trong dịp Tết. Ông Ngô Xuân Lộc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết: Dịp Tết nguyên đán, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp ưu tiên vận động hàng ngàn phần quà tặng các gia đình khó khăn để bảo đảm người dân không ai thiếu đói. Việc bắn pháo hoa tỉnh chỉ cho chủ trương, còn các huyện - thị xã tổ chức từ kinh phí xã hội hóa.

Theo thông tin chúng tôi ghi nhận đến nay, hầu hết các tỉnh, thành đều tổ chức bắn pháo hoa, trong đó có cả những tỉnh vừa được cấp gạo cứu đói cho người dân dịp Tết và mùa giáp hạt.

Có nhất thiết tỉnh nào cũng bắn pháo hoa?

Một trong 6 tỉnh, thành được bắn pháo hoa tầm cao là Thừa Thiên - Huế cũng đã chuẩn bị xong chương trình bắn pháo hoa tại Quảng trường Ngọ Môn (TP Huế) và thị trấn Khe Tre, huyện miền núi Nam Đông. Ngoài ra, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau... đều đã lên chương trình bắn pháo hoa hoành tráng trong dịp Tết từ nguồn xã hội hóa.

Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết kinh phí tổ chức đều do kêu gọi xã hội hóa nên không ảnh hưởng đến ngân sách địa phương. Các cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ kinh phí bắn pháo hoa được tỉnh hỗ trợ về mặt quảng bá thương hiệu theo quy định. "Nam Đông là một huyện miền núi, kinh tế còn nhiều khó khăn. Trước đây chúng tôi có kế hoạch tổ chức bắn pháo hoa trong dịp Tết cổ truyền nhưng trung ương yêu cầu tạm dừng nên đây là lần đầu tiên tổ chức ở huyện" - ông Dung nói.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng những năm vừa qua, Chính phủ nhiều lần không đồng ý về việc bắn pháo hoa ở một số địa phương. "Không phải là tôi không ủng hộ việc bắn pháo hoa bởi việc này tạo nên niềm vui tinh thần cho nhân dân. Nhưng có nhất thiết tỉnh nào cũng phải bắn pháo hoa hay không? Nên chăng chỉ bắn ở những nơi tiêu biểu, rồi truyền hình trực tiếp cho bà con cả nước xem. Tỉnh nào cũng bắn pháo hoa thì rất tốn kém" - ông Tiến nói.

Ông Tiến cho rằng mang niềm vui đến cho người dân có nhiều hình thức khác như tổ chức lễ hội, các trò chơi dân gian... chứ không nhất thiết cứ phải là bắn pháo hoa. Tỉnh nào cũng đua nhau bắn pháo hoa thì thành "hội chứng" pháo hoa.

"Lãnh đạo các địa phương cũng không nên nếp nghĩ rằng anh bắn được thì tôi cũng bắn được, thay vào đó nên dành tiền chăm lo cho dân" - ông Tiến nói.

Không bắn pháo hoa để lo cho dân nghèo

Ông Huỳnh Ngọc Bông, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết trong dịp Tết nguyên đán 2018, UBND tỉnh Khánh Hòa không chủ trương tổ chức bắn pháo hoa.

Theo ông Bông, do điều kiện năm nay Khánh Hòa gặp thiên tai liên tục nhất là cơn bão số 12 đã gây thiệt hại nặng nề nên UBND tỉnh đề nghị dồn sức chăm lo cho người dân trong dịp Tết này. Hiện lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã về các địa phương để tặng quà, động viên người dân, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể có kế hoạch hỗ trợ đồng bào, cố gắng đem Tết về cho người dân gặp khó khăn, đồng bào dân tộc miền núi.

Tại Khánh Hòa, cơn bão số 12 đã làm 45 người chết và mất tích; hơn 115.000 căn nhà tốc mái, hư hỏng; gần 2.800 căn sập hoàn toàn; hàng chục ngàn hecta hoa màu, vùng nuôi hải sản hư hại…, tổng thiệt hại hơn 14.700 tỉ đồng.

Theo Nhóm PV (Nld.com.vn)