Xã hội

Ba tấm ảnh - ba câu chuyện về Tướng Giáp

“Tướng Giáp nói với tôi rằng nếu không có những con đường nối với Quốc lộ 1 và đường 559 thì chúng ta không thể giải phóng Huế chỉ trong hai ngày”, ông Trần Minh Đức kể.

“Tướng Giáp nói với tôi rằng nếu không có những con đường nối với Quốc lộ 1 và đường 559 thì chúng ta không thể giải phóng Huế chỉ trong hai ngày”, ông Trần Minh Đức kể.

Cái bắt tay ở sân bay Phú Bài ngày 28/3/1975

Tôi gặp Đại tướng lần đầu tiên hai ngày sau khi Huế giải phóng (26/3/1975), khi Đại tướng cùng Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn đáp máy bay xuống sân bay Phú Bài. Tại đây Đại tướng đã bắt chặt tay tôi, với lời khen ngợi nồng ấm…

Tướng Giáp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng chúc mừng Đại tã Trần Minh Đức, Cục trưởng Cục Hậu cần, Quân khu Trị Thiên Huế, tại sân bay Phú Bài (Huế) ngày 28/3/1975

… Chuyện là sau cuộc Tổng Tấn công – Nổi dậy Mậu Thân, Đại tướng đã ra lệnh phải gấp rút xây dựng các tuyến đường cắt ngang, nối liền đường 559 (đường mòn Hồ Chí Minh), do ta kiểm soát, và đường quốc lộ 1, do quân đội Sài Gòn kiểm soát. Lý do bởi vì trong đợt 2 và đợt 3 của Chiến dịch Mậu Thân, quân ta không được tiếp tế đầy đủ nên đã chịu những tổn thất lớn.

Tôi, với tư cách là Cục trưởng Cục Hậu cần Quân khu Trị Thiên Huế, chịu trách nhiệm chỉ huy bộ đội xây dựng những con đường này. Trong 4 năm từ 1971 đến 1974, chúng tôi đã xây dựng xong 4 con đường là B71, B72, B73 và B74, trong đó B72 và B74 là do nâng cấp những con đường 12 và 14 do Pháp xây dựng. Trong chiến dịch Mùa Xuân năm 1975, nhờ những con đường này mà ta đã vận chuyển pháo và xe tăng thành công, phục vụ đánh Huế và Đà Nẵng…

… Đại tướng nói với tôi rằng nếu không có những con đường này, chúng ta không thể giải phóng Huế chỉ trong hai ngày như vậy. Sau đó một hôm, chúng tôi lại nhận được tin Đà Nẵng đã giải phóng.

Gọi điện cho Bí thư Đống Đa yêu cầu tôn tạo lại Pháo đài Láng

Sau khi Đại tướng đã nghỉ hưu, và tôi cũng vậy, tôi lại có dịp sinh hoạt cùng Đại tướng ở Hội Cựu Chiến binh Hà Nội. Đại tướng là Chủ tịch Danh dự của Hội, còn tôi là thường trực Hội.

Tướng Giáp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng (thứ hai từ trái sang), Bí thư Quận Đống Đa (đầu tiên từ trái sang) và Thiếu tướng Trần Minh Đức (thứ 4 từ trái sang) trong buổi lễ khánh thành khu di tích Pháo đài Láng

Một hôm, đi qua Pháo đài Láng, thấy một khẩu pháo nằm chỏng trơ trên một nền đất cỏ dại mọc đầy. Là một cựu chiến binh, tự nhiên tôi thấy chạnh lòng về thân phận những khẩu pháo trong thời bình. Gặp Đại tướng tại Hội Cựu chiến binh Hà Nội, tôi liền báo cáo sự việc với Đại tướng...

…Theo sử sách nói lại hai khẩu pháo 75 ly ở Pháo đài Láng đã đồng loạt nổ súng vào Thành Hà Nội, báo hiệu ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946. Trong chiến dịch bảo vệ Hà Nội, quân và dân ta dưới sự chỉ huy của Tổng Chỉ huy Quân đội Nhân dân và Dân quân Tự vệ Võ Nguyên Giáp đã giữ đượng Hà Nội trong vòng 2 tháng, vượt mức mà Tướng Giáp đã hứa với Bác Hồ  1 tháng. Đầu năm 1947, quân ta rút đi và hủy một khẩu pháo…

… Đại tướng liền cho gọi điện gặp Bí thư Quận Đống Đa, thông báo sự việc. Ngày hôm sau, Đại tướng cùng Bí thư và tôi đã đi quan sát thực địa.

Pháo đài Láng sau đó được tôn tạo lại, nòng pháo lại hiên ngang chĩa lên bầu trời. Khu di tích Pháo đài Láng được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1993. Ngày khánh thành, Đại tướng cùng Bí thư Quận Đống Đa và tôi lại dẫn đoàn đại biểu dự lễ, trong tiếng hoan hô của các nữ sinh Hà Nội.

Không quên lính cũ

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng, ngoài việc xuất sắc trong việc hoạch định chiến lược, còn hết sức thương quân. Nếu đánh trận mà dự báo thương vong rất nhiều, mặc dù thắng lợi, Đại tướng vẫn kiên quyết không đánh. Khi về hưu, Đại tướng vẫn không quên những người lính cũ.

Tướng Giáp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cựu trung tá Đặng Văn Việt (đầu tiên từ trái sang), Đại tướng và Thiếu tướng Trần Minh Đức, trong khu vườn nhà ông Việt.

Khoảng năm 1995, hay năm 1996, tôi không nhớ rõ, Đại tướng có nghe tôi kể về cựu chiến binh Đặng Văn Việt khi về hưu cuộc sống rất khổ, phải đi đưa bánh kiếm thêm tiền, ông liền bảo tôi cùng đến thăm Đặng Văn Việt…

…Đặng Văn Việt (sinh năm 1920) là một cựu trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, ông Việt đang ở quân y được điều về Bộ Tổng Tham mưu. Vì có kinh nghiệm chiến đấu với quân Pháp ở Sê Pôn trên Đường 9 cuối năm 1945, ông được phân công làm việc bên cạnh Đại tướng. Chính Đại tướng đã cử ông Việt lên tổ chức trung đoàn tác chiến trên đường số 4, nhằm ngăn chặn đường tiếp vận của quân Pháp từ Lạng Sơn lên Cao Bằng. Đại tướng đã nhìn rõ năng lực quân sự của ông, mặc dù cũng như Đại tướng ông chưa qua trường lớp quân sự nào.

Ông đã trở thành Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 174 - một trong 3 trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông từng được người Pháp mệnh danh là "Con hùm xám đường số 4" do thành tích chỉ huy đơn vị mình trong Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, bắt sống cả 2 chỉ huy binh đoàn Pháp là các Trung tá Marcel Lepage và Pierre Charton.

Nhưng vì vấn đề thành phần (cha ông Việt, cụ Đặng Văn Hướng nguyên là Tổng đốc Nghệ An, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, năm 1947 cụ đã được Hồ Chủ Tịch mời ra làm bộ trưởng bộ không bộ, nhưng chần chừ chưa ra. Khi có phong trào cải cách ruộng đất, cụ đã bị những người ở địa phương giết),nên sau năm 1954 ông Việt, với quân hàm trung tá, buộc phải chuyển ngành sang làm công tác thủy lợi. Đại tướng có biết, nhưng ông không làm gì được…

… Đến nhà ông Việt ở khu Khương Đình, hai người vui mừng bắt tay nhau mà không nói gì. Tình cảm chỉ hiện qua ánh mắt. Hai người nói chuyện từ 9 giờ đến 11 rưỡi. Đại tướng rất quan tâm tới cuốn Đường số 4 do ông Việt viết, được Nhà Xuất bản Ngoại văn dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp, và đang rất nổi tiếng. Cuối buổi, cả ba chúng tôi ra vườn chụp ảnh rồi chia tay.

Theo Huỳnh Phan (VietNamNet)