Xã hội

9 người chết và mất tích vì lũ tại miền Trung

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết lũ ở bắc Trung Bộ khiến 5 người chết, 4 người mất tích, 12 người bị thương và gần 30.000 ngôi nhà bị ngập.

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết lũ ở bắc Trung Bộ khiến 5 người chết, 4 người mất tích, 12 người bị thương và gần 30.000 ngôi nhà bị ngập.
 
 
Sáng 15/10, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết lũ ở bắc Trung Bộ khiến 5 người chết (Quảng Bình 3, Thừa Thiên-Huế 2), 4 người mất tích (Quảng Bình 4).

Ngoài ra, 12 người bị thương (Quảng Trị 3, Huế 2, Quảng Bình 7) do mưa lũ. Mưa lũ cũng khiến hơn 27.800 ngôi nhà ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế bị ngập. Mưa lớn cũng làm nhiều huyện, xã từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế bị ngập lụt, cô lập. Nhiều tuyến đường bị chia cắt.

Hang nghin dan o Quang Binh, Ha Tinh bi co lap vi lu hinh anh 1
Chuyên gia khí tượng đánh giá đây là trận mưa kỷ lục tại Quảng Bình. Ảnh: Facebook. 

“Mực nước sông Gianh đo được tại Mai Hóa lúc 5h sáng nay là 9,2 m cao hơn năm 2010 và sắp chạm đỉnh lũ lịch sử 2007 (9,57 m). Nước sông Kiến Giang tại thị trấn Kiến Giang là 3,53 m, tại Hàm Ninh là 3,49 m thấp hơn năm 2010.

Dự kiến hôm nay lượng mưa sẽ giảm nhưng nước sông sẽ vẫn tiếp tục lên do lũ từ thượng nguồn đổ về”, ông Ngô Hải Dương, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Quảng Bình nói.

Theo báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy phòng chốn lụt bão huyện Tuyên Hóa, tính đến 23h đêm 14/10, trên địa bàn huyện có 2 người mất tích, 2 người bị thương .

Hai người bị mất tích do lũ cuốn trôi là Nguyễn Văn Phi bị lật thuyền ở xã Phong Hóa và một người khác bị cuốn trôi chưa rõ tung tích tại xã Thuận Hóa.

Hang nghin dan o Quang Binh, Ha Tinh bi co lap vi lu hinh anh 2
Nước dâng cao gần ngập mái nhà tại Hà Tĩnh. Ảnh: CTV.

6.000 nhà dân ở Tuyên Hóa bị ngập nước, trong đó có hộ dân bị cô lập. Các tuyến Quốc lộ 12A, 12C, 15 và tỉnh lộ 559 qua huyện Tuyên Hóa bị chia cắt, không thể lưu thông. Ngay đường đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn xã Hương Hoá cũng bị ngập sâu khiến huyện này gần bị chia cắt hoàn toàn.

Trong khi đó, tuyến đường Hồ Chí Minh qua xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa vẫn đang bị ngập sâu. Tại các vùng bị cô lập như xã Thượng Hóa, rốn lũ Tân Hóa vẫn đang chìm trong lũ lớn.

Nhiều tuyến đường tại TP Đồng Hới vẫn đang bị ngập nước như Lê Lợi, Nguyễn Hữu Cảnh, Hai Bà Trưng, Bà Triệu khiến việc lưu thông của người dân tại các khu vực này gặp nhiều khó khăn. 

Lũ đã xuống nhẹ tại các xã Sơn Trạch, Phúc Trạch, Hưng Trạch của huyện Bố Trạch. Khu vực Phong Nha chỉ còn bị ngập nước ở mức 1,5 -2 m.

Nhiều tuyến đường vị chia cắt

Trong khi đó tại Hà Tĩnh, mưa lớn từ ngày 14/10 nhiều nơi bị ngập lụt nghiêm trọng. Hương Khê được xem là địa phương nặng nhất tính đến thời điểm hiện tại. Tất cả các xã trên địa bàn huyện Hương Khê đều bị ngập lụt, nhiều tuyến đường bị chia cắt. 

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hương Khê cho biết các xã Phương Mỹ, Hòa Hải, Hương Thủy, Hương Giang, Gia Phố, Lộc Yên, Hương Đô đã bị cô lập.

Lãnh đạo huyện đã về các địa phương bị nặng để chỉ đạo công tác phòng chống bão lụt và lên phương án sơ tán dân vùng nguy hiểm.

Hang nghin dan o Quang Binh, Ha Tinh bi co lap vi lu hinh anh 3
Mưa lớn cùng với lũ khiến nước dâng cao tận mái nhà người dân tại Quảng Bình. Ảnh:Báo Quảng Bình. 

Tại huyện Kỳ Anh, hiện xã Kỳ Thượng đang bị cô lập. Các xã khác như Kỳ Thượng, Kỳ Hợp, Kỳ Lạc, Kỳ Lâm, Kỳ Sơn, Kỳ Tây đã khẩn trương di dời hơn 104 hộ dân tại các vùng nguy hiểm về nơi an toàn. Địa phương đã huy động lực lượng ứng cứu, khơi thông rác cây cối đổ về làm ách tắc dòng chảy.

Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Kỳ Anh đang bố trí trực 24/24h, phân công cán bộ huyện, xã trực tiếp bám nắm địa bàn để chủ động di dời dân ở vùng thấp đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra. Đồng thời thông tin thường xuyên diễn biến mưa lũ để các địa phương và nhân dân biết, chủ động ứng phó.

Tại huyện Cẩm Xuyên, 6 xã bị ngập nước vào nhà dân gồm: Cẩm Thạch, Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Quan, Cẩm Lĩnh, Cẩm Vịnh.

TP Hà Tĩnh mưa lớn, liên tục từ chiều 14/10 đến sáng 15/10 khiến nhiều tuyến đường ngập nặng, nhiều phương tiên bị chết máy, di chuyển khó khăn hoặc không thể lưu thông. Các tuyến đường như Lý Tự Trọng, Nguyễn Công Trứ, Trần Phú, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Biểu, Nguyễn Du... đang bị chìm trong nước lũ.

Nhiều cơ quan nằm bên các tuyến đường thấp trũng như Nguyễn Công Trứ đã bị nước "tấn công", buộc phải huy động cán bộ, nhân viên đến dời chuyển đồ đạc trong đêm.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết lũ trên thượng lưu sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh), sông Gianh, sông Kiến Giang (Quảng Bình) đang dao động ở mức đỉnh.

Mực nước sông Thạch Hãn (Quảng Trị) đang xuống chậm; sông La, hạ lưu sông Ngàn Sâu và sông Cả đang lên.

Mực nước lúc 4h ngày 15/ 10 trên một số sông như sau:

Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ 15,64 m, trên báo động 3 là 2,14m; tại Hòa Duyệt 8,79m, dưới báo động 2 là 0,21m.

Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm 11,27 m, dưới báo động 2 là 0,23 m.

Sông Gianh tại Đồng Tâm 15,71 m, dưới báo động 3 là 0,29 m; tại Mai Hóa 9,2 m, trên báo động 3 là 2,7 m.

Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy 3,52m, trên báo động 3 là 0,82 m. Sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn 4,14m, trên báo động 2 là 0,14 m.

Lũ hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông Cả và sông La tiếp tục lên. Thượng lưu sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố, sông Gianh, sông Kiến Giang, sông Thạch Hãn xuống chậm và còn có khả năng lên lại.

Theo Nhóm PV (Zing.vn)