Xã hội

80% công bố khoa học của Việt Nam có yếu tố nước ngoài

Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học là quy luật chung và rất cần thiết cho các nước đang phát triển.

Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học là quy luật chung và rất cần thiết cho các nước đang phát triển.

Theo tập san hàng đầu trong chuyên ngành trắc lượng khoa học Scientometrics, riêng giai đoạn 2001-2015, các nhà khoa học Việt đã công bố được hơn 18.070 bài trên các tập san thuộc ISI. So với các nước trong vùng, Việt Nam mới bằng 28% của Thái Lan, 25% Malaysia và 15% Singapore, nhưng cao hơn Indonesia và Philippines.

Malaysia bắt đầu vượt Singapore về số lượng bài báo khoa học công bố. Năm 2015, Malaysia công bố được 12.340 bài, thấp hơn Singapore 1.290 bài. Nhưng một năm sau, Malaysia nhích hơn 9 bài.

Indonesia trước đây công bố quốc tế thấp hơn Việt Nam, nhưng hai năm gần đây lại có xu hướng tăng và khả năng vượt qua Việt Nam. Trong năm 2014, số công bố quốc tế của Indonesia là 1.795, thấp hơn Việt Nam 801 bài. Nhưng đến năm 2016 thì con số công bố quốc tế của Indonesia xấp xỉ Việt Nam, kém 6 bài.

Những xu hướng này cho thấy nghiên cứu khoa học Đông Nam Á đang có chuyển biến tích cực và Malaysia có thể là quốc gia nhiều công bố quốc tế nhất trong vùng.

Các nước khác như Brunei, Campuchia, Lào và Myanmar cũng có công bố quốc tế song lượng còn thấp, chỉ đóng góp khoảng 2% tổng số bài báo khoa học từ ASEAN, và đa số là do hợp tác quốc tế.

Hợp tác quốc tế - nội lực khoa học của quốc gia

Để biết được nội lực khoa học của một quốc gia, người ta hay dùng chỉ số về hợp tác quốc tế trong nghiên cứu. Ở nước mà nền khoa học vào giai đoạn phát triển cao như Âu, Mỹ tỷ lệ hợp tác quốc tế thường đạt mức 50% và phần lớn họ đóng vai trò chủ đạo trong các dự án nghiên cứu.

Một nghiên cứu đăng tải trên Scientometrics cho thấy, giai đoạn 1991-2010, trong gần 11.000 bài báo khoa học từ Việt Nam, số bài báo có hợp tác quốc tế chiếm gần 80%.

Trong thời gian 2001 đến 2015, tỷ lệ này vẫn chưa thay đổi đáng kể. Tính chung, trong số 18.076 bài báo khoa học trên các tập san ISI, 77% công trình là có hợp tác quốc tế. Nói cách khác, tỷ trọng nội lực chỉ 23%.

Tuy nhiên, có sự khác biệt về mức độ hợp tác quốc tế giữa các lĩnh vực nghiên cứu. Y tế công cộng, y học lâm sàng, y sinh học và khoa học xã hội có tỷ lệ hợp tác quốc tế cao nhất (trên 85%); hóa học và kỹ thuật cũng có tỷ lệ hợp tác quốc tế khá cao.

Bảng 1: Tỉ trọng (%) hợp tác quốc tế trong các bài báo khoa học của Việt Nam (2001 - 2015)

 Tỷ trọng hợp tác quốc tế trong các bài báo khoa học của Việt Nam (2001-2015).

Các nhà khoa học Việt Nam còn hợp tác với đồng nghiệp của hơn 150 quốc gia. Trong đó, nhiều nhà khoa học của 5 nước cùng hợp tác trong một dự án, và có vài trường hợp nghiên cứu vật lý có hơn 100 quốc gia tham gia (kể cả Việt Nam). 10 quốc gia Việt Nam hợp tác nhiều nhất là Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Pháp, Anh, Australia, Đức, Trung Quốc, Hà Lan và Thái Lan.

Hầu hết lĩnh vực nghiên cứu, bài báo có "yếu tố quốc tế" đều có chỉ số trích dẫn cao hơn bài báo thuần Việt. Chẳng hạn lĩnh vực y học lâm sàng, chỉ số trích dẫn của các bài báo thuần Việt là 7,74, nhưng bài báo có hợp tác quốc tế có chỉ số trích dẫn cao hơn ba lần. Ở toán học, bài báo có hợp tác quốc tế chỉ số trích dẫn cao gấp 2,4 lần so với bài báo thuần Việt. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, các bài báo có hợp tác quốc tế (chiếm 68% tổng số) có chỉ số trích dẫn gấp 4,5 lần.

Hình 1: Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học của Việt Nam trong thời gian 2001 - 2015. Đường nối càng dày thể hiện số bài báo khoa học với tác giả của hai nước càng cao. Mạng lưới phần trên của hình cho thấy Việt Nam chủ yếu hợp tác nghiên cứu khoa học với các nước phương Tây.

Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học của Việt Nam 2001-2015. Đường nối càng dày thể hiện số bài báo khoa học với tác giả của hai nước càng cao. Mạng lưới phần trên của hình cho thấy Việt Nam chủ yếu hợp tác nghiên cứu khoa học với các nước phương Tây.

Dù hợp tác quốc tế giúp tăng chất lượng nghiên cứu, nhưng lại trả cái giá về tự chủ. Các chuyên gia quản lý khoa học thường xem tỷ lệ hợp tác 80% hay cao hơn là "lệ thuộc". Nếu dùng tiêu chuẩn này thì đa số nghiên cứu của Việt Nam đều bị xem là đang ở tình trạng lệ thuộc.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales, Australia

Theo VnExpress.net