Xã hội

600 trí thức trẻ làm Phó chủ tịch xã: Không phải để "tráng men”

 Ngày 29.8, Bộ Nội vụ sẽ tổng kết dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ tăng cường về 64 huyện nghèo trên cả nước. “Trong số 580 trí thức trẻ về nhận công tác, chúng tôi thấy không có em nào có tư tưởng kiểu tráng men”, ông Vũ Đăng Minh - Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Giám đốc dự án 600 trí thức trẻ (Bộ Nội vụ) khẳng định.

 Ngày 29.8, Bộ Nội vụ sẽ tổng kết dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ tăng cường về 64 huyện nghèo trên cả nước. “Trong số 580 trí thức trẻ về nhận công tác, chúng tôi thấy không có em nào có tư tưởng kiểu tráng men”, ông Vũ Đăng Minh - Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Giám đốc dự án 600 trí thức trẻ (Bộ Nội vụ) khẳng định.

Thưa ông, đến nay có thể đánh giá sơ bộ thế nào về dự án trên?

- Đánh giá dự án phải đánh giá theo mục tiêu, theo Quyết định 170/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì dự án có 3 mục tiêu. Thứ nhất tuyển chọn các bạn trí thức trẻ về giúp cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương phát triển kinh tế -xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu thứ hai, thông qua các hoạt động chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội, cấp ủy, chính quyền mới tiến hành theo dõi, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, rồi quy hoạch, bổ nhiệm ứng viên vào các chức danh lãnh đạo, quản lý, tạo nguồn nhân lực lâu dài cho cơ sở.

600 tri thuc tre lam pho chu tich xa: khong phai de

Anh Đinh Thế Anh (phải) - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, một trong những trí thức trẻ về huyện nghèo. Ảnh: X.T

Trong số những em đội viên thì gần như tất cả đều là con em nông dân nghèo nên khi thi tuyển các em rất cố gắng. Có trường hợp chỉ thiếu nửa điểm không đạt đã rất buồn. Có trường hợp thi tuyển ở địa phương này không đạt, tiếp tục sang địa phương khác để đăng ký thi tuyển đến lần thứ ba mới đạt. Chúng tôi thấy các em đều thể hiện được năng lực”. 

Ông Vũ Đăng Minh

Mục tiêu thứ ba, thông qua hoạt động của dự án để đánh giá một cách thực chất việc tung các trí thức trẻ về địa phương, ngay lập tức giữ cương vị lãnh đạo quản lý như vậy có phù hợp hay không. Từ đó mới đề xuất với các có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách để thu hút trí thức trẻ về làm việc ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc, miền núi, bãi ngang, hải đảo. Đến thời điểm này chúng tôi thông báo rằng dự án thí điểm đã thành công.

Tính đến đầu năm 2017, số hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm 22,84%, hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm 74,15%, số hoàn thành nhiệm vụ chiếm 2,8%, số không hoàn thành nhiệm vụ chỉ có một người, chiếm 0,2%, có một trường hợp bị xử lý kỷ luật. Tóm lại có 96,99% số đội viên của dự án được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá từ hoàn thành đến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Với kết quả như vậy, việc quy hoạch, bố trí sử dụng số đội viên này thế nào khi dự án kết thúc thưa ông?

- Hiện nay cơ bản hầu hết các đội viên đã được kết nạp Đảng, có một số em đang chờ kết nạp tiếp. Thứ hai, hầu hết các em đều được quy hoạch, bố trí vào các chức danh lãnh đạo. Còn kế hoạch có được bố trí sử dụng hay không còn phụ thuộc vào nhiều thứ như có biên chế, có vị trí trống. Tuy nhiên việc được quy hoạch là thể hiện việc các em đó đã được địa phương quan tâm.

Khi tuyển chọn vào chúng tôi chỉ lấy 580 em, vì có 20 xã đã có 2 phó chủ tịch xã rồi nên không bố trí nữa. Chính vì thế dự án chỉ bố trí cho 580 xã tương ứng với 580 đội viên. Tính đến đầu năm 2017, còn 565 em, vì có 15 em với những lý do khác nhau đã rút khỏi dự án. Trong số 565 em có 66 em đã chuyển công tác khác, nghĩa là đầu vào các em thuộc dự án nhưng trong quá trình làm việc các em có thể phát triển lên chúng tôi tạo điều kiện, ví dụ như chuyển lên huyện làm công tác chuyên môn.

Trong số 499 em hiện đang hưởng lương của dự án đều được các địa phương đánh giá làm tốt nhiệm vụ và mong muốn được bố trí sử dụng. Có thể họ sẽ làm công chức ở xã, có thể tiếp tục làm phó chủ tịch xã nếu có suất. 

Không tăng thêm biên chế

600 tri thuc tre lam pho chu tich xa: khong phai de
 

Thưa ông, thời gian vừa qua có phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu lợi dụng dự án đêrể chuyển công tác lên thành thị?

- Trong số 580 đội viên nhận công tác qua theo dõi chúng tôi thấy không có em nào có tư tưởng kiểu “tráng men”, để sau khi trở thành công chức chuyển về nơi thuận tiện công tác. Chúng tôi khẳng định khi các em đến công tác ở những nơi vùng sâu, vùng xa, nhiều khó khăn như vậy, để hoàn thành nhiệm vụ đó là năng lực thực sự.

Tuy nhiên cũng có trường hợp dù đã qua thi tuyển nhưng chỉ làm chuyên môn được thôi chứ không có tố chất làm lãnh đạo. Có em cũng nói thẳng, làm phó chủ tịch xã thấy hơi non, giá mà cho em làm chuyên môn khoảng 2 năm để có thời gian tích lũy thêm kinh nghiệm rồi làm sẽ tốt hơn. Nhưng cơ bản các em rất cố gắng để hoàn thành chức trách phó chủ tịch xã, như vậy cũng là thành công.

Khi dự án kết thúc, nếu tuyển số đội viên vào các vị trí trong chính quyền, liệu có tăng thêm biên chế cho địa phương, đi ngược lại chủ trương tinh giản biên chế, thưa ông?

- Trong quá trình thực hiện dự án 600 phó chủ tịch xã, có cái vướng là Luật Tổ chức chính quyền địa phương ra đời. Luật này quy định, những xã loại 2, loại 3 chỉ có duy nhất 1 phó chủ tịch xã, những nơi các em đang công tác đây có 2 phó chủ tịch xã, để giải quyết việc này phải xin ý kiến Bộ Chính trị.

Vấn đề thứ hai là phương án bố trí những đội viên này sau khi kết thúc dự án, để các em đi đâu, về đâu, chúng tôi trình Bộ Chính trị 3 giải pháp. Thứ nhất, những địa phương nào còn biên chế thì ưu tiên bố trí, hiện nay các địa phương còn biên chế thì đã ưu tiên hết. Thứ hai khi tinh giản biên chế ra 2 vào 1 (ra 2 người chỉ tuyển 1 người) thì ưu tiên số đội viên này. Nếu thực hiện cả hai giải pháp trên mà không bố trí được hết thì báo cáo Bộ Nội vụ để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung. Chỗ bổ sung ở đây cần được hiểu là không trái mà đúng với tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và tái cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Tăng số biên chế về những nơi như vậy là một bước để chúng tôi lựa chọn đưa những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh cán bộ công chức xã để từng bước thay thế những người không đủ tiêu chuẩn. Ví dụ, tiêu chuẩn phó chủ tịch xã phải có bằng đại học, các bác Phó chủ tịch xã có tuổi hiện nay không đủ điều kiện đó thì các em sẽ vào vị trí này, khi các bác đó nghỉ, địa phương sẽ không tuyển thêm, như vậy không tăng biên chế.

Theo ông, việc lựa chọn cán bộ như dự án 600 phó chủ tịch xã có những điểm gì khác so với việc tuyển chọn cán bộ thông thường và có nên tiếp tục mở rộng dự án?

- Tôi khẳng định việc tuyển chọn cán bộ của dự án là rất khách quan, rất công bằng, tạo cơ hội cho những người thực sự không có mối quan hệ hay điều kiện để xin việc. Các em đến nộp đơn thi tuyển một cách công khai minh bạch. Khi tuyển chúng tôi căn cứ vào học bạ, rồi trực tiếp phỏng vấn nếu đạt tiêu chuẩn thì được chọn. Khi thi tuyển cán bộ chúng ta có cuộc thi sát hạch kiểu như đã nói ở trên, rồi thử thách ở nơi khó khăn thì sẽ tuyển được người có năng lực thực sự.

Đến nay dự án đã kết thúc, quan điểm của tôi cần phải mở rộng, tuy nhiên cách làm phải khác, làm sao hài hòa để kế thừa được những kết quả trước, đồng thời có tư tưởng mới. Nghĩa là khi tuyển các em vào làm sao có giai đoạn thử thách rèn luyện sau đó đưa vào các vị trí lãnh đạo thì các em sẽ trững trạc, trưởng thành hơn.

Xin cảm ơn ông!

Theo L.Kết (Dân Việt)