Xã hội

4 cơ quan quản lý, đất công vẫn 'chảy máu'

Tình trạng lãng phí đất công, “xẻ thịt” để trục lợi nhà đất công đang diễn ra tràn lan tại TPHCM. Thống kê chưa đầy đủ tại thành phố này cho thấy có hơn 13.000 địa chỉ nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước và chúng được quản lý bởi 4 cơ quan trên địa bàn thành phố.

4 cơ quan quản lý, đất công vẫn 'chảy máu'
Ảnh minh họa: Internet

Đó là Trung tâm Phát triển quỹ đất TPHCM chuyên quản lý quỹ đất sạch, Công ty Quản lý nhà TPHCM chuyên quản lý biệt thự, công sở, trong khi Công ty dịch vụ công ích của các quận, huyện quản lý nhà, nhà phố, nhà đơn lẻ... và các cơ quan trung ương quản lý gồm các doanh nghiệp, bộ, ngành trung ương.  Với quỹ đất sạch, Trung tâm Phát triển quỹ đất phải đấu giá để thu tiền triển khai các dự án của thành phố, đồng thời phục vụ các dự án BT. Các công ty dịch vụ công ích quận, huyện đang quản lý hơn 1.000 căn nhà…

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, cho rằng, đang trong quá trình kiểm tra, rà soát để xử lý đất công tại các quận, huyện. Theo ông Thắng, trong giai đoạn 2010-2015 đã thu hồi 576 dự án được chấp thuận chủ trương nhưng chậm triển khai. Hiện đang tiếp tục rà soát ở giai đoạn năm 2016-2020 với 1.283 dự án, trong đó có khoảng 280 dự án có dấu hiệu chậm tiến độ.

Theo báo cáo của Sở TN&MT TPHCM hiện có 746 khu đất chưa có pháp lý để sử dụng đất và được giao cho các cơ quan nhà nước quản lý. Ngoài ra, còn có 224 khu đất công do các đơn vị sử dụng đất khác đang quản lý sử dụng cũng chưa có pháp lý sử dụng đất, trong đó nhiều khu đang bị sử dụng sai mục đích hoặc bỏ hoang gây lãng phí, nhiều nơi bị người dân chiếm giữ đất trái phép.

Một chuyên gia về tài sản công cho rằng, sau đợt kiểm tra mới đây từ Thanh tra Thành phố và HĐND TPHCM về tình trạng quản lý nhà đất, công sản cho thấy “đụng đâu sai đó”. Theo người này, với quỹ nhà, đất có nguồn gốc công sản, giá đất thuê rẻ hơn so với giá thị trường, trở thành động cơ để các doanh nghiệp Nhà nước cho thuê lại đất nhằm hưởng chênh lệch giá. “Nhiều đơn vị khác nhau được giao quản lý đất dẫn đến chồng chéo, thiếu chặt chẽ trong khi các văn bản pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ khiến hạn chế việc xử lý sai phạm”, vị chuyên gia nói.

Đề xuất giải pháp

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng, với những khu đất công sử dụng sai mục đích, gây lãng phí thì kiên quyết thu hồi, đưa ra đấu giá để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư các dự án ở khu vực đó để khai thác, sử dụng hiệu quả khu đất.

Ông Cao Thanh Bình, Phó ban Kinh tế ngân sách - HĐND TPHCM, cho rằng, hầu hết các khu nhà, đất công vẫn sử dụng bảng giá cho thuê nhà của 20 năm trước nhưng không ban hành quy định về giá thuê mới. Để quản lý tránh lãng phí tài sản công, thành phố cần phải nhanh chóng rà soát, thống kê đầy đủ các địa chỉ nhà, đất công trên địa bàn và nhanh chóng xác lập hồ sơ nhà, đất công. Sau khi rà soát xong, cần đánh giá, phân tích để có phương án khai thác, sử dụng hiệu quả nhất, đồng thời ban hành giá cho thuê mới sát với thị trường để tránh thất thoát ngân sách.

Theo Nhóm PV (Tiền Phong)