Xã hội

14 triệu đô “dễ” thành phế liệu: Nhiều sai phạm cần được làm rõ

Không chỉ vi phạm Quyết định 2081 của Thủ tướng Chính phủ khi cố tình để Dự án điện lưới chồng lên Dự án điện pin mặt trời, mà đằng sau chủ trương này của Quảng Bình còn có nhiều sai phạm cần được làm rõ.

Không chỉ vi phạm Quyết định 2081 của Thủ tướng Chính phủ khi cố tình để Dự án điện lưới chồng lên Dự án điện pin mặt trời, mà đằng sau chủ trương này của Quảng Bình còn có nhiều sai phạm cần được làm rõ.
Theo đó, ngày 14/10/2014, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã ký Quyết định 2908, phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia với số vốn đầu tư 368 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, giao Sở Công Thương làm chủ đầu tư.
 

90 ha rừng đặc dụng Phong Nha - Kẻ Bàng được cho là bị xâm hại khi kéo điện lưới

Điều bất thường, một dự án lớn, thuộc nhóm B, trải rộng trên nhiều địa hình phức tạp, nhưng Quyết định phê duyệt đã không căn cứ vào một báo cáo tác động môi trường nào của cơ quan chức năng. Đặc biệt, dự án kéo điện lưới này có hơn 50km đi qua vùng lõi của rừng đặc dụng Phong Nha - Kẻ Bàng và Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng.

Việc “quên” đánh giá tác động môi trường ở một vùng nhạy cảm như Phong Nha - Kẻ Bàng trước khi ký phê duyệt dự án của ông Nguyễn Hữu Hoài đã vi phạm nghiêm trọng Nghị định 29, quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường.

Theo đó, trong bản Danh mục các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thì “Dự án có sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên; vườn quốc gia; khu di tích lịch sử - văn hóa; khu di sản thế giới; khu dự trữ sinh quyển; khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng” chỉ đứng thứ 2, sau “Các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội; thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ”. Và Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để quyết định đầu tư dự án.

Ngoài ra, kéo điện lưới đi qua Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ vi phạm Hiệp ước 1972 về bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới của UNESCO mà Việt Nam là một trong các thành viên tham gia. Quảng Bình đã ra một quyết định xâm hại đến di sản nhưng không tham khảo ý kiến của đại diện UNESCO tại Việt Nam.

Phải chăng việc bỏ qua báo cáo đánh giá tác động môi trường là nhằm tránh né vấn đề nhạy cảm khi xâm hại gần 90 ha rừng đặc dụng và di sản Phong Nha - Kẻ Bàng? Trả lời vấn đề này, ông Phan Văn Thường, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, Dự án kéo điện lưới trải rộng trên địa bàn toàn tỉnh, lại triển khai từ đây đến năm 2020, nên chỉ cần cam kết bảo vệ môi trường với các địa phương khi triển khai thi công là đủ (?).

Dư luận cũng thắc mắc khi chủ đầu tư dự án kéo điện lưới đã chia nhỏ phần khảo sát, thiết kế, lập dự án đầu tư với giá trị thực hiện 6,5 tỷ đồng thành 3 gói thầu để chỉ định cho 2 nhà thầu đảm trách. Các nhà thầu có năng lực đã rất bất bình khi không được tham gia dự án bằng đấu thầu một cách công khai minh bạch.
 
>> 14 triệu đô "dễ" thành phế liệu: Vi phạm quyết định của Thủ tướng?
 
Theo Hoàng Nam (Tiền Phong)