Xã hội

14 giờ ôm phao lênh đênh trên biển chờ ứng cứu

Phát hiện gas trong thân tàu bị rò rỉ, ông Khoa đến kiểm tra thì xảy ra vụ nổ. Ngư dân 45 tuổi may mắn giữ được mạng sống nhưng em ruột và con trai của ông đã ra đi vĩnh viễn.

Phát hiện gas trong thân tàu bị rò rỉ, ông Khoa đến kiểm tra thì xảy ra vụ nổ. Ngư dân 45 tuổi may mắn giữ được mạng sống nhưng em ruột và con trai của ông đã ra đi vĩnh viễn.


Khi ngành chức năng bàn giao thi thể 11 ngư dân xấu số cho người nhà, ngư dân Khoa được mời lên chia sẻ tâm tư nhưng ông không nói nên lời. Có những lúc ông toan đứng dậy để nói nhưng rồi lại cúi mặt xuống khóc nức nở.
 
Ngư dân Trần Văn Khoa (giữa) cùng 2 đồng nghiệp may mắn thoát nạn trong vụ nổ tàu cá.
Ảnh: Ngọc An.
 
Khi nỗi đau tạm lắng, ông mới kể lại diễn biến sự cố: “Rạng sáng 16/9, tôi nằm nghỉ ở khu vực gần mũi tàu thì phát hiện có mùi gas. Lúc tôi chuẩn bị vào trong kiểm tra thì tàu phát nổ. Tôi cùng Hoàng Văn Đoàn, Nguyễn Văn Diện, Huỳnh Vũ Linh bị sức ép vụ nổ hất rơi xuống biển. Tàu cá bị cháy và chìm trong đêm”.

Sau sự cố nổ tàu, ông cùng 4 thuyền viên may mắn bám được phao, bơi lênh đênh trên biển. Riêng ngư dân Huỳnh Vũ Linh bị bỏng nặng, kiệt sức nên hai người còn lại phải bám sát để Linh không bị chìm.
"Đến gần sáng, Linh đuối sức rồi chìm xuống biển, mất tích cho đến bây giờ”, ông kể.

Suốt hơn nửa ngày đói khát nhưng ông Khoa cùng 2 người còn lại vẫn cố bám phao với hy vọng sẽ được cứu. Sau 14 giờ lênh đênh trên biển, họ được một tàu đánh cá phát hiện.

Ngư dân 45 tuổi quê Sóc Trăng cho biết thêm, tàu cá gặp nạn lúc đang thực hiện hải trình về đất liền. Vị trí gặp nạn là vùng biển cách Côn Đảo 25 hải lý về phía Đông Bắc, cách TP Vũng Tàu 74 hải lý về phía Nam Tây Nam. Thời điểm tàu gặp nạn có 18 thuyền viên.
 
Ông Huỳnh Văn Tới (quê Sóc Trăng) đến nhận thi thể em trai Huỳnh Văn Đây tại bến tàu Trung tâm III. Ảnh: Ngọc An.
 
Sau 4 ngày tìm kiếm, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể 11 ngư dân, 4 người khác vẫn mất tích.

Có mặt tại bến tàu Trung tâm III (TP Vũng Tàu), ông Huỳnh Văn Tới (ngụ huyện Trần Đề, Sóc Trăng) không cầm được nước mắt khi hay tin em trai không nằm trong danh sách ngư dân được cứu.

Ông cho biết, người em là Huỳnh Văn Đây có hoàn cảnh khó khăn nên xin lên tàu cá BV 97799 TS làm thuê. Mỗi chuyến đi biển của Đây kéo dài 2 tháng.

“Nó bảo nghề đi biển nhiều rủi ro nhưng vì cuộc sống nên phải chấp nhận, đến chuyến thứ 2 thì xảy ra tai nạn. Nó ra đi, để lại 4 người con, gia cảnh vốn đã khó khăn nay lại trở nên bi đát”, ông Tới buồn bã.
 
Lực lượng chức năng đưa thi thể nạn nhân vụ nổ tàu cá BV 97799 TS lên bờ. Ảnh: Ngọc An
 
Bà Phạm Thị Ngọc (ngụ phường 2, TP Vũng Tàu), chủ tàu cá BV 97799 TS cho biết, khi xảy ra sự cố, bà đã phối hợp cùng lực lượng chức năng xác định tọa độ con tàu, tổ chức tìm kiếm. Trong số 18 thuyền viên trên tàu gặp nạn, nhiều người là nhân công làm việc lâu năm.

“Từ lúc xảy ra tai nạn, tôi không tài nào chợp mắt. Hiện, tôi cùng gia đình các thuyền viên tổ chức khâm liệm, mai táng. Các thuyền viên đều có bảo hiểm và việc bồi thường sẽ được giải quyết trong thời gian tới", bà Ngọc chia sẻ.

Tại buổi lễ bàn giao thi thể 11 ngư dân tử nạn, ông Phạm Hiểm, Giám đốc trung tâm III cho biết, lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm 4 ngư dân mất tích. “Chúng tôi mong 4 ngư dân còn lại đang sống sót, được tàu nào đó cứu”, ông Hiểm nuôi hy vọng.

Trong ngày 19/9, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam có mặt tại bến tàu Trung tâm III để chỉ đạo công tác bàn giao thi thể ngư dân. Ông cũng thăm hỏi, động viên và gửi lời chia buồn đến thân nhân những ngư dân xấu số.
 
>> Thi thể 11 ngư dân tàu cá bị nổ được đưa về đất liền
>> Khóc ngất đón nhận 11 thi thể ngư dân trong vụ chìm tàu

Theo Ngọc An (Zing.vn)