Xã hội

10 năm cả nước chỉ có 10 cán bộ nhận quà biếu bị xử lý

Cả nước có 879 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị trên 3,3 tỷ đồng và chỉ có 10 người vi phạm bị phát hiện, xử lý.

 
Cả nước có 879 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị trên 3,3 tỷ đồng và chỉ có 10 người vi phạm bị phát hiện, xử lý.
10-nam-qua-ca-nuoc-chi-co-10-can-bo-nhan-qua-bieu-bi-xu-ly

Ông Phan Văn Sáu, Tổng Thanh Tra Chính phủ. Ảnh: Bá Đô

Theo Tổng thanh tra, 10 năm qua công tác điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng có nhiều tiến bộ. Cả nước đã khởi tố trên 2.500 vụ án tham nhũng với 5.447 bị can, truy tố gần 3.000 vụ, 7.000 bị can; xét xử trên 5.800 bị cáo. 

Tỷ lệ kê khai tài sản ngày càng cao, nhưng từ năm 2007 đến nay việc kê khai nặng về hình thức, mới kê chứ chưa kiểm tra xác minh về tài chính. Qua 10 năm mới xác minh được trên 4.800 trường hợp, phát hiện xử lý 17 người kê khai tài sản không trung thực. Ngoài ra, còn 17 người bị kỷ luật do vi phạm quy định về tổ chức kê khai tài sản thu nhập.

Đánh giá về việc nộp lại quà tặng của các bộ ngành, địa phương, Tổng Thanh tra cho biết từ năm 2006 đến 2015, có 879 cán bộ công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị 3,3 tỷ đồng, có 10 trường hợp vi phạm được phát hiện, xử lý.

"Con số này chưa phản ánh đúng thực trạng, cho thấy việc thực hiện còn chưa nghiêm, hiệu quả thấp và trên thực tế rất khó kiểm soát do phụ thuộc vào tính tự giác, đạo đức của cán bộ, công chức", Tổng Thanh tra nói và kiến nghị có chế tài xử lý việc nhận, biếu quà tặng và thể chế hoá bằng pháp luật.

Thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp

Theo báo cáo, 10 năm qua thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng gây ra 59.750 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD) và 400 ha đất. Nhưng số tiền thu hồi được chỉ là 4.676 tỷ đồng (chiếm 7,8%) và trên 219 ha đất (trên 50%). Việc thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp được các đại biểu chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó có việc điều tra án tham nhũng rất phức tạp. Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản…

Phân tích những hạn chế liên quan đến việc phát hiện và xử lý tham nhũng, Tổng thanh tra Chính phủ cho rằng, hiện số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng còn ít so với vụ việc được phát hiện. Nguyên nhân là còn có sự bao che, thiếu kiên quyết, nể nang trong xử lý.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Công An thì cho rằng tham nhũng là loại tội phạm có chủ thể đặc biệt, đó là những người có chức vụ, quyền hạn, trình độ chuyên môn nhất định, có thủ đoạn che giấu tinh vi và luôn tìm cách che đậy, gây khó khăn ngay từ công tác phát hiện điều tra, thu hồi tài sản.

Ngoài ra, theo tướng Vương, hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa mang lại hiệu quả cao. Việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức chỉ dựa vào ý thức tự giác, chưa có cơ chế kiểm soát được tài sản thu nhập, hoặc xác định tính trung thực của việc kê khai, dẫn đến khó khăn trong việc xác định tài sản tham nhũng và chứng minh hành vi tham nhũng.

10-nam-qua-ca-nuoc-chi-co-10-can-bo-nhan-qua-bieu-bi-xu-ly-1

Phó thủ tướng Trương Hoà Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bá Đô

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Nhà nước, lĩnh vực tín dụng ngân hàng, công tác tổ chức cán bộ..., gây ra những hậu quả xấu trên nhiều mặt, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng và chế độ.

Theo Phó thủ tướng, hiện một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong đó có những người được giao chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các cấp có biểu hiện suy thoái đạo đức, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chạy theo tiền tài, địa vị, tham nhũng, lãng phí. Có người lợi dụng những dịp lễ Tết để quà cáp, biếu xén cho lãnh đạo, cấp trên hòng mua chuộc.

"Những việc này cần ngăn chặn ngay", Phó thủ tướng chỉ đạo.

Năm 2007, Thủ tướng ra quyết định 64 về quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước. Theo đó, các cơ quan, đơn vị và cá nhân chỉ được sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước hoặc nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để làm quà tặng trong những trường hợp mà chế độ nhà nước cho phép.

Nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức nhận quà tặng, nhận thay người khác hoặc nhận qua các cơ quan, đơn vị, cá nhân khác. Cơ quan, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định phải giao lại cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan để xử lý theo quy định.

Theo Bá Đô (VnExpress.net)