Video

Rộn ràng gói bánh chưng trước thời khắc bước sang năm mới

Trước thời khắc chuyển giao năm cũ và đón xuân Ất Mùi, nhà sư trụ trì một ngôi chùa ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cùng các Phật tử chung tay gói bánh chưng rồi phát cho mọi người.

Trước thời khắc chuyển giao năm cũ và đón xuân Ất Mùi, nhà sư trụ trì một ngôi chùa ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cùng các Phật tử chung tay gói bánh chưng rồi phát cho mọi người.

Nhiều gia đình ở Hà Nội bắt đầu gói bánh chưng ăn Tết mấy ngày qua. 

 

Đã nhiều năm, sư cụ trụ trì chùa Đại Phúc (Ngọc Trục, Đại Mỗ, Nam Từ Liêm) vẫn giữ thói quen tự tay làm bánh chưng. Nhiều Phật tử nhớ Tết xưa cũng xin phép được giúp một tay.

 

Khung cảnh ở chùa với sân gạch, trải chiếu đậm chất làng quê Bắc Bộ khiến cho không khí Tết càng đậm đà.

 

Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Những người sống tại các thành phố lớn hiện nay thường mua hoặc đặt hàng mà không tự tay gói, luộc như ở nông thôn.

 

Chị Hằng (người ở quận Tây Hồ) tâm sự, mục đích gói không hẳn là để ăn mà là để thưởng thức cái không khí tất bật, rộn ràng và được ngồi trông nồi bánh đang chờ chín. 'Tôi luôn nhớ và thích cảm giác phấn chấn và thiêng liêng khi tự tay đặt tấm bánh chưng xanh lên ban thờ cúng Phật, cúng gia tiên đêm giao thừa', chị nói.

 

Tại chùa Đại Phúc, do phải ăn chay nên bánh chỉ có đỗ xanh và gạo nếp, không thịt nhưng vẫn hấp dẫn mọi người. Ai nấy đều hào hứng được tự tay nặn và gói rồi tự hào về sản phẩm mình vừa làm.

 

Chị Hằng cho biết, dù công việc cuối năm bận rộn nhưng gia đình vẫn tổ chức cho các cháu về đây gói bánh. 'Những lúc này mình mới cảm nhận thấy rõ nhất không khí ngày Tết', chị tâm sự.

 

Mọi người ở đây không dùng khuôn, mà gói bằng tay, chấp nhận cả việc nó có méo mó hay vuông vắn cũng không sao, miễn là chất lượng bên trong, đảm bảo ăn ngon.

 

Các em nhỏ được người lớn gói riêng cho một chiếc loại nhỡ, khi vớt ra bé sẽ được thưởng thức ngay.

 

Cụ Trần Thị Gái (82 tuổi) đã có thâm niên gói bánh chưng nên sản phẩm của cụ rất đẹp, chắc và vuông vức. “Ở nhà con cháu đều đã mua bánh bán sẵn, nhưng tôi vẫn cố gắng ra đây để được tham gia gói bánh cùng mọi người, vừa gói bánh vừa nhắc tới những kỷ niệm về Tết xưa vui đáo để", cụ trải lòng.

 

Bếp và nồi bánh bắt đầu được đốt lên sáng 29 tháng chạp. Dự kiến tối và sáng 30 Tết sẽ lần lượt vớt mà mang thắp hương, rồi chia cho các Phật tử, người nghèo.

 

Bánh lần lượt được xếp vào thùng nèn thật chặt để đảm bảo độ chắc.

 

Các em nhỏ lạ lẫm, còn chưa hiểu ý nghĩa của bánh chưng là gì.



Theo Chí Toàn (Zing.vn)