Video

Những cây cầu "tử thần" ở... Hà Nội

Hãi hùng, đáng sợ, nguy hiểm… đó là những từ mà chúng tôi cảm nhận được khi đi bộ (chưa nói ngồi trên xe) khi qua một số cây cầu dân sinh trên sông Đáy - địa bàn Hà Nội.

Hãi hùng, đáng sợ, nguy hiểm… đó là những từ mà chúng tôi cảm nhận được khi đi bộ (chưa nói ngồi trên xe) khi qua một số cây cầu dân sinh trên sông Đáy - địa bàn Hà Nội. Người dân vẫn phải nộp 3.000đ cho xe máy, 2.000đ với xe đạp để nhận lấy một lượt qua cầu đầy hiểm nguy, bất trắc.
Chúng tôi đã chứng kiến nhiều người phải rón rén bước từng bước đi bộ, hoặc nín thở, khó nhọc dắt chiếc xe qua cầu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số cây cầu dân sinh qua sông Đáy trên địa phận huyện Mỹ Đức, Thanh Oai (Hà Nội) đã có tuổi đời 30, 40 năm, thậm chí hơn thế.
 
 Những cây cầu này chủ yếu là loại cầu phao hoặc cầu sắt được thiết kế hết sức tạm bợ với vài ván gỗ, thanh sắt cùng mấy cái thuyền đỡ bên dưới. Trải qua năm tháng cầu đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Dù nhân dân địa phương đã nhiều lần trùng tu nhưng tình cảnh các cây cầu gần như không thay đổi. Dù biết nguy hiểm, thật chí đã có người thiệt mạng, nhưng vì cái tiện chỉ phải đi 50-60m thay vì đi vòng cả chục cây số, nên người dân vẫn bất chấp tất cả qua cầu. Ngày ngày, các cây cầu tử thần này vẫn phải oằn mình chống đỡ cho những lượt người, xe qua lại.
 
 Mùa mưa bão đang đến gần, những cây cầu này càng trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Người dân đôi bờ cũng chẳng biết đến bao giờ sẽ không còn cảm giác đi hết cầu mới dám… thở phào nhẹ nhõm!
 
Nhiều miếng sắt mặt cầu mất, các ván gỗ đã mục, bập bênh… nên bà Mai (trong ảnh) phải rất vất vả dắt chiếc xe đạp đi qua.
 
Cây cầu phao ở làng Hà Xá, Đại Hưng (Mỹ Đức) còn có bộ mặt tồi tàn hơn rất nhiều. Ván gỗ, tre đã mục mọt. Người phụ nữ này đã phải rón rén bước qua những đoạn cầu nguy hiểm.
 
 
Một người đánh cá ven sông nửa đùa, nửa thật “Cầu này dành cho ai dũng cảm và các tay lái siêu lụa đi qua”.
 
 
Người ta đã buộc thêm dây thừng để níu kéo cây cầu, nhưng quá nửa số sợi dây ấy đã bị… đứt.
 
 
Nơi thu vé cầu Phù Lưu Tế cũng vô cùng tạm bợ với biển nội quy không thể đọc nổi.
 
 

Nhưng cầu phao ở xã Phù Lưu Tế (Mỹ Đức) mới là tột đỉnh của nỗi sợ hãi, nguy hiểm. Nhiều tấm ván gỗ mặt cầu đã bị gãy cụt, cong vênh và lan can thì mất sạch.

 
 
Bà Phạm Thị Hoàn (sống gần cầu) vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại 2 vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của 2 người đàn ông tên Tứ và Hà ở huyện Ứng Hòa. “Người ta mới làm thêm vài thanh lan can sau khi tai nạn xảy ra” - bà cho biết.
 
 
Tấm biển nhắc nhở ở một đầu cầu chẳng có ý nghĩa gì, bởi hầu hết người dân không chịu xuống xe, nhất là khi trời nắng.
 

Cây cầu phao ở làng Hà Xá, Đại Hưng, Mỹ Đức còn có bộ mặt tồi tàn hơn rất nhiều.

 
>> Hà Nội: "Bẫy" nguy hiểm với bất kỳ ô tô nào đi qua
>> Hà Nội: Hãi hùng cảnh "đu" lan can cầu Nhật Tân hóng gió
>> Sống ở Hà Nội, cần phải biết những nguy hiểm chết người này!
 
Theo Tùng Hải (Lao Động)