Sao 360°

Nhạc sĩ Miên Đức Thắng và 'Âm nhạc trị liệu'

Sáng ngày 18/9, tại Đệ nhất Khách sạn (TP.HCM), nhạc sĩ Miên Đức Thắng đã có buổi giao lưu - giới thiệu công trình nghiên cứu “Âm nhạc trị liệu” lần thứ 3 của ông.

Phải nói ngay rằng, việc sử dụng âm nhạc như một liệu pháp chữa bệnh, dù khá lạ lẫm nhưng không còn mới mẻ ở Việt Nam. Trước đây khoảng 10 năm, bác sĩ Nguyễn Văn Thọ - nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đồng Nai cũng đã đưa âm nhạc vào phác đồ chữa bệnh cho những bệnh nhân thần kinh (điên).

Nhạc sĩ Miên Đức Thắng và 'Âm nhạc trị liệu'
Nhạc sĩ Miên Đức Thắng chào mừng quan khách.

Cũng trong giai đoạn đó, bác sĩ Viện trưởng Viện Y học Dân tộc TP.HCM Trương Thìn (ông đồng thời là họa sĩ, nhạc sĩ và là bạn thân với nhạc sĩ - họa sĩ Miên Đức Thắng) cũng đã ứng dụng phương pháp chữa bệnh bằng âm nhạc cho các bệnh nhân đang điều trị tại Viện Y học Dân tộc TP.HCM (trợ lý đắc lực cho BS Trương Thìn là bác sĩ - ca sĩ Lê Hành). Cho nên, việc nhạc sĩ - họa sĩ Miên Đức Thắng “làm nóng” lại đề tài này không gây ngạc nhiên cho những ai từng theo dõi. Điều cần thiết xem phương pháp của nhạc sĩ Miên Đức Thắng liệu có thật sự thuyết phục được giới y học và công chúng?

Người viết từng nghe danh nhạc sĩ Miên Đức Thắng từ trước năm 1975. Dạo đó ông hoạt động trong phong trào “Du ca”, cho nên những ca khúc của ông không là tình khúc viết về tình yêu lứa đôi mà viết về quê hương, thân phận con người trong cuộc chiến, lên án chiến tranh (thường gọi là “nhạc phản chiến”)… Một trong những bài hát nổi tiếng của ông là “Hát từ đồng hoang” (sáng tác năm 1966): “Từ ruộng đồng hoang vu hôm nay, ta cùng hát với nhau lời này, dù ngàn đời gian nan lo âu nhưng cuộc sống vẫn mang niềm vui. Từ nhọc nhằn trên hai tay khô, xin hãy gắng gắng lên từng giờ, dù ruộng đồng hoang vu, ta cũng tiến bước cho ngày mai…”. Năm 1970, chỉ vì ra mắt tuyển tập “Hát từ đồng hoang” gồm 10 bài nhạc phản chiến mà Miên Đức Thắng bị chính quyền Sài Gòn kết án 5 năm khổ sai… Sau 1975, thoát khỏi ngục tù, ông sang Đức định cư và bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực hội họa.

Người viết chơi thân với nhạc sĩ Miên Đức Thắng từ khi ông về nước khoảng hơn 10 năm nay. Nhiều lần được ông mời về tư gia của ông nằm trên đường Lý Tự Trọng (Q.1-TP.HCM) xem tranh ông vẽ, cũng rất nhiều lần được nghe ông hát, giọng ông thật đẹp và mượt mà (trước năm 1975 ông từng là ca sĩ)… Tuy vậy, đây là lần đầu tiên người viết được biết ông đang triển khai phương pháp “Âm nhạc trị liệu” nên rất háo hức đến tham dự, thử xem cách trị liệu của ông có gì khác với những vị kể trên (mà người viết đã từng gặp gỡ, viết bài).

Có đến dự mới biết mình đã rất lạc hậu, bởi theo lời giới thiệu thì nhạc sĩ Miên Đức Thắng đã theo đuổi, nghiên cứu việc ứng dụng âm nhạc vào quá trình điều trị cho bệnh nhân từ hồi ông còn bôn ba ở hải ngoại. Song song với nghiên cứu điều trị là sáng tác ca khúc mới để làm chất liệu điều trị. Đến nay ông đã sáng tác được hơn 100 ca khúc. Ông tâm niệm rằng phải cố gắng hoàn thiện việc nghiên cứu để về lại quê hương “Dùng chính âm nhạc của người Việt để điều trị cho người Việt”… Và từ ngày ông về nước đến nay, công trình của ông đã được sự chú ý của nhiều người, ban ngành. Đáng chú ý là nó đã thuyết phục được lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM và sở đã đồng ý để nhạc sĩ Miên Đức Thắng thuyết trình và tập huấn cho khoảng 500 người là các y, bác sĩ và các em sinh viên của Đại học Y Dược TP.HCM vào ngày 25/6/2016.

Ở buổi giao lưu - giới thiệu “Âm nhạc trị liệu” vào sáng 18/9 (đây là lần thứ 3 tổ chức giới thiệu công trình này), nhạc sĩ Miên Đức Thắng đã trình bày khá chi tiết và khoa học phác đồ điều trị như: Nhạc sóng não - theo đó não bộ con người là nơi tập trung nhiều tế bào nhất (từ 60-100 tỷ tế bào). Hệ thần kinh hoạt động phát sinh ra sóng não, được chia thành 5 loại sóng: Beta, Alpha, Theta, Delta và Gamma.

Nhạc sĩ Miên Đức Thắng và 'Âm nhạc trị liệu' - 1
Nhạc sĩ Miên Đức Thắng hát “Dựng mùa Bát Nhã”.
Nhạc sĩ Miên Đức Thắng và 'Âm nhạc trị liệu' - 2
Nhạc sĩ Miên Đức Thắng và nhóm Saigon Music Therapy.

Kết hợp với âm nhạc thì:

- Sóng não Alpha (tần số từ 8-12Hz): Làm tăng khả năng sáng tạo, trí nhớ, óc tưởng tượng, sự tập trung, làm giảm stress… Những ca khúc thích hợp với mức sóng não này nên có tiết tấu nhẹ nhàng, êm ái (như “Một sáng con về”, “Hạt tình”, “Cõi mật tình em”…của Miên Đức Thắng).

- Sóng não Beta (từ 12-30Hz): Đây là mức độ tỉnh táo bình thường của con người. Tuy nhiên, khi ở quá lâu trong trạng thái này, con người dễ bị căng thẳng, bồn chồn và bất an. Chính vì thế mà tỷ lệ stress ngày càng cao. Những bài hát của Miên Đức Thắng như: “Trùng tu giọt lệ”, Thực phẩm mưa”, “Em ơi buồn xanh tội”… sẽ khai thông được nỗi u uất của người bị trầm cảm hay stress.

- Sóng não Theta (từ 4-7Hz): Sóng não này xuất hiện khi cơ thể ở trạng thái thư giãn và thiền định, ngủ nông hay mơ tỉnh… Nơi mà tâm trí có khả năng hiểu biết sâu sắc, trực giác phát triển, thể chất và tinh thần hòa làm một. Thiền hay Yoga có thể mang lại cảm giác thư thái và bắt đầu tạo ra sóng Theta. Những bài hát buồn bã, da diết bi ai sẽ làm vơi đi sự giận dữ, sự cuồng nộ trong tâm…

- Sóng Gamma (25-50Hz): Đây là sóng não có tần số cao nhất. Âm nhạc sôi động mang tiết tấu vui tươi, ca từ hân hoan sẽ tích cực kích thích não phát ra sóng Gamma. Ở trạng thái này người ta có thể trải nghiệm một loạt cảm xúc gia tăng, cái nhìn sâu sắc, xử lý thông tin ở mức cao. Sóng Gamma thường xuất hiện ở những thiên tài nghệ thuật, những cầu thủ ghi bàn thắng vàng, người trúng số độc đắc… Những bài hát của Miên Đức Thắng thích hợp với sóng não Gamma là: “Tim tôi mọc lên”, “Say bạn say tình”, “Hầu hạ hư không…

- Sóng não Delta (0,5-4Hz): Sóng Delta tuy có tần số thấp nhất nhưng lại có biên độ cao nhất. Sóng này xuất hiện khi con người ở trạng thái ngủ sâu, không mộng mị và hoàn toàn vô thức. Sóng Delta dùng để thôi miên, điển hình ở trẻ sơ sinh từ 0-24 tháng tuổi. Trong âm nhạc, để đạt được tần số này là những nốt lặng. Đó là sự yên bình, tĩnh tại trong tâm hồn mang đến nguồn sáng tạo và sức sống.

Ngoài liệu pháp “nhạc sóng não”, nhạc sĩ Miên Đức Thắng còn giới thiệu việc “Ứng dụng âm nhạc trị liệu vào Yoga và Thiền” và liệu pháp “Ứng dụng âm nhạc điều trị stress và mất ngủ”… Những ca khúc “liệu pháp” của ông được các thân hữu trong nhóm Saigon Music Therapy biểu diễn rất sinh động.

Chúng ta trông chờ những hiệu quả tốt đẹp từ công trình nghiên cứu và ứng dụng của nhạc sĩ Miên Đức Thắng, cũng như những phản hồi tích cực từ giới khoa học, y học… Nhưng trước hết, xin chúc mừng những thành công bước đầu của ông - một trong những nghệ sĩ tận tâm đem sự sáng tạo của mình để phục vụ sức khỏe cộng đồng một cách thiết thực.

Nhạc sĩ Miên Đức Thắng và 'Âm nhạc trị liệu' - 3
Nhạc sĩ Miên Đức Thắng hát cùng nhóm thân hữu.
Nhạc sĩ Miên Đức Thắng và 'Âm nhạc trị liệu' - 4
Khán phòng chật kín người tham dự.

Theo Hà Đình Nguyên (Nguoitieudung.com.vn)