Sao 360°

Bảo tồn di tích Hà Nội có độ phức tạp và khó khăn bậc nhất?

Tại hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội” do Sở VHTT Hà Nội phối hợp cùng Hội Lịch sử Khoa học Việt Nam tổ chức, với không ít các ý kiến tranh luận trong việc nên bảo tồn nguyên trạng di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội hay xóa bỏ một phần cái cũ để xây dựng cái mới?

Qua số liệu tổng kiểm kê, đánh giá phân loại di tích, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di tích (5.922) tính đến tháng 5-2015. Di tích của Hà Nội lại vô cùng phong phú, đa dạng và có vị trí đặc biệt trong hệ thống di tích của Việt Nam, bao gồm nhiều loại hình và có niên đại trải dài từ thời Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn… cho tới ngày nay. Do vậy, việc bảo tồn di tích, di sản vật thể của Hà Nội có độ phức tạp và khó khăn bậc nhất cả nước.

Theo TS. Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Thăng Long: “Câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển trong công tác quản lý văn hóa khó vô cùng và luôn nảy sinh những quan điểm mẫu thuẫn, trái chiều. Việc cần làm ở đây là tìm được tiếng nói thống nhất, có chung hướng đi giữa các nhà khoa học và các cơ quan quản lý để tránh “đẽo cày giữa đường”, tránh “nhắm mắt làm liều” đồng thời cũng tránh “nhắm mắt làm ngơ” mặc cho di sản xuống cấp đổ vỡ hoặc mai một mà biến mất”. 

Theo GS.TS Lưu Trần Tiêu, bảo tồn di tích lịch sử- văn hóa phải là bảo tồn nguyên trạng. Bên cạnh đó cần thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích cho người dân như tạo ra công ăn việc làm cho dân cư từ việc khai thác và sử dụng giá trị di sản trong du lịch. 

Trong khi đó, TS. Phạm Quang Nghị lại cho rằng, bảo tồn và phát triển là hai mặt thống nhất chứ không đối lập nhau. Bảo tồn có chọn lọc, với hình thức và phương pháp phù hợp, tương xứng với giá trị và điều kiện cụ thể, đáp ứng yêu cầu cần và có thể bảo tồn. Không thể dùng ý chí chủ quan, đòi hỏi sự bảo tồn cực đoan, bỏ qua yêu cầu phát triển. Từ xưa đến nay, không bao giờ có thứ bảo tồn nguyên trạng tất tần tật mọi thứ của quá khứ, ở mọi lúc, mọi nơi. Với Hà Nội, sự lệch lạc, coi nhẹ, thiên vị trong quan điểm, phương pháp xử lý, dù nghiêng quá về bên này hay bên kia đều gây nên những hậu quả đáng tiếc. 

Bảo tồn di tích Hà Nội có độ phức tạp và khó khăn bậc nhất?
Nên để cộng đồng cùng tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di tích​​​​

Minh chứng cho quan điểm này, TS.Phạm Quang Nghị đã lấy trường hợp Hà Nội chỉ giữ lại  một phần nhà tù Hỏa Lò làm chứng tích để giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, tố cáo chế độ thực dân xâm lược. Với TS. Nguyễn Viết Chức, ông cho rằng, cách hiểu khái niệm “bảo tồn nguyên gốc” nên được vận dụng linh hoạt trong thực tiễn, không được phép xa rời nguyên tắc bất di bất dịch: không làm biến mất, làm biến dạng giá trị di sản. Trong điều kiện có thể giữ được nguyên gốc cả yếu tố vật thể và phi vật thể thì phải giữ cho bằng được. Trong điều kiện bất khả kháng, cần tính đến phương án tối ưu hạn chế thấp nhất sự sai lệch so với nguyên gốc. 

Trong câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên cho rằng, để những chuyện đau lòng trong trùng tu di tích như đình Lương Xá, Ứng Hòa vừa qua, khi biến một ngôi đình 300 năm thành 1 ngày tuổi bằng việc đập đi xây mới, điều quan trọng nhất là tăng cường công tác quản lý của Nhà nước và sự phân cấp trong quản lý. Quản lý tốt thôi chưa đủ mà còn phải huy động nguồn lực của cộng đồng trong việc phát huy giá trị di sản và bảo vệ di sản. 

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết, bên cạnh  những kết quả đã đạt được, công tác quản lý di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thủ đô vẫn còn nhiều hạn chế như việc khoanh vùng bảo vệ di tích khi lập  hồ sơ xếp hạng trước Luật Di sản văn hóa năm 2001 còn nhiều bất cập, một vài địa phương vẫn để xảy ra việc tự ý tu bổ, tôn tạo làm biến dạng các công trình kiến trúc gốc, sai lệch giá trị di tích… 

Vì thế, giải pháp đề ra ở đây là chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hóa; triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch ngành Văn hóa giai đoạn 2015-2020, xây dựng đề án, kế hoạch đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích; Khai thác và phát huy giá trị các di tích vào khai thác du lịch, khuyến khích việc duy trì phong tục tập quán lành mạnh, các lễ hội truyền thống, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực, nghề thủ công… để trở thành các sản phẩm du lịch độc đáo của các địa phương. 

Bảo Ngọc (Thuonghieucongluan.com.vn)