Sao 360°

Bạch Long: Tôi ở nhà thuê vì không muốn Thành Lộc nặng gánh

Nghệ sĩ Bạch Long hẹn gặp chúng tôi sau cuộc trò chuyện với học trò và đàn em. Đứng trước ống kính, nam nghệ sĩ thể hiện hình ảnh vui vẻ, trẻ trung. Nhìn anh, không ai nghĩ anh trai của NSƯT Thành Lộc đã 57 tuổi. 

Nghệ sĩ Bạch Long hẹn gặp chúng tôi sau cuộc trò chuyện với học trò và đàn em. Đứng trước ống kính, nam nghệ sĩ thể hiện hình ảnh vui vẻ, trẻ trung. Nhìn anh, không ai nghĩ anh trai của NSƯT Thành Lộc đã 57 tuổi. Với giọng điệu hài hước và dí dỏm quen thuộc, Bạch Long bảo: “Sống vô tư, vui vẻ nên ai cũng khen tôi trẻ hoài”.

Không muốn làm em trai nặng gánh

Ở tuổi U60, sống một mình trong căn nhà thuê nhưng Bạch Long cho rằng đó không phải là điều bất hạnh. Trái với ái ngại của người viết về sự cô đơn xâm chiếm khi màn nhung khép lại, nam nghệ sĩ hài lòng với cuộc sống một mình. Đối với anh một mình nghĩa là tự do tự tại, làm mọi điều mình thích.

Bach Long: Toi o nha thue vi khong muon Thanh Loc nang ganh hinh anh 1
Bạch Long không cô đơn dù sống một mình.

Nhiều người cho rằng giữa anh và em trai Thành Lộc có mâu thuẫn nên phải đi thuê phòng trọ. Bạch Long xua tay: “Thành Lộc kêu tôi về nhà mấy lần nhưng tôi không về. Tôi sống một mình quen rồi. Lộc nặng gánh lắm. Tôi về nhà nữa, em phải lo thêm cho tôi thì càng khổ hơn. Tôi không muốn phiền ai, kể cả em mình”.
 
Chỉ tay về chiếc xe máy dựng bên ngoài quán, anh kể tiếp: “Đó là chiếc xe máy Lộc tặng tôi đấy. Em tặng tôi chiếc xe vào lúc tôi trắng tay, phải nhờ tiền của học trò để đóng tiền nhà. Sau này bán chiếc xe đó đi, mua xe mới nhưng mỗi lần nhìn xe, tôi đều nghĩ đó là món quà của em trai”.
 
Nhìn cuộc sống của anh không ít người ái ngại cho rằng khá bấp bênh, còn Bạch Long hài lòng với những gì mình có. Anh tự nhận mình hiểu triết lý của đạo Phật, lý lẽ cuộc đời nên chấp nhận mọi hoàn cảnh, biết gói ghém hợp với mình. Với thu nhập từ sân khấu kịch, anh vừa đủ trang trải cuộc sống. Vốn đơn giản từ nhỏ nên Bạch Long cho biết không tốn tiền cho ăn mặc, xe cộ.
Nói về tương lai khi đối diện với tuổi già, bệnh tật, Bạch Long cho biết không ham sống tới già. “Người ta vô chùa cầu sống thọ, nhiều tiền còn tôi cầu đừng bị bệnh và chết nhẹ nhàng. Tôi sợ bệnh vì như thế sẽ làm phiền mọi người xung quanh. Ai cũng bận rộn, người ta chỉ giúp một lần, chứ không ai giúp lần thứ 2, 3”, anh chia sẻ. 

Hơn nữa, chứng kiến nghệ sĩ già cô đơn trong viện dưỡng lão, anh chạnh lòng và càng không muốn sống thọ. Anh ước nguyện được lìa xa cõi đời thanh thản như cố nghệ sĩ Kim Ngọc – ra đi sau khi kết thúc vai diễn.

Bach Long: Toi o nha thue vi khong muon Thanh Loc nang ganh hinh anh 2
Bạch Long cho biết không thể vì tiền bạc mà lấy người mình không yêu.

Từ chối tình cảm của nhiều nữ đại gia

Từng có nhiều người yêu nhưng ở tuổi U60 Bạch Long vẫn một mình. Anh tự nhận mình thiếu may mắn trong tình yêu. Anh tự trào: “Tôi chơi hụi nhiều nhưng bị người ta giật vào phút cuối”. Nam nghệ sĩ tin vào số phận vì tử vi của anh là số không vợ, không con.

Nổi tiếng từ thập niên 1990 trên sân khấu cải lương, Bạch Long nhận được nhiều tình cảm của các nữ đại gia. Nhiều người muốn gắn bó với anh, hào phóng tặng anh nhà lầu, xe hơi. Anh đã từ chối kim tiền lấp lánh dễ dàng bằng sự tự ái, sĩ diện cao của người nghệ sĩ.

“Tính tôi ngộ lắm, không yêu thì không lấy được. Dựa dẫm vật chất vào người phụ nữ càng sợ. Tôi chứng kiến nhiều đồng nghiệp lấy vợ giàu, sống cảnh phụ thuộc. Mình nhìn con mèo nhưng họ nói chó cũng phải nghe theo thì không sống được”, anh khẳng định.

Anh chỉ tiếc không có vợ sớm bởi thời thời hoàng kim của sân khấu cải lương kiếm được nhiều tiền nhưng do không có người quản lý nên sớm tay trắng. Tiền bạc ra đi không phải vì anh vướng tứ đổ tường mà vì hết lòng cho sân khấu.

Khi ấy Bạch Long sống trong ngôi đình ở quận 1. Anh nghĩ mình sẽ sống mãi ở đó nên không nghĩ đến chuyện tậu nhà, mua đất. Có bao nhiêu tiền, anh đổ cả vào việc gầy dựng và duy trì nhóm Đồng ấu Bạch Long. Khi nhóm hát tan rã cũng là lúc anh trắng tay và thất nghiệp.

Bach Long: Toi o nha thue vi khong muon Thanh Loc nang ganh hinh anh 3
Nghệ sĩ Bạch Long dốc hết lòng dạy học trò. 

“Lúc đó tôi mới 37 tuổi mà tiền không còn một xu, nhà không có, không có ai mời làm việc. Tôi nghĩ mọi cánh cửa đã đóng lại. Tôi lên kế hoạch tự tử nhưng đúng lúc ấy có người phụ nữ đến tìm và nhắn nhủ đừng nghĩ dại, tôi còn khổ hơn Bạch Long nhiều mà vẫn vượt qua. 16 năm qua, tôi muốn tìm gặp lại người phụ nữ đó nhưng không được. Tôi tin rằng lời khấn cầu Tổ nghiệp của mình đã chạm tới bề trên”, anh nói.

Lớp trẻ không biết nói lời cảm ơn

Điều tự hào nhất của Bạch Long là thành lập và duy trì nhóm Đồng ấu Bạch Long. Từ sự hướng dẫn tận tâm của anh đã đưa tới cho sân khấu cải lương những nghệ sĩ tài năng như Vũ Luân, Trinh Trinh, Tú Sương, Quế Trân…

Anh khẳng định thành lập nhóm hát trẻ con chỉ nhằm mục đích duy trì bộ môn nghệ thuật cải lương, chứ không màng danh lợi. Ấy vậy nhóm hát trẻ con ấy, lại gặp phải nhiều bất trắc bởi sự ganh ghét, tị hiềm của đoàn người lớn.

Bạch Long kể anh nhiều lần phải lên Sở văn hóa làm việc vì có đơn tố cáo. Biết rõ ai hại mình nhưng anh đối lại bằng vẻ thản nhiên, từ tâm. Anh đáp lại những người hại mình là sẵn sàng truyền nghề, xin việc cho con họ. Anh mời người từng nói xấu, hãm hại mình tham gia tuồng do anh đạo diễn.

Nam nghệ sĩ tự nhận mình sống hiền hòa từ nhỏ. Khi thi lên đai võ anh không dám thi vì sợ đánh bạn đau. Đồng nghiệp ganh tỵ, đòi ghi tên trước anh trên băng rôn, Bạch Long nhờ họa sĩ viết tên mình ở dưới cùng. Anh còn nhìn điều đó với ánh nhìn lạc quan: “Khán giả nhìn poster chỉ nhìn tên trên cùng và dưới. Mà ở dưới là gốc rễ, chắc nhất. Còn ai muốn trên tôi thì cứ ngồi trên”.

Bach Long: Toi o nha thue vi khong muon Thanh Loc nang ganh hinh anh 4
Bạch Long nhìn cuộc sống bằng cái tâm an nhiên.

Đối với việc dạy học trò, Bạch Long cho biết mình tận tâm, không ngại "móc tim gan", và không giấu nghề hướng dẫn. Tuy nhiên, anh buồn vì lớp trẻ ít người biết nói lời cảm ơn thầy sau những thành công. Anh kể mình từng hướng dẫn thí sinh thi Tài tử tranh tài nhưng khi họ đoạt giải, người họ cảm ơn lại là nhân vật A, B đang nổi tiếng mà không nhắc đến mình.

Anh hiểu cuộc đời vốn dĩ như thế nên vẫn hết lòng với ai cần mình giúp đỡ. “Ba tôi từng nói nếu không có tiền bối thì không có mình nên tôi không tiếc công sức mình truyền nghề cho các em. Nếu các em ấy sống tốt thì Tổ nghiệp sẽ cho ăn lộc hoài, còn phản phúc thì hậu quả nhãn tiền. Khi sống hết mình, tôi không có gì phải nối tiếc”.

Theo B.Hằng (Tri Thức Trực Tuyến)