Sao 360°

Ấm áp tình người xứ Quảng

Với hơn 20 năm làm báo, trong mắt nhiều người, nhà báo Lê Công Sơn là một cây viết năng nổ và thường tham gia các hoạt động từ thiện xã hội. Tuy nhiên, ít ai biết người đàn ông xứ Quảng này mang trong mình một tâm hồn văn chương. Vì thế, tôi đã khá bất ngờ khi được anh tặng cuốn tạp bút đầu tay “Răng mà thương mà nhớ” do NXB Hội nhà văn và công ty Saigonbooks liên kết ấn hành.

Ấm áp tình người xứ Quảng
Cuốn sách của nhà báo Lê Công Sơn.

Theo nhà thơ Trương Nam Hương thì tuổi thơ, quê nhà, gia đình luôn bàng bạc trong các sáng tác của Lê Công Sơn. Anh viết như rút ruột lòng mình với một tình yêu thương nhớ nơi quê nhà đã sinh ra mình thật sâu đậm và dạt dào cảm xúc. Những con chữ nhẹ nhàng, dung dị như lời thủ thỉ của chính tác giả tự rung lên những cung bậc để đi tới trái tim, tìm đến sự đồng cảm của người đọc. Ngay cả cái tựa đề “Răng mà thương mà nhớ” cũng đậm chất xứ Quảng, ấm áp nghĩa tình. Nó khiến người ta nhớ tới bóng hình quê hương, cha mẹ trong sâu thẳm cội nguồn, nhất là với những người xa nhà xa quê như tác giả.

Trong khi đó, nhà thơ Lê Minh Quốc cho biết, trong những người viết báo trẻ hiện nay, anh đã nhìn thấy ở đồng nghiệp Lê Công Sơn tố chất của một người luôn nỗ lực “vượt lên chính mình”. Lê Công Sơn từng bước tiếp cận với nhiều mảng đề tài gai góc về văn hóa, văn nghệ. Và đã có những bài viết công phu, cố gắng chuyển tải thông tin mới học thuật mà tác giả chịu khó ghi chép, cảm nhận, phản ánh với tư cách một nhà báo. Với Lê Công Sơn, trong quá trình tác nghiệp ấy, sau khi thể hiện qua nhiều, rất nhiều bài báo mang hơi thở thời sự, anh còn viết cho riêng mình. Đó là những cảm xúc bất chợt ùa về như gió gọi mùa sang, từ sâu thẳm tâm hồn anh đã bật lên những giai điệu mới. Nói cách khác, anh thủ thỉ với chính anh qua văn thơ. 

Tác giả Lê Công Sơn tâm sự, quê nhà của anh là núi non xanh mướt, có dòng sông nhỏ hiền hòa mà buổi trưa trên đường đến trường, cả đám trẻ tranh thủ ngụp lặn trong đó. Nhưng thời gian và công việc ở thành phố nhiều khi như dòng thác cuốn tuột anh đi. Để một lúc nào đó chợt bừng tỉnh nhớ lại với nỗi niềm khôn nguôi đau đáu mà ray rứt. Và tất cả những cảm xúc ấy đều được anh đưa vào trang viết, thông qua những truyện ngắn, tản văn, hay bài thơ, đôi dòng cảm xúc. Lê Công Sơn quá câu nệ khuôn mẫu bởi anh viết bằng cảm xúc và những rung động chân thành. Những trang viết như những dòng kỷ niệm khiến không chỉ những người con xứ Quảng mà bất cứ, trong tâm trạng xa quê hương đều bị cuốn vào, trôi theo những cảm xúc dạt dào mà chân thành và trong sáng ấy.

Theo Đoàn Xá (Daidoanket.vn)