Thể thao >> Thể thao trong nước

VFF làm gì để lời hứa không bay theo gió?

Có rất nhiều đời chủ tịch VFF khi vừa nhậm chức đã đưa ra nhiều lời hứa hẹn có cánh rồi dần theo gió bay đi mất.

Trong cuộc họp gần nhất với Bộ VH-TT&DL và VFF, Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng có nói sẽ khuyến khích các ứng cử viên vào chức danh chủ chốt VFF nhiệm kỳ VFF đưa ra đề án tranh cử chứ không bắt buộc. Điều này có nghĩa các ứng viên có thể có, hoặc không đưa ra chương trình hành động cụ thể phát triển bóng đá Việt Nam hay chí ít là mục tiêu cho mỗi năm trước kỳ đại hội thường niên.

Chợt nhớ đến các đời chủ tịch VFF luôn có những lời hứa gió bay từ lúc nhậm chức cho đến hết nhiệm kỳ. Chủ tịch VFF khóa V Nguyễn Trọng Hỷ may mắn tiếp tục trúng cử khóa VI nhờ chức vô địch AFF Cup của đội tuyển quốc gia. Khi tái cử, ông Hỷ hứa hẹn sẽ tập hợp sức mạnh đột phá trong ngôi nhà VFF, đặc biệt là mục tiêu hoàn chỉnh Trung tâm đào tạo trẻ và cho ra đời các thế hệ HLV, cầu thủ giỏi.

Suốt bốn năm của nhiệm kỳ VI cho đến tận bây giờ, Trung tâm đào tạo trẻ VFF không cho ra lò cầu thủ nào, còn cơ sở vật chất dùng cho thuê… đá phủi hoặc biến dạng thành những… hồ bơi.

VFF làm gì để lời hứa không bay theo gió?
Khi ứng cử chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng đã hứa rất nhiều nhưng sau đó thì bỏ dở. Ảnh: QUANG THẮNG

Nhiệm kỳ VII của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng rùm beng chuyện ông hứa trên trang chủ của LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) năm đầu tiên sẽ mang về cho VFF 18,2 triệu USD (tương đương 383 tỉ đồng), mỗi năm lũy tiến 15%. Tiếc là con số đấy vẫn còn nằm trong… dự tính và đáng tiếc hơn ông Dũng vì bệnh nên sau này mạo hiểm ký giấy giao hết cho cấp phó thường trực Trần Quốc Tuấn. Đó là chưa kể lời hứa tăng mỗi LĐBĐ địa phương 1 tỉ đồng nhưng cuối cùng “điều chỉnh” thành tặng… máy vi tính mà có LĐBĐ địa phương từ chối nhận.

Thời kỳ sau của ông Trần Quốc Tuấn gần như nổi tiếng về việc cấp dưới Nguyễn Văn Chương kiện cáo. Những lần có mặt ông Tuấn thường là khi mừng công tuyển nữ đăng quang SEA Games, đội tuyển U-20 Việt Nam chơi vòng chung kết World Cup hay gần nhất là trên xe buýt chở đội tuyển U-23 Việt Nam diễu hành ở Hà Nội. Dĩ nhiên, mỗi khi thất bại như lúc U-23 Việt Nam bị loại khỏi vòng bảng SEA Games 2017 hay tuyển nữ mất vé World Cup 2019 mới đây, không ai thấy mặt ông phó phụ trách chuyên môn đâu cả.

VFF sau khi ông chủ tịch bị bệnh đã rơi mọi quyền hành về tay ông Trần Quốc Tuấn mà đồng cấp Nguyễn Xuân Gụ từng than thở có những quyết định ngay trong thường trực mình không hề biết. Chẳng hạn, việc mời HLV Takashi về dẫn dắt tuyển nữ hay lương của ông Miura bao nhiêu đến cả ông Gụ, bầu Đức đều không hay biết. VFF tự tung tự tác đến nỗi ủy viên ban chấp hành Nguyễn Hồng Thanh mỉa mai gọi là công ty TNHH hai thành viên (gồm ông Dũng và ông Tuấn).

Vì thế, người trong cuộc sắp tới đại hội VFF khóa VIII sẽ không có nhiều hy vọng các ứng viên chủ chốt, đặc biệt là chức danh chủ tịch VFF đưa ra đề án nâng tầm bóng đá Việt Nam một khi Tổng cục TDTT không bắt buộc phải có chương trình hành động để tranh cử.

Cán bộ biệt phái tranh hai ghế

Ông Trần Quốc Tuấn sẽ tranh cử hai ghế chủ tịch và phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn mà dân trong nghề hay gọi là “lọt sàng xuống nia”. Điều này có nghĩa ông Tuấn sẽ khó rơi khỏi VFF sau hơn 10 năm biệt phái từ Tổng cục TDTT. Đáng nói là Luật Cán bộ, công chức chỉ quy định cán bộ nhà nước biệt phái sang tổ chức xã hội nghề nghiệp tối đa chỉ ba năm. Trong khi đó, ông Trần Quốc Tuấn còn vướng kiện cáo chưa có hồi kết và thậm chí cấp trên Bộ VH-TT&DL còn chưa phê duyệt nhân sự ứng cử VFF theo hướng dẫn của Chính phủ.

Theo Công Tuấn (Pháp Luật TPHCM)