Thể thao >> Thể thao trong nước

V-League sắp dùng công nghệ VAR

Công nghệ hỗ trợ trọng tài qua video (VAR) sẽ được Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) chính thức sử dụng vào cuối tháng 6.2019 khi V-League bước sang giai đoạn lượt về.

V-League sắp dùng công nghệ VAR
VAR giúp cho trọng tài quyết đoán hơn trong các pha bóng gây tranh cãi

Vòng 4 V-League 2019 ngày 8.4, phút 67, trước khi sút tung lưới Viettel, cầu thủ Wander Luiz của Becamex Bình Dương đã khống chế bóng bằng thân trên mà góc quay của truyền hình đã chỉ rõ, anh này đã để bóng chạm tay. Khi tình huống xảy ra, trọng tài (TT) chính Nguyễn Trọng Thư đứng cách khoảng gần 40 m, lại bị chắn tầm nhìn bởi một cầu thủ Viettel nên không có vị trí tốt và dĩ nhiên không cắt còi. Bàn thắng được công nhận. Nếu có VAR, chắc hẳn Viettel đã không bị thua oan uổng.

Các CLB không được ép TT dùng VAR

Ví dụ sống động trên đây càng là một minh chứng cho việc các nhà điều hành giải đấu cao cấp nhất VN cần phải khẩn trương đưa VAR vào các trận bóng, chứ không chỉ nói cho sang. Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VPF, nói: “Chúng tôi đã ấp ủ dự định này từ trước khi V-League khởi tranh, thậm chí đã sang Liên đoàn Bóng đá Thái Lan để học hỏi cách sử dụng VAR. Chúng tôi hy vọng công nghệ VAR sẽ đem lại hiệu quả tốt trong việc hỗ trợ công tác TT. Thực tế đã chứng minh tại World Cup 2018 hay Asian Cup vừa qua, VAR đã giúp tăng mức độ chính xác trong các quyết định của TT nên việc xử lý tình huống cũng trở nên công bằng hơn, khách quan hơn. Công tác chuẩn bị đang được VPF tiến hành nhưng không phải đơn giản. Vì VAR khá phức tạp không chỉ về máy móc, thiết bị mà còn đòi hỏi phải có nhân sự giỏi kỹ thuật, am hiểu sâu sắc về bóng đá”.

Một quan chức Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) nêu quan điểm: “VFF ủng hộ VPF dùng VAR. FIFA, AFC cũng quy định rất rõ ràng về những trường hợp sử dụng sự hỗ trợ của VAR. Đó là các tình huống liên quan tới bàn thắng hay không bàn thắng, có đánh nguội hay không, phạt đền hay không phạt đền, thẻ đỏ trực tiếp và lỗi nhận định sai của TT. TT chính sẽ được kết nối thông tin với TT video thông qua tai nghe, sau đó sử dụng ký hiệu bằng cách vẽ một hình chữ nhật để yêu cầu xem lại tình huống. FIFA cũng nhấn mạnh, chỉ duy nhất TT chính mới là người được quyền ra dấu hiệu sử dụng công nghệ VAR (sau khi nhận được thông tin phát ra từ trợ lý video). Các đội bóng không được quyền khiếu nại hay gây áp lực với TT để yêu cầu xem lại tình huống gây tranh cãi”. HLV Phan Thanh Hùng (Than Quảng Ninh) nói: “Trong bối cảnh tốc độ thi đấu ngày càng cao và những tiểu xảo của cầu thủ ngày càng tinh vi thì việc sử dụng VAR giúp TT quyết đoán hơn trong các pha bóng gây tranh cãi”.

Xe lưu động chở VAR đi 1, 2 sân/lượt

Theo tư vấn của Thái Lan, có hai phương án để VPF lựa chọn. Phương án 1, xây dựng 1 trung tâm chuyên về VAR, có thể đặt tại Hà Nội vì có hạ tầng, chất lượng đường truyền tốt. Trung tâm này sẽ nhận tín hiệu từ các sân địa phương để các TT VAR xem xét lại các tình huống gây tranh cãi. Phương án này quá đắt đỏ với VN vì có thể tốn từ 15 - 16 tỉ đồng/năm và không dễ để kết nối đường truyền với những sân ở xa như Pleiku. Phương án 2, VPF sắm ô tô chứa đầy đủ các thiết bị VAR để đi đến 1, 2 sân, kết hợp với 1 xe màu của đài truyền hình. 

Ông Trần Anh Tú cho biết: “VPF đã lựa chọn phương án 2 vì sẽ linh động hơn. VPF đặt mua xe 16 chỗ và sẽ ký hợp đồng với một đối tác chuyên nghiệp để họ lắp ráp máy móc hiện đại. Mỗi ngày thi đấu sẽ có 1 trận được dùng VAR. Nghĩa là nếu lượt đấu diễn ra trong 2, 3 ngày thì có khoảng ít nhất 2 trận có VAR, với điều kiện nơi tổ chức trận đấu không được quá xa nhau, xe sẽ không kịp di chuyển. Tôi xin nhấn mạnh rằng, tất cả thiết bị máy móc và các công đoạn đều phải báo cáo FIFA và được FIFA phê chuẩn mới được sử dụng. Dự kiến, mỗi ca trực, trong xe sẽ có 4 người, trong đó 1 - 2 người phụ trách kỹ thuật, còn lại là TT. Chúng tôi dự định sẽ mời các cựu TT giỏi của VN và sẽ đào tạo họ cách dùng VAR”. Mỗi xe VAR có giá vào khoảng 6 tỉ đồng.

Theo Nhật Duy (Thanh Niên Online)