Thể thao >> Thể thao trong nước

U23 Việt Nam nói không với chuột rút sau 3 trận cày sức

Hòa Syria, Việt Nam vào tứ kết giải U23 châu Á

Chưa có cầu thủ nào của U23 Việt Nam bị chuột rút sau 3 trận đấu ở vòng bảng U23 châu Á, điều chứng tỏ thể lực của đội đang được HLV Park Hang-seo cải thiện rõ rệt.

U23 Việt Nam nói không với chuột rút sau 3 trận cày sức

Chứng hay bị chuột rút (hay miền Nam gọi là vọp bẻ) thường xảy ra khi người chơi vận động quá sức. Đây là tình trạng co rút cơ đột ngột gây đau khi đang vận động, kéo dài từ vài giây đến 15 phút, rất thường gặp trong bóng đá và các môn thể thao khác làm giảm phong độ hoặc phải bỏ chơi giữa chừng.

Trong các trận đấu của các ĐTQG Việt Nam, khán giả truyền hình đã quá quen thuộc với hình ảnh các cầu thủ “sơ cứu” cho đồng đội, bằng cách kéo chân duỗi thẳng, rồi cầm mũi bàn chân đẩy thật mạnh về phía trước để chờ đội ngũ y tế vào sân hỗ trợ. Thực tế, đa phần những cầu thủ này thi đấu đều không còn hiệu quả khi bị chuột rút, hoặc phải rời sân ngay sau đó. 

Tại VCK U23 châu Á 2014, cựu HLV Toshiya Miura đã áp dụng những phương pháp rèn thể lực rất nặng để các cầu thủ quen với cường độ vận động liên tục khi phải đối chọi với các đối thủ có thể hình vượt trội. Thực tế, đấy là giải đấu các cầu thủ Việt Nam đã cải thiện đáng kể về độ va và sức bền nhưng vẫn có tình trạng nằm sân hoặc bị chấn thương.

Dưới triều đại của HLV Park Hang-seo, thật ngạc nhiên, các cầu thủ U23 Việt Nam rất sung mãn và tất cả đều chạy bền bỉ đến những phút cuối cùng. Nên nhớ, U23 Việt Nam đã rơi vào “bảng tử thần” cùng với U23 Australia, U23 Syria và U23 Hàn Quốc, đó không chỉ là những đối thủ có đẳng cấp cao về chuyên môn mà còn vượt trội về mọi yếu tố, thể hình, thể lực...

U23 Việt Nam nói không với chuột rút sau 3 trận cày sức - 1
Thể lực của U23 Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt tại VCK U23 châu Á 2018

Tiêu biểu nhất có lẽ là hai hậu vệ cánh của Đoàn Văn Hậu và Vũ Văn Thanh. Hai cầu thủ này là những người chạy nhiều nhất trên sân, họ không chỉ tham gia phòng ngự mà còn băng lên tấn công và đều chơi rất nổi bật. Thể lực của cặp tiền vệ Lương Xuân Trường và Phạm Đức Huy thực sự đáng nể vì luôn hoạt động ở cường độ cao khi phải tranh chấp với những đối thủ chơi cơ bắp và không ngại va chạm. Công Phượng cũng rất khỏe và có cảm giác như anh đang có nguồn năng lượng rất dồi dào.

Bà Nguyễn Thị Thu Phương, lãnh đạo của một công ty đối tác về dinh dưỡng với U23 Việt Nam cho hay: “Có thể thấy, thể lực của các cầu thủ U23 Việt Nam đã được cải thiện vượt bậc. Tôi theo dõi cả ba trận đấu đều thấy họ chạy cho đến phút cuối và khi rời sân đều vẫn còn năng lượng. Tôi cho rằng, để có một nền tảng thể lực tốt như thế, hẳn HLV Park Hang-seo đã có một giáo án phù hợp với từng cầu thủ. Vượt lên tất cả, các cầu thủ đã chú ý đến chuyện ăn uống, dinh dưỡng hơn trước đây.

Đơn cử tôi chỉ lấy các cầu thủ của HAGL, họ đã ăn uống phù hợp hơn và nó đều được định lượng rõ ràng. Chẳng hạn như Công Phượng, Văn Thanh, Văn Toàn... bây giờ họ đã biết “ngon mà không bổ, không năng lượng thì không ăn”, ăn những chất gì để bổ sung cho hệ cơ, uống một ngày bao nhiêu lít sữa để tốt cho thể trạng".

Rõ ràng, với chiến thuật hợp lý cùng nền tảng thể lực sung mãn, U23 Việt Nam hoàn toàn có khả năng sẽ viết thêm một trang sử mới cho bóng đá nước nhà trong cuộc đối đầu với U23 Iraq trong trận tứ kết diễn ra vào ngày 20/1 tới đây.

Theo Đức Nguyễn (Bongdaplus.vn)