Thể thao

Trung Quốc sẽ thay Qatar đăng cai World Cup 2022?

Dư luận bóng đá thế giới xôn xao trước thông tin Trung Quốc đang âm thầm lên phương án có thể thay Qatar đăng cai World Cup 2022 sau cuộc khủng hoảng ngoại giao ở Trung Đông.

Dư luận bóng đá thế giới xôn xao trước thông tin Trung Quốc đang âm thầm lên phương án có thể thay Qatar đăng cai World Cup 2022 sau cuộc khủng hoảng ngoại giao ở Trung Đông.

Sân Tổ chim có sức chứa hơn 80.000 khán giả có thể đảm đương tốt các trận đấu World Cup  /// AFP

Tờ South China Morning Post cho hay thông tin trên xuất hiện sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch FIFA Gianni Infantino tại Bắc Kinh vào tuần trước. Theo nhận định của truyền thông quốc tế, cuộc gặp giữa ông Tập và người đứng đầu FIFA là bước ngoặt giúp Trung Quốc tiến gần hơn đến hy vọng đăng cai World Cup trong tương lai.

Bởi trong cuộc trao đổi, ngoài việc thảo luận về tham vọng đầu tư mạnh tay để cải thiện bóng đá nước nhà, ông Tập còn mong muốn Trung Quốc được trao quyền đăng cai World Cup. “Chủ tịch Trung Quốc (ông Tập Cận Bình) đã bày tỏ mong muốn của mình và ước mơ của nhiều người Trung Quốc về việc đất nước sẽ có cơ hội đăng cai World Cup bóng đá nam ở một thời điểm nào đó trong tương lai”, một tuyên bố của FIFA cho biết.

Trong khi đó, theo truyền thông Trung Quốc, cuộc gặp trên như một “bản thỏa thuận” World Cup đang trên đường đến quốc gia này, có thể là năm 2030 hoặc năm 2034, thậm chí là World Cup 2026 nếu FIFA thay đổi chính sách đăng cai xoay vòng giữa các lục địa (do Qatar đăng cai World Cup 2022). Tuy nhiên, theo tờ South China Morning Post, cuộc gặp giữa ông Tập và ông Infantino đã làm dấy lên một vấn đề thú vị được loan tải trên truyền thông. Đó là 2 nhân vật trên có thể đã bí mật thảo luận phương án Trung Quốc thay thế Qatar đăng cai World Cup 2022 nếu nước này bị tước quyền đăng cai vì cuộc khủng hoảng ngoại giao ở Trung Đông gần đây.

Theo báo giới, khả năng này có thể xảy ra bởi trước đó Qatar đang vướng vào những chỉ trích về nhân quyền hoặc dời lịch thi đấu sang mùa đông “đụng chạm” đến các giải VĐQG châu Âu, đặc biệt là cuộc điều tra về nghi án “mua” quyền đăng cai World Cup 2022. Trong khi đó, Trung Quốc được đánh giá là quốc gia hội đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng để thay thế đăng cai World Cup (nếu Qatar bị tước). Hiện Trung Quốc đang có 20 sân vận động có sức chứa hơn 50.000 chỗ ngồi, một mạng lưới đường sắt cao tốc đủ phục vụ cho di chuyển của người hâm mộ, kinh nghiệm tổ chức các sự kiện thể thao lớn như Olympic Bắc Kinh 2008 và khả năng huy động các nguồn lực đầu tư...

Điều quan trọng hơn là Trung Quốc hiện được xem như “vị cứu tinh” và sở hữu “quyền lực mềm” đối với tổ chức đứng đầu bóng đá thế giới, mà minh chứng gần nhất là việc Tổng thư ký LĐBĐ nước này là ông Zhang Jian đã được bầu vào Hội đồng FIFA hồi tháng 5. Đơn giản bởi sau khi nhiều nhà tài trợ lớn bỏ rơi FIFA do bê bối tham nhũng thời cựu Chủ tịch Sepp Blatter, tổ chức này đang ngày có xu hướng phụ thuộc vào “ngân sách” từ các công ty Trung Quốc như Wanda, Hisense và gần nhất là Vivo... Vì vậy, nếu cuộc khủng hoảng ở Qatar tiếp tục leo thang, không loại trừ FIFA sẽ “rút phích cắm” đối với quốc gia vùng Vịnh để trao quyền đăng cai World Cup 2022 cho Trung Quốc.

Sau khi bị cô lập do 6 quốc gia Ả Rập cắt quan hệ ngoại giao, Qatar gặp khó khăn về xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ World Cup 2022. Một nguồn tin từ lãnh đạo Qatar khẳng định: “Biên giới đất liền đã đóng cửa nhưng chúng tôi vẫn duy trì các dự án với vật liệu xây dựng được vận chuyển qua cảng biển. Nếu có sự chậm trễ, các dự án sẽ lên kế hoạch B và C... do vẫn còn 5 năm để chuẩn bị”. Trong khi đó, Richard Thompson, biên tập viên của tờ Economic Digest tại Trung Đông, nhận định: “Khó có thể xảy ra việc Trung Quốc hay một quốc gia nào khác sẽ thay thế đăng cai World Cup 2022. Qatar được FIFA ký hợp đồng để đăng cai và đầu tư nhiều tiền cho cơ sở hạ tầng phục vụ sự kiện... Vì thế, nếu muốn tước phải có bằng chứng rõ ràng về việc Qatar không đáp ứng được việc đăng cai”.

Theo Tây Nguyên (Thanh Niên Online)