Thể thao >> Thể thao quốc tế

Trung Quốc bị cáo buộc dùng máu rùa làm bình phong cho doping

Cơ quan phòng chống doping (WADA) đang điều tra cáo buộc 10.000 VĐV Trung Quốc sử dụng chất cấm những năm 80, 90 của thế kỷ trước.

Vụ việc vỡ lở sau tiết lộ của nữ bác sĩ 79 tuổi Xue Yinxian, người từng là thành viên trong đoàn Trung Quốc dự Olympic. Xue khẳng định vụ việc mang tính hệ thống, len lỏi nhiều môn như bóng đá, điền kinh, bơi lội, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn, lặn, thể dục dụng cụ và cử tạ. Bà Xue khẳng định các VĐV mới 11 tuổi đã bị lôi kéo vào vòng xoáy doping. Bất cứ ai tiết lộ chuyện này sẽ bị bỏ tù.

Trung Quốc bị cáo buộc dùng máu rùa làm bình phong cho doping
Ma Junren là HLV tai tiếng của Trung Quốc những năm cuối thế kỷ 20. Ảnh: Reuters.

"Những năm 1980-1990, các VĐV quốc gia của chúng tôi sử dụng doping tràn lan", Xue nói trên đài ARD (Đức) - nơi phanh phui nhiều án doping làng thể thao thời gian qua. "Những chiếc huy chương đã bị vấy bẩn bởi chất cấm. Phải đến hơn 10.000 người có liên quan. Mọi người có chung quan niệm - dùng doping là bảo vệ đất nước. Tất cả huy chương quốc tế của thể thao Trung Quốc cần bị thu hồi".

Xue từng bóc mẽ chiến lược đen tối của Trung Quốc trên tờ Sydney Morning Herald năm 2012. Nhưng khi xuất hiện trên truyền hình Đức, WADA mới xắn tay áo điều tra. Bà đang xin tị nạn chính trị ở Đức, sau khi bị Trung Quốc truy bắt vì tiết lộ bí mật quốc gia.

Bác sĩ 79 tuổi làm việc cho các tuyển thể thao Trung Quốc từ những năm 1970. Bà nhận thức được vấn đề, khi một HLV phát hiện những thay đổi thể chất bất thường của các VĐV mới 13, 14 tuổi, do sử dụng chất kích thích. "Các VĐV trẻ bị ép dùng chất cấm, nhỏ nhất chỉ 11 tuổi. Nếu từ chối, chúng buộc phải rời đội. Tôi không thể làm gì trong hoàn cảnh đó", bà Xue nói.

Xue bị cách chức ở tuyển quốc gia do từ chối dùng doping chữa trị cho một VĐV thể dục dụng cụ ở Olympic Seoul 1988, dù vẫn được làm việc ở cấp độ thấp hơn. "Bất cứ ai phản đối doping bị coi như hủy hoại đất nước. Những ai gây nguy hiểm cho quốc gia đều phải ngồi tù. Họ cảnh báo tôi không được hé răng về doping, buộc tôi sống ẩn dật, làm mọi cách để tôi giữ bí mật. Tôi không nghe theo, khiến hai con trai đều mất việc", Xue tiết lộ thêm.

Trung Quốc bị cáo buộc dùng máu rùa làm bình phong cho doping - 1
HLV Ma Junren từng có nhiều học trò đoạt kỷ lục thế giới điền kinh nữ.

Vị bác sĩ còn khẳng định các VĐV được kiểm tra doping liên tiếp, cho đến khi kết quả trả về âm tính. Khi đó, họ mới được phép dự giải quốc tế. Ám hiệu chung dành cho những VĐV là cuộc gọi với nội dung: "Bà đã về nhà!", tránh rò rỉ điều bất minh ra bên ngoài.

Trung Quốc còn sử dụng những cách thức tinh vi hơn để che giấu tội tình. Họ dính líu đến nhiều cáo buộc doping, nhưng chưa từng nghiêm trọng như hiện tại. Tháng hai vừa qua, nhiều VĐV điền kinh tố cáo HLV Ma Junren ép họ sử dụng chất cấm để cải thiện hiệu suất thi đấu. Trong thư tố cáo, nhóm VĐV sở hữu 66 kỷ lục quốc gia và quốc tế nói: "Chúng tôi là người chứ không phải động vật. Trong nhiều năm, chúng tôi bị bắt dùng doping. Đó là sự thật".

Trong khi đó, HLV Ma luôn khẳng định học trò của ông đạt thành tích cao nhờ những đợt tập khắc nghiệt trên cao nguyên Tây Tạng, uống máu rùa và đông trùng hạ thảo (một loại đông dược giống nấm, mọc ra từ sâu bướm). Trong đoạn phim tài liệu của SJNA, Ma xuất hiện cùng các học trò cắt cổ rùa, uống máu sống từ chiếc bát. Chế độ tập luyện cũng hết sức khắc nghiệt. Ông di chuyển trên xe máy bên cạnh học trò. Khi một người tụt lại sau, ông một tay túm gáy áo họ, một tay rít ga, cho đến khi VĐV ngã gục.

Sự việc xảy ra năm 1993, khi các chân chạy nữ của Trung Quốc liên tiếp phá kỷ lục thế giới, trong đó có 5.000 mét vốn được thống trị bởi Ethiopia. Qu Yunxia – VĐV giữ kỷ lục thế giới chạy 1.500 mét nữ khi đó – tiết lộ trên SJNA: "Wang Yunxia (từng giữ ba kỷ lục thế giới) đưa ra hai phát biểu trái ngược, chỉ trong nửa năm. Sau khi lập kỷ lục, cô ấy cảm ơn HLV. Sáu tháng sau, cô tiết lộ chế độ tập luyện khắc nghiệt, khiến chân các VĐV bị sưng tấy đến độ không ngủ được. Họ thường khóc trong lặng lẽ, không dám cho HLV biết".

"Cuối cùng, Wang dũng cảm đứng lên nói với Ma. Vị HLV cảnh báo nếu Wang từ bỏ, cô ấy mất tất cả mối quan hệ, tiền, quyền kết hôn và quyền khai sinh cho con. Nhưng Wang vẫn ngừng luyện tập cùng Ma năm 1993", Qu nói. Bảy năm sau, HLV này bị sa thải do có sáu học trò không vượt qua buổi kiểm tra doping. Ma hiện làm nghề chăn nuôi chó.

Theo Xuân Bình (VnExpress.net)