Thể thao

Trái bóng World Cup 2018 cho phép tương tác qua smartphone

Bóng Telstar 18 tích hợp chip điện tử NFC để các trọng tài có thể tương tác với nó qua điện thoại thông minh.

Năm 1970, lần đầu tiên giải đấu World Cup được đưa lên sóng truyền hình, cũng là lần đầu tiên Adidas làm bóng cho sự kiện thể thao nổi tiếng nhất thế giới này. Quả bóng khi đó có tên gọi Telstar, theo tên một vệ tinh nhân tạo, được tạo thành từ các tấm da có hình lục giác, sơn hai màu đen trắng cho dễ quan sát trên TV. Quả bóng da đen trắng này sau đó cũng trở thành biểu tượng của bộ môn bóng đá.

Và theo LATimes, năm nay, tại World Cup 2018 ở Nga, Adidas cũng giới thiệu một loại bóng mới có tên gọi Telstar 18, gần giống với tên gọi của quả bóng năm 1970. Ngoại hình của nó cũng có phần tương tự với hai màu đen trắng chủ đạo, tuy nhiên họa tiết được cách điệu theo hướng "kỹ thuật số" bởi các phần làm mờ theo dạng điểm ảnh pixel.

Trái bóng World Cup 2018 cho phép tương tác qua smartphone
Telstar 18, trái bóng chính thức tại World Cup 2018.

Không chỉ vậy, trái bóng da này còn tích hợp các tiến bộ khoa học công nghệ đã được Adidas tích lũy và phát triển qua nhiều năm. Cụ thể, bên trong mỗi quả bóng được nhúng một con chip điện tử NFC (giao thức kết nối trường gần), cho phép các trọng tài có thể tương tác với nó thông qua điện thoại thông minh. Với công nghệ này, các dữ liệu về tốc độ bay, tốc độ lăn, quãng đường di chuyển hay lực sút của cầu thủ... có thể thu thập dễ dàng.

Để kết nối, người dùng chỉ cần kích hoạt tính năng NFC rồi chạm smartphone Android vào logo NFC trên trái bóng. Với người dùng iPhone, Telstar 18 chỉ tương thích với iPhone 7 và thiết bị chạy iOS 11 trở lên. Người dùng cũng phải sử dụng ứng dụng giao tiếp NFC của bên thứ ba do hệ điều hành này không hỗ trợ.

Roland Rommler, Giám đốc về phần cứng tại Adidas, cho biết so với nửa thế kỷ trước, quả bóng này giống như thứ thuộc về "khoa học viễn tưởng". Trước đó, Adidas từng phát triển một mô hình có tên gọi miCoach Smart Ball, sử dụng một cảm biến để ghi lại các điểm tấn công, độ xoay và quỹ đạo, nhưng dự án này sau đó bị ngừng lại vì trái bóng không đủ độ bền khi sử dụng trong thực tế.

Rommler cho biết trong quá trình thiết kế Telstar 18, các kỹ thuật viên đã thử nghiệm cài đặt 10 đến 12 chiếc máy ảnh siêu nhỏ. Tuy nhiên, những hình ảnh chụp lại trông khá tệ. 

Còn về việc thiết kế, ông cho biết đã tham khảo ý kiến của nhiều sinh viên, trẻ em và cả nhân viên Adidas. "Khi yêu cầu vẽ một quả bóng, 99% họ vẽ ra một quả bóng màu trắng với các hình ngũ giác. Chúng tôi gọi nó là mô hình chúng của tất cả các quả bóng. Hay 'bố già' của tất cả các trái bóng".

Trái bóng World Cup 2018 cho phép tương tác qua smartphone - 1
Telstar 18 được tạo thành từ 6 miếng da, ruột và lớp phủ bên ngoài đều được thiết kế đặc biệt.

Telstar 18 là kết quả của bốn năm thiết kế và thử nghiệm và ngoại hình là điểm chung duy nhất của nó với các phiên bản tiền nhiệm. Trong khi mẫu Telstar đầu tiên gồm 32 tấm da riêng lẻ được khâu tay lại với nhau thì loại mới được sản xuất tại Trung Quốc và Pakistan, chỉ có sáu tấm da và được khâu lại bằng máy. Ruột cao su của nó cũng được thiết kế mới để đảm bảo hiệu suất ổn định khi sử dụng. Bên ngoài trái bóng cũng được phủ một lớp nhựa đặc biệt.

Trái bóng này đã phải trải qua một loạt các thử nghiệm nghiêm ngặt trên cả ba lục địa, ở nhiều độ cao và các mức nhiệt độ khác nhau, từ dưới mức đóng băng tới hơn 100 độ C. Thậm chí nó đã bị bắn ra khỏi một khẩu súng, vào thẳng một bức tường kim loại hàng ngàn lần với vận tốc hơn 50km/h.

Trái bóng World Cup 2018 cho phép tương tác qua smartphone - 2
Danh thủ Lionel Messi đã trải nghiệm thử Telstar 18.

Tuy nhiên, khi dùng thử trong một số trận giao hữu, Telstar 18 đã bị nhiều thủ môn phàn nàn. "Tôi chắc rằng có đến 35 cú sút xa thành bàn tại World Cup 2018 bởi quá khó để đoán quỹ đạo bóng", thủ môn Reina (Tây Ban Nha) cho biết. Còn Ter Stegen, một thủ môn người Đức nhận xét: "Trái bóng lẽ ra cần được làm tốt hơn. Hiện giờ nó vẫn rung lắc quá nhiều".

Theo Mai Anh (VnExpress.net)