Thể thao

Tiết lộ 2 'đại gia' chung tay giúp VTV mua bản quyền World Cup 2018

Bản quyền World Cup mà VTV mua bao gồm những gì?

Sự chung tay của các doanh nghiệp lớn là mấu chốt để VTV tháo nút thắt thương vụ mua bản quyền World Cup 2018 tại Việt Nam. Viettel và Vingroup là 2 cái tên được xướng lên sau khi thương vụ tốn nhiều giấy mực này khép lại.

Bản quyền World Cup chưa bao giờ nóng như thế

Nếu thương vụ mua bản quyền World Cup 2018 ở Việt Nam được ví như một trận cầu thì sự xuất hiện của các doanh nghiệp giống như bàn thắng vàng phút bù giờ mang về chiến thắng chung cuộc.

Câu chuyện mua bản quyền World Cup trở nên nóng hơn hẳn trong 2 tuần trở lại đây. Truyền thông liên tục đưa tin VTV chưa đàm phán mua được bản quyền World Cup và khán giả Việt Nam đối diện với nguy cơ không được thưởng thức giải đấu hấp dẫn số 1 hành tinh cấp độ ĐTQG lần đầu tiên sau 36 năm. 

Tiết lộ 2 'đại gia' chung tay giúp VTV mua bản quyền World Cup 2018

Nhưng mối lo thời điểm đó cũng không quá lớn, bởi còn có nhiều quốc gia cũng rơi vào hoàn cảnh như Việt Nam. Hơn nữa, người Việt cũng quá quen với việc World Cup là món ăn không thể thiếu trên bàn tiệc suốt hơn 3 thập niên qua. Đại đa số NHM đều tin tưởng không sớm thì muộn nhà đài cũng sẽ sở hữu thành công bản quyền World Cup.

Nhưng thực tế cho thấy mọi chuyện không hề đơn giản như vậy. Bóng đá ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt và đây chính là con gà đẻ trứng vàng cho bên phân phối bản quyền World Cup. Hãy nhìn vào những con số sau đây, năm 2006, Việt Nam chỉ tốn 2 triệu USD để sở hữu bản quyền giải đấu. Con số ấy lần lượt tăng lên thành 2,7 và 7 triệu USD cho bản quyền các giải đấu diễn ra vào các năm 2010 và 2014.

Chi phí sở hữu bản quyền World Cup 2018 tăng chóng mặt và đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa biết được con số chính xác, nhưng chắc chắn nó sẽ không chỉ "nhích lên một chút" so với 4 năm về trước. Fan xứ sở chữ S đứng ngồi không yên khi quá trình đàm phán mua bản quyền World Cup 2018 dường như đóng băng. Tâm lý đám đông càng trở nên hoang mang khi vào ngày 5.6, trưởng Ban thư ký biên tập Nguyễn Hà Nam VTV) xác nhận quá trình đàm phán đang gặp khó khăn. Ông Nam tuyên bố VTV có thể lỗ tới 90 % khi thực hiện thương vụ và sẽ không mua bản quyền World Cup “bằng bất cứ giá nào”.

Người hâm mộ Việt Nam đã tưởng tượng ra một viễn cảnh u ám, bởi VTV tỏ ra "quá đơn độc trong cuộc chiến" ở thời điểm World Cup 2018 chỉ còn 9 ngày nữa là diễn ra. Tuy nhiên, không mấy người biết rằng câu chuyện bản quyền đã được cởi nút thắt.

Các doanh nghiệp đã vào cuộc như thế nào?

Thời khắc vàng đã điểm, 18h30 ngày 8.6, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) tuyên bố đã đạt được thỏa thuận mua bản quyền truyền thông World Cup 2018 với FIFA. Thông báo này chấm dứt cuộc đàm phán kéo dài cả năm trời và vấp phải vô vàn khó khăn. Việt Nam trở thành quốc gia cuối cùng trên thế giới sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2018.

Tiết lộ 2 'đại gia' chung tay giúp VTV mua bản quyền World Cup 2018 - 1

Cũng vào thời điểm này, 2 cái tên doanh nghiệp "tương trợ" VTV đã lộ diện, đó là Vingroup và Viettel. Trong đó, Viettel là cái tên mới nhất được biết đến, trong khi Vingroup đã xuất hiện trước thời điểm thương vụ mua bản quyền được chốt lại 1 ngày, 7.6.

Thực tế, việc các doanh nghiệp chung tay đưa bản quyền World Cup về phát sóng đã được tiến hành ở Thái Lan và Singapore. Tại Thái Lan, 9 công ty đã lập nhóm để đàm phán mua bản quyền World Cup 2018. Quỹ này do King Power - doanh nghiệp thuộc sở hữu của ông chủ CLB Leicester City ở Ngoại hạng Anh đứng đầu. Họ đã phải bỏ ra tới 1,4 baht Thái, tương đương 43,7 triệu USD để được phát sóng giải đấu. Phía Singapore dưới sự liên minh của 3 hãng truyền thông lớn là Mediacorp, Singtel và StarHub, bỏ ra 18,8 triệu USD để có được quyền lợi tương tự.

Ở Việt Nam, khi gặp vấn đề với đòi hỏi 15 triệu USD cho bản quyền phát sóng World Cup, VTV cũng bắt đầu đi tìm đối tác nhằm san sẻ gánh nặng tài chính, giống như các nước láng giềng Singapore hay Thái Lan. Nhưng khác với các nước trong khu vực, VTV không thể trao đổi đủ quyền lợi thương mại tương ứng với số tiền mà các doanh nghiệp bỏ ra. Cụ thể, các doanh nghiệp phải ưu tiên "phục vụ cộng đồng" trước khi nghĩ đến việc làm hình ảnh cho mình.

Thời điểm chỉ còn vài tháng nữa là World Cup 2018 khởi tranh, VTV đã tìm ra được đối tác phù hợp - Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel). Công ty này sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho thương vụ mua bản quyền.

Sau những tháng đàm phán căng thẳng với Infront Sports & Media, vốn nổi tiếng cứng rắn và ít chịu nhượng bộ, nút thắt trong câu chuyện bản quyền World Cup 2018 đã được cởi bỏ với sự xuất hiện của Viettel và thêm Vingroup trợ lực vào phút chót.

Sự xuất hiện của những doanh nghiệp có tâm đã giúp nhiệm vụ mang về "món ăn tinh thần" World Cup cho NHM Việt Nam trở nên dễ thở hơn rất nhiều. Vẫn là sự tương trợ về mặt tài chính, song Viettel và Vingroup sẵn sàng đặt nhu cầu của cộng đồng lên cao nhất thay vì quan tâm mình được gì khi sở hữu "một phần" bản quyền phát sóng World Cup 2018. Và bây giờ là lúc NHM Việt Nam phải chuẩn bị thể lực để thưởng thức trọn vẹn 64 trận cầu đỉnh cao thế giới trên đất Nga. 

Theo Linh Sơn (Bongdaplus.vn)