Thể thao

Tiền thưởng Paralympics của Malaysia gấp 48 lần Việt Nam

Malaysia là một số ít quốc gia trên thế giới mà tiền thưởng dành cho VĐV khuyết tật đoạt huy chương Thế vận hội bằng với mức của người bình thường.

Malaysia là một số ít quốc gia trên thế giới mà tiền thưởng dành cho VĐV khuyết tật đoạt huy chương Thế vận hội bằng với mức của người bình thường.

Lê Văn Công nhận hơn 600 triệu đồng tiền thưởng sau khi đoạt HCV Paralympics 2016. Ảnh: Reuters

Theo chương trình khuyến khích của Hội đồng thể thao quốc gia Malaysia (NSC), một VĐV đoạt HCV tại Paralympics 2016 ở Rio de Janeiro (Brazil) sẽ nhận 1 triệu ringgit (hơn 5,4 tỷ đồng), HCB nhận 300.000 ringgit (hơn 1,6 tỷ) và HCĐ nhận 100.000 ringgit (hơn 540 triệu đồng).

Bên cạnh đó, những VĐV đoạt huy chương còn nhận được trợ cấp suốt đời với mức 5.000 ringgit mỗi tháng cho người đoạt HCV (chừng 27 triệu đồng), 3.000 ringgit (HCB) và 2.000 ringgit (HCĐ). Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ và ngành thể thao Malaysia để VĐV khuyết tật phấn đấu, mang vinh quang về cho đất nước.

“Chúng tôi là một trong số rất ít các quốc gia trên thế giới mà các VĐV khuyết tật có được sự công nhận như những người khỏe mạnh. Bộ Thanh niên và Thể thao đã rất ủng hộ việc này và tôi tin tưởng các VĐV sẽ thi đấu ở Rio. Từ những gì đã nhìn thấy, họ rất háo hức, làm tất cả để đất nước có thể tự hào”, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết.

Ngoài Malaysia, phần lơn các quốc gia trong khu vực mức thưởng dành cho VĐV khuyết tật đều không bằng VĐV bình thường. Singapore từng xảy ra tranh cãi lớn về vấn đề này. Tại Paralympics 2008, VĐV Yip Pin Xiu đoạt HCV ở môn bơi nhưng chỉ nhận được 100.000 SGD (đô la Singapore), thấp hơn rất nhiều so với con số 750.000 SGD mà đội bóng bàn nữ nước này nhận được cho tấm HCĐ Olympic ở Bắc Kinh cùng năm.

Tien thuong Paralympics cua Malaysia gap 48 lan Viet Nam hinh anh 1
So sánh việc tiền thưởng khi đoạt HCV Paralympics của một số nước ở khu vực. Đồ họa: Trí Mai

Nữ đại biểu Eunice Elizabeth Olse khi đó đã chất vất Thư ký cao cấp cả Quốc hội Singapore Teo Ser Luck tại sao lại có sự chênh lệch quá mức này trong hệ thống khen thưởng giữa VĐV khuyết tật và bình thường. Ông này giải thích rằng mức độ cạnh tranh của VĐV Olympic rộng lớn hơn. Các VĐV Paralympics có thể dự Olympics nhưng không có chuyện ngược lại. Bên cạnh đó, tiền thưởng cho huy chương Olympics cao bởi có tư nhân tài trợ, bên cạnh ngân sách từ chính phủ Singapore.

Sau những tranh cãi, tiền thưởng cho VĐV khuyết tật ở Singapore đã tăng lên gấp đôi sau năm 2008. Tại Rio 2016, Yin Pin Xiu nhận được 200.000 SGD sau khi đoạt HCV và phá kỷ lục thế giới ở nội dung 100 m ngửa, hạng thương tật S2. Theo tờ The Online Citizen, sau khi trích 20% cho Hội đồng Paralympics quốc gia, cô sẽ nhận được 160.000 SGD (trước thuế), tức hơn 2,6 tỷ đồng. Con số này chỉ bằng 1/4 so với Joseph Schooling sau khi anh này đoạt HCV Olympic vừa qua.

Thái Lan cũng đối mặt với vấn đề tương tự như Singapore khi các VĐV para cảm thấy bất công lẫn thiệt thòi vì tiền thưởng quá ít so với các đồng nghiệp tranh tài ở Olympic. Tuy nhiên theo thời gian chế độ cho họ đã được nâng lên đáng kể. Theo tờ Pattaya Mail, tại Paralympics 2012 VĐV đoạt HCV sẽ nhận được hơn 1,5 triệu baht (hơn 900 triệu đồng) từ chính phủ lẫn kênh truyền hình Channel 3.

Tien thuong Paralympics cua Malaysia gap 48 lan Viet Nam hinh anh 2
Tiền thưởng cho VĐV khuyết tật của Thái Lan bằng 1/2 so với VĐV bình thường, nhưng khá cao so với Việt Nam. Ảnh: Bangkok Post

Nhưng ở Rio 2016, tiền thưởng cho VĐV para của Thái Lan không kém nhiều so với VĐV bình thường. Theo Bangkok Post, VĐV đoạt HCV sẽ 6 triệu baht (hơn 3,6 tỷ đồng), 4 triệu baht cho HCB và 2 triệu baht cho HCĐ. Con số này chưa tính mức thưởng từ các đơn vị chủ quản hay các nhà tài trợ. Điều này giúp cho 46 VĐV para của Thái Lan rất hưng phấn trước khi lên đường.

Với các quốc gia trong khu vực, tiền thưởng của Lê Văn Công ít hơn rất nhiều, dù anh vừa đoạt HCV đầu tiên cho thể thao Việt Nam (TTVN) tại Paralympics, đồng thời phá kỷ lục thế giới lẫn đại hội. Theo chế độ của Tổng cục TDTT, tiền thưởng của anh chỉ bằng 50% so với VĐV bình thường. Tức là với tấm HCV và phá kỷ lục mới đây, VĐV sinh năm 1986 nhận chừng 110 triệu đồng. Số tiền này kém gần 50 lần so với VĐV của Malaysia.

Tất nhiên, do sự khó khăn chung về kinh phí của ngành thể thao nên ngay cả kỳ tích giành HCV và thiết lập kỷ lục Olympics của Hoàng Xuân Vinh cũng chỉ được nhận số tiền thưởng bằng 4% so với mức thưởng từ Malaysia và 1% so với Singapore. Những khoản thưởng tiền tỷ Hoàng Xuân Vinh có được đều từ các nhà tài trợ, điều mà Lê Văn Công chưa có được. Trước đó, ngành thể thao cũng thưởng nóng cho 2 VĐV ở mức ngang nhau là 60 triệu đồng.

Theo Nguyễn Đăng (Zing.vn)