Thể thao

Thụy Sĩ điều tra 53 vụ rửa tiền dính đến FIFA

Nhiều diễn biến mới trong vụ việc FIFA khiến dư luận người hâm mộ có thể tin tưởng vào việc đưa mọi bí ẩn của tổ chức này ra ánh sáng.

Nhiều diễn biến mới trong vụ việc FIFA khiến dư luận người hâm mộ có thể tin tưởng vào việc đưa mọi bí ẩn của tổ chức này ra ánh sáng.

Ông cũng khẳng định, chủ tịch FIFA Sepp Blatter và tổng thư ký Jerome Valcke đã được cơ quan điều tra lên lịch thẩm vấn dù cho đến nay, chính quyền Thụy Sĩ chưa nhắm đến hay quy kết bất cứ cá nhân nào trong vụ việc gây chấn động cả làng cầu thế giới.
 

Bộ trưởng Tư pháp Thụy Sĩ Michael Lauber tổ chức họp báo lần đầu về vụ điều tra FIFA

Hôm 27-5 vừa qua, cùng với việc bắt giữ một số quan chức FIFA theo đề nghị của Bộ Tư pháp và Cục Điều tra liên bang Hoa Kỳ (FBI), ngành chức năng Thụy Sĩ cũng đã tổ chức khám xét trụ sở FIFA tại Zurich, thu giữ nhiều hồ sơ tài liệu tại đây đồng thời công bố chính thức việc điều tra các vụ việc tham nhũng, rửa tiền, làm ăn phi pháp của tổ chức này.
 
“Chúng tôi đang phải thụ lý điều tra một vụ việc quy mô và cực kỳ phức tạp với rất nhiều mối quan hệ quốc tế. Bóng đá thế giới cần kiên nhẫn bởi chắc chắn cuộc chiến đấu này sẽ phải dài hơn 90 phút, thời gian của một trận đấu trên sân cỏ” - bộ trưởng Michael Lauber phát biểu tại cuộc họp báo chính thức đầu tiên kể từ khi cuộc điều tra được tiến hành.

Blatter và tổng thư ký Jerome Valcke phải chịu trách nhiệm về các cáo buộc tham nhũng


Việc thẩm vấn hai ông Blatter và Valcke, theo người đứng đầu ngành tư pháp Thụy Sĩ, nên được xem là một trong những biện pháp điều tra thông thường dành cho những người có liên quan chứ không phải họ bị thẩm vấn trên tư cách chủ tịch hoặc tổng thư ký FIFA.

Bộ trưởng Michael Lauber cho biết lực lượng điều tra đã xem xét mối quan hệ của 104 khách hàng ngân hàng, mỗi khách hàng đứng tên rất nhiều tài khoản và “lần ra” 53 vụ giao dịch đầy nghi vấn.

Trong một động thái khác, Ủy ban Đạo đức thuộc FIFA khẳng định tiến hành cuộc điều tra riêng nhắm vào các cá nhân bị nghi ngờ liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ để tác động đến cuộc bỏ phiếu chọn quốc gia đăng cai World Cup 2018 và 2022, vốn đã được trao quyền cho Nga và Qatar.

Ngân hàng Julius Baer tổ chức điều tra nội bộ liên quan đến FIFA


Cũng trong ngày 17-6, ngân hàng lớn thứ ba tại Thụy Sĩ Julius Baer phát đi thông báo về cuộc điều tra nội bộ về những vấn đề liên quan đến FIFA. Cuộc điều tra này được cho là có sự phối hợp với cơ quan chức năng của chính quyền Thụy Sĩ nhưng chưa rõ khi nào sẽ bắt đầu.
 
Hệ thống ngân hàng tư nhân Thụy Sĩ suốt 5 năm qua đã phải đau đầu bảo vệ các quy định bảo mật của chính mình trước sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận khi được coi là “chống lưng” cho các khách hàng Âu, Mỹ giàu có “né” các sắc thuế bằng cách mở các tài khoản bí mật trong quá khứ.

Bản điều tra về tham nhũng trong nội bộ FIFA của luật sư Michael Garcia được Thụy Sĩ quan tâm


Cuộc điều tra của ngành tư pháp Thụy Sĩ đang mở hướng tiếp cận bản báo cáo của luật sư người Mỹ Michael Garcia, người được chính FIFA thuê để điều tra việc vi phạm các vấn đề đạo đức trong hai cuộc bầu chọn, trao quyền đăng cai World Cup cho Nga và Qatar. Bản báo cáo này chưa bao giờ được FIFA cho công bố, thay vào đó là một bản tóm tắt sơ lược do một thành viên của Ủy ban Đạo đức FIFA tiến hành và công bố, trong đó nhấn mạnh Nga và Qatar không làm bất cứ điều gì sai trái trong quá trình vận động đăng cai.
 
Theo ông Lauber, phía Mỹ dù vậy lại không đả động đến bản báo cáo của Garcia trong quá trình điều tra vừa qua. Còn về phía FIFA, tổ chức này đã hợp tác rất tốt với ngành chức năng Thụy Sĩ trong thời gian qua, cụ thể là giao nộp toàn bộ hồ sơ liên quan đến việc đăng cai World Cup 2018 và 2022.

Cựu chủ tịch CBF Ricardo Teireixa


Trong một động thái khác, cựu chủ tịch LĐBĐ Brazil (CBF) Ricardo Teixeira phủ nhận mọi liên quan cá nhân đến việc đưa, nhận hối lộ để ủng hộ Qatar giành quyền đăng cai World Cup 2022. Phản ứng của ông này nhằm đáp trả lời tố cáo mới đây của một nhật báo phát hành hôm 16-6, cho rằng Teireixa đã nhận một đồng hồ bằng vàng từ một hoàng thân xứ Qatar để đổi lại lá phiếu bầu của ông.

Teixeira nắm giữ ghế lãnh đạo CBF giai đoạn 1989 – 2012 trước khi từ chức do đau ốm. Ông này thường xuyên bị tố cáo tham nhũng trong thời gian nắm quyền nhưng chính quyền Brazil vẫn chưa một lần truy tố Teireixa các tội danh rửa tiền, trốn thuế.

Người kế nhiệm Teireixa ở CBF là Maria Marin dù vậy hiện đang ngồi trong nhà giam ở Thụy Sĩ chờ bị dẫn độ về Mỹ để ra tòa, đối mặt cùng hàng loạt tội danh tham nhũng.

Theo Đông Linh (Nld.com.vn)