Thể thao

Thonglao, chuyện Thai-League đi sau V-League

V- League những năm đầu 2000 là "mốt" là điểm đến hứa hẹn của những danh thủ hàng đầu Thái Lan, nhưng vì sao nó tuột hậu?

12 năm về trước, khi SEA Games 2005 tại Bacolod, Philippines chuẩn bị diễn ra, cánh phóng viên nghe loáng thoáng thông tin Thonglao (lúc đó đang là cầu thủ hay nhất Đông Nam Á) sắp đầu quân cho HA Gia Lai. Bacolod lúc đó đang tập trung các đội U-23 đá SEA Games.

Thonglao, chuyện Thai-League đi sau V-League - ảnh 1

Thế là cánh phóng viên tiếp cận Thonglao để hỏi thông tin. Không khó để chúng tôi tiếp cận danh thủ này. Lúc đó chúng tôi chạy đến khách sạn nơi đội U-23 Thái Lan chuẩn bị ăn trưa, chúng tôi vô tình gặp ngay HLV Charnvit, nhờ ông cho phép tiếp cận Thonglao và ông vui vẻ… “OK” ngay.

HLV Charnvit đứng nói chuyện với chúng tôi rất cởi mở và vui vẻ. Sau đó Thonglao trên lầu đi xuống và Charnvit “lệnh” ngay cho học trò tiếp xúc thoải mái với chúng tôi. Charnvit đứng cùng trò chuyện “tay ba” chúng tôi một hồi rồi xin phép vào ăn cơm trước.

Thonglao, chuyện Thai-League đi sau V-League - ảnh 2

Sau đó là những Tawan, Dusit

Có một sự thật rằng, ở thời điểm ấy hầu hết các danh thủ hàng đầu Thái Lan được các CLB Việt Nam mời là danh dự cực đỉnh, là tiếng thơm vô vàn và …tiền nhiều. Có lẽ nó cũng giống bây giờ các cầu thủ châu Á được các CLB Tây Âu mời thi đấu vậy. Không tiếng thơm sao được khi trước đó những hảo thủ, những đàn anh, những ngôi sao hàng đầu của bóng đá Thái như Kiatisak, Chukiat, Dusit, Tawan…sang Việt Nam được trọng vọng từ lãnh đạo CLB đến người hâm mộ ngất ngây chào đón.

Thời đó Thai- League không có người xem, cuối tuần những trận đấu ở các sân Bangkok cầu thủ hai đội còn nhiều hơn khán giả đến sân. Lương tuyển thủ U-23 giỏi như Thonglao, Sakda..chỉ chừng 15 triệu đồng. Cánh báo chí Thái Lan được bầu Đức mời sang tham quan, hay họ tự bỏ tiền túi đi làm phóng sự bóng đá Việt Nam đều gửi bài ca tụng V- League như một “cuộc cách mạng”, giải đấu hàng đầu Đông Nam Á và đúng chất chuyên nghiệp…

Các danh thủ Thái Lan cứ ngày đêm….hóng hớt được các CLB Việt Nam mời sang thi đấu là cực kỳ hãnh diện.

Thonglao, chuyện Thai-League đi sau V-League - ảnh 3

...Đến Thonglao

Sau lứa thứ nhất như Kiatisak, Dusit, Chukiat…đến lứa thứ hai cũng toàn hảo thủ Thái như Thonglao, Ithasen, Sarayuth, Apisit, Neweat, Chaimai… những cầu thủ hay nhất Thái Lan đều kiếm đường sang Việt Nam thi đấu.

Người Thái xấu hổ và tìm mọi cách xây dựng lại “phiên bản Thai- League 2.0”. Lúc đó báo chí Thái Lan rần rần chuyện bóng đá Việt Nam vượt mặt Thái Lan.

Và Thái Lan đã làm lại thực sự. Cùng với đó, Tổng thư ký LĐBĐ Thái Lan (FAT) Ong Art- Kosingkha gác ấn từ quan sang Anh học công tác tổ chức giải chuyên nghiệp trong 3 năm để về làm lại bóng đá Thái Lan.

Khi Thai- League vận hành đúng quỹ đạo, ông từ chức người đứng đầu công ty Thai- League (giống VPF của bóng đá Việt Nam) xung phong đi các CLB vùng sâu vùng xa của Thái Lan vực dậy phong trào. Các đội bóng nằm giáp ranh ở Lào được ông tìm đến và mua danh thủ Lào về đầu quân. Kết quả các sân bóng chật kín khán giả khi người hâm mộ Lào sang xem cầu thủ của mình đá Thai- League…

Thonglao, chuyện Thai-League đi sau V-League - ảnh 4

Dream team HA Gia Lai thời "hậu Kiatisak

Trong từng giai đoạn Thai- League luôn thay đổi để bắt kịp sự phát triển và đòi hỏi. Khi những chuyện đổi mới Thai-  League kiểu đó quá đỗi bình thường, thì Thai- League tiếp tục “cấp quota” cho các CLB chuyên nghiệp mua cầu thủ Đông Nam Á để thu hút khách du lịch láng giềng đến Thái Lan du lịch và xem Thai- League. Đó là điều mà hiện nay Thai- League đang làm.

Thai- League ngày nay hoành tráng, thu hút khán giả rất đông, và mỗi CLB Thai- League đều có trung tâm đào tạo trẻ dạng học viện để cho ra lò sản phẩm của mình. Nhiều năm nay, họ đã trở thành giải đấu hàng đầu khu vực và nằm trong tốp 10 giải quốc gia mạnh nhất châu Á. Đông Nam Á hiện nay chỉ có mỗi Indonesia (Liga Indonesia) là đối thủ của Thai- League.

Còn V-League hiện nay? Các trận đấu quá kém chất lượng, cầu thủ trên sân không thể hiện tính cống hiến có trách nhiệm với người hâm mộ. Mặt sân cỏ thì quá xấu, nhiều trận đấu không trung thực dẫn đến V- League ngày càng mất uy tín, mất chất…

Những tồn tại ngăn cản sự phát triển của bóng đá

+ Lãnh đạo CLB luôn bị động, “ngồi chờ sung rụng” từ ngân sách rót xuống làm và…tăm tia, hết tiền thì giải tán, để lại những món nợ ngân sách khủng khiếp.

+ Các mạnh thường quân đến với bóng đá chủ yếu để được đổi lại bổng lộc lớn. Không có (hoặc hết) ưu đãi thì giải tán.

+ Chỉ vài CLB có đào tạo trẻ lèo tèo. Nhiều đội V-  League và hạng nhất “trắng” khâu đào tạo trẻ. Chỉ mua quân và lợi dụng vào đó để “tăm tia” tiền ngân sách, ăn hớt qua các vụ chuyển nhượng, mua bán cầu thủ.

+ Ở các CLB, tiền đạo toàn là Tây để ghi bàn. Không cơ cấu cầu thủ trẻ vào đá chính CLB dẫn đến cầu thủ nội quá kém khi tập trung đội tuyển.

Theo Duy Ân (Pháp Luật TPHCM)