Thể thao

Thầy nội, thầy ngoại và cái vòng luẩn quẩn của VFF

Sau khi HLV Hữu Thắng từ chức vì trận thua Thái Lan ở SEA Games 29, ông Mai Đức Chung vui vẻ ngồi lên ghế nóng một trận sân khách Campuchia tại vòng loại Asian Cup 2019 chờ đến khi VFF tìm ra thầy mới thì… nghỉ.

Sau khi HLV Hữu Thắng từ chức vì trận thua Thái Lan ở SEA Games 29, ông Mai Đức Chung vui vẻ ngồi lên ghế nóng một trận sân khách Campuchia tại vòng loại Asian Cup 2019 chờ đến khi VFF tìm ra thầy mới thì… nghỉ.

Hữu Thắng là HLV thứ 3 trong nước từ chức trong 10 năm gần đây vì không chạm tay được vàng SEA Games /// Độc Lập

Có một thống kê nhỏ của làng bóng Việt Nam từ thời thích thú và ngắm nghía thầy nội trở lại đều gặt hái thất bại. HLV Phan Thanh Hùng (AFF Cup 2012), Hoàng Văn Phúc (SEA Games 2013), Nguyễn Hữu Thắng (SEA Games 2017) đều bị đánh bay ra khỏi vòng bảng ở đấu trường Đông Nam Á.

Trước và xen kẽ các mùa giải này, ba thầy ngoại Calisto (AFF Cup 2010), Falko Gotze (SEA Games 2011), Miura (AFF Cup 2014 và SEA Games 2015) đều giành vé vào bán kết đúng như chỉ tiêu của VFF.

Nghiệt nỗi những ông thầy ngoại này đều phải gánh chịu phần thiệt thòi bị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hoặc VFF ép phải từ chức trong cay đắng. Điều này cho thấy HLV ngoại không dễ tồn tại trong môi trường bóng đá Việt Nam quen kiểu ăn xổi ở thì và khoan khoái thành tích trước mắt hơn là một chiến lược phát triển bài bản lâu dài.

Thầy nội còn khó khăn hơn rất nhiều với áp lực trên đe dưới búa và chính giữa là những “chuyên gia bàn phím” xỉa xói vào mọi ngóc ngách.

Ông Phan Thanh Hùng sau khi rời khỏi chiếc ghế HLV trưởng các đội tuyển Việt Nam đã hờn tủi nói sẽ không trở lại nữa ở một nơi mà người ta thích nói một đường làm một nẻo. Ông đã dày công gầy dựng một thế hệ trẻ kế thừa lấy bàn đạp AFF Cup 2012 và một số đấu trường khác để chơi ngon lành ở SEA Games năm sau nhưng chính ông chỉ mới nửa đường gãy gánh.

Rõ ràng VFF đã không cùng các HLV nhìn về một hướng và kiên trì với chiến lược của mình. Thay vào đó, họ rất sợ hãi dư luận và sau mỗi lần các đội tuyển vấp ngã, VFF thường lặn sâu nghe ngóng rồi ngoi lên với một động tác “trảm” HLV trưởng là phủi sạch mọi sai lầm của mình.

Các thầy ngoại như Miura, Gotze chắc chắn không còn mặt mũi nào trở lại và từng có thành công như HLV Calisto, Riedl vì lòng tự trọng cũng sẽ lắc đầu nếu VFF có lời mời. Thầy nội thì ngoài ông Mai Đức Chung làm công ăn lương ở VFF mới chịu tạm quyền nắm đội tuyển một trận, còn chẳng thấy ai dám ngồi lên chiếc ghế HLV trưởng danh giá cả.

Cái kiểu chơi không đẹp của VFF khi lấy HLV làm bia đỡ đạn cho mình đã diễn ra hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác trong lúc bóng đá Việt Nam ngày càng có nhiều nỗi lo sợ.

Các đội tuyển Việt Nam chưa nguôi nỗi sợ Thái Lan, đã từng bị Indonesia, Malaysia đánh bại hết giải này đến giải khác, giờ còn run rẩy cả khi đá với Campuchia.

Thầy nội, thầy ngoại và cái vòng luẩn quẩn của VFF - ảnh 2

HLV Mai Đức Chung chỉ dẫn dắt tuyển Việt Nam 1 trận

HLV Mai Đức Chung nói đội tuyển Việt Nam đá thắng Campuchia 2-1 là may mắn và bản thân ông nhẹ nhõm hết cả người, sao nghe tủi thân tủi phận cho cả làng bóng ghê gớm.

Chưa đầy 10 năm, bóng đá Việt Nam đã thay đến 6 HLV cho thấy hoặc là VFF thiếu tầm nhìn, hoặc là không đủ kiên nhẫn với lộ trình của mình theo kiểu cha chung không ai khóc.

Sắp tới, VFF lại nhóm họp mổ xẻ cái thua cay đắng ở SEA Games 29 và hối hả tìm người thay HLV Mai Đức Chung từ đội nữ nhảy sang đội nam đóng thế.

Khốn khổ cho bóng đá Việt Nam nếu chọn thầy nội sẽ khó thuyết phục công chúng yêu bóng đá và bản thân những người giỏi cũng không dám ngồi ghế nóng. Còn mời thầy ngoại lại chỉ theo kiểu may rủi.

Từ cái vòng luẩn quẩn của VFF sau nhiều năm, ai cũng thấy điều cần thay thế nhất chính là bộ sậu VFF như bầu Đức đã chỉ rõ “không làm được thì để người khác làm cho bóng đá Việt Nam tốt hơn”, chứ không chỉ là tìm thầy nội, hay thầy ngoại.

Theo Thiên Thanh (Thanh Niên Online)