Thể thao

Sau World Cup 2014, Trung Quốc có thể lại... vô địch EURO 2016

Cho tới thời điểm này, mới chỉ có 2 đội tuyển vô địch EURO sau khi vô địch World Cup, đó là Pháp (World Cup 1998, EURO 2000) và Tây Ban Nha (World Cup 2010, EURO 2012). Đức đang hy vọng trở thành đội tuyển thứ ba làm được điều đó. Nhưng nếu Đức không cảm thấy không làm nổi, thì hãy nhường thách thức đó lại cho... Trung Quốc.

Cho tới thời điểm này, mới chỉ có 2 đội tuyển vô địch EURO sau khi vô địch World Cup, đó là Pháp (World Cup 1998, EURO 2000) và Tây Ban Nha (World Cup 2010, EURO 2012). Đức đang hy vọng trở thành đội tuyển thứ ba làm được điều đó. Nhưng nếu Đức không cảm thấy không làm nổi, thì hãy nhường thách thức đó lại cho... Trung Quốc.
 
 
Trung Quốc mới là nhà vô địch thực sự của World Cup 2014
 
Cũng trong đêm mà Đức đánh bại Argentina để đăng quang chức vô địch World Cup 2014, một tờ báo Trung Quốc đã ngạo nghễ giật tít: “Chúng ta mới là nhà vô địch”. Rất nhiều tờ báo, trang mạng khác đã dẫn lại bài viết này, với sự tự hào không rơi rớt. 
 
Người Trung Quốc không hề nói quá! ĐT Trung Quốc của họ đúng là không có vé dự World Cup 2014. Nhưng trên đất Brazil, họ thực sự đã được tận hưởng cảm giác ở trên đỉnh thế giới, khi mà gần như tất cả những gì bạn nhìn thấy, chạm vào hay mang đi đều có gắn mác “Made in China”.
 
Để dễ hình dung, hãy tưởng tượng bạn đang nhìn xuống một SVĐ ở Brazil. Bản thân cái sân ấy là do các nhà thầu Trung Quốc xây; nếu không xây, họ cũng cung cấp trang thiết bị và công nghệ. Trong sân, hệ thống điện, bảng điện tử, màn hình LCD... đều có xuất xứ từ Trung Quốc. 
 
Trên khán đài, các CĐV mặc quần áo (sản xuất ở) Trung Quốc, vẫy những lá cờ làm từ Trung Quốc, thậm chí nếu có ném pháo sáng thì cũng là pháo sáng Trung Quốc. Dưới sân, các cầu thủ mặc trang phục Trung Quốc, tranh nhau quả bóng Trung Quốc, và mệt quá thì uống nước từ các bình nước do Trung Quốc sản xuất.
 
Để vào được sân, các CĐV phải đi qua một hệ thống an ninh mà máy móc phần lớn nhập từ Trung Quốc. Cảnh sát tuần tra với lỉnh kỉnh thiết bị an ninh cũng do Trung Quốc cung cấp. Hệ thống hạ tầng thông tin đều do tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei lắp đặt và quản lý. 
 
Ở các fan-zone, các CĐV vẫy cờ Trung Quốc, mặc đồ Trung Quốc, đeo khăn, đội mũ Trung Quốc. 80% đồ lưu niệm được bán chính thức ở Brazil dịp World Cup 2014 được sản xuất bởi công ty Trung Quốc có tên Wagon. Đó là chúng ta còn chưa kể tới hàng nhái, vốn cũng rất được ưa chuộng do giá rẻ hơn hẳn.
 
 
Trung Quốc có thể “tấn công” EURO?
 
Do sự khác biệt về đặc thù lịch sử, kinh tế, “thành trì” Pháp sẽ không dễ bị các công ty Trung Quốc công phá như Brazil. Thực tế thì Trung Quốc đã mất một khoản thu lớn so với 2 năm trước, khi để hụt các hợp đồng sửa chữa, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ EURO đầy béo bở do không cạnh tranh nổi với các nhà thầu Pháp và châu Âu. 
 
Hàng hóa rẻ tiền từ Trung Quốc cũng không thể “xâm chiếm” thị trường Pháp theo cách chúng đã xâm chiếm thị trường Brazil. Nhưng điều đó không có nghĩa là các công ty Trung Quốc sẽ thất thế ở Pháp Hè này.

Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đã có những nỗ lực nhảy vọt, về cơ bản thì nước này vẫn là “xưởng gia công của thế giới”. Hầu hết các thương hiệu lớn trên thế giới đều chọn gia công các chi tiết ở Trung Quốc để tận dụng ưu thế nhân công giá rẻ, quen việc, và có thể sản xuất với số lượng lớn. 
 
Dòng chữ “Made in China”, do đó, sẽ tiếp tục hiện diện trên mọi nẻo đường nước Pháp. Trên quần áo, khăn, mũ của các CĐV. Trên trang phục thi đấu, giày thi đấu của cầu thủ. Trên cờ, còi của trọng tài. Hay bên trong các cửa hàng lưu niệm...
 
Trung Quốc cũng tham gia vào EURO 2016 “sâu” đâu kém gì quốc gia châu Âu nào!

Cơ hội của các công ty sản xuất hàng nhái
 
EURO 2016 là cơ hội làm ăn tuyệt vời với các công ty chuyên sản xuất hàng giả, hàng nhái Trung Quốc. Ngay lúc này trên trang Alibaba.com đã xuất hiện tràn ngập những lời mời chào cung cấp các sản phẩm ăn theo EURO 2016 với giá “rẻ như cho”. Ví dụ, móc khóa ở cửa hàng chính thức của EURO có giá tối thiểu 5 bảng, nhưng trên Alibaba.com chỉ rao 2 bảng, và rẻ hơn nữa nếu mua số lượng lớn. 
Việt Cường (Bongdaplus.vn)