Thể thao

Son Heung-Min & nghĩa vụ quân sự Hàn Quốc: Chạy trời ra sao để "khỏi nắng"?

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của Son Heung-Min với ĐT Hàn Quốc ở World Cup 2018. Thế nhưng, anh đang đối mặt với nguy cơ phải chia tay sân cỏ...

Son Heung-Min - tiền vệ khoác áo CLB Tottenham - đang là ngôi sao sáng nhất của nền bóng đá Hàn Quốc ở thời điểm hiện tại. Trong những năm gần đây, vai trò của anh đối với đội tuyển xứ Kim Chi đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Tại World Cup 2018, chính Son là người lĩnh trách nhiệm "gồng gánh" cả một tập thể trên đất Nga. Chắc chắn các CĐV không thể quên hình ảnh chàng trai sắp bước sang tuổi 26 bật khóc ngay trước mặt Tổng thổng Hàn Quốc Moon Jae-In sau trận thua trước Mexico vào ngày 23.6 vừa qua. Dù đã cùng các đồng đội rời giải với cái đầu ngẩng cao, nhưng chắc chắn anh sẽ không thể yên lòng khi về nước với một nỗi lo mang tên Nghĩa vụ quân sự - thứ có thể khiến cầu thủ này đánh mất cả sự nghiệp trong vài năm tới...

Son Heung-Min & nghĩa vụ quân sự Hàn Quốc: Chạy trời ra sao để "khỏi nắng"?

Theo quy định của luật pháp Hàn Quốc, mọi công dân là nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 35 đều phải phục vụ trong quân đội trong khoảng thời gian tối đa là 24 tháng. Bên cạnh đó, những công dân nam đủ điều kiện sức khỏe đều bắt buộc phải nhập ngũ khi đủ 24 đến 28 tuổi. Do Son Heung-Min đang làm việc tại nước ngoài với visa lao động, anh được hoãn nghĩa vụ đến tối đa 27 tuổi (năm 2020).

Nếu muốn được miễn hoàn toàn nghĩa vụ quân sự (NVQS), tiền vệ này sẽ phải đạt được một điều kiện duy nhất: Đạt huy chương ở Olympic, hoặc về nhất tại ASIAD vào tháng Tám tới. Tuy nhiên, mọi chuyện không phải lúc nào cũng là dễ dàng vì để miêu tả lịch sử của thể thao Hàn Quốc cũng như việc triệu tập vào quân đội trong những năm qua, không có từ nào phù hợp hơn hai chữ "Xáo trộn".

Son Heung-Min & nghĩa vụ quân sự Hàn Quốc: Chạy trời ra sao để "khỏi nắng"? - 1
Đội tuyển Hàn Quốc tham gia World Cup 2002 may mắn được lĩnh "kim bài"...

Mọi chuyện bắt đầu từ World Cup 2002 - giải đấu được đăng cai bởi đồng chủ nhà là Nhật Bản và Hàn Quốc. Vào mùa Hè năm đó, Samurai Xanh nằm ở bảng H - một bảng đấu khá dễ dàng với các đối thủ Bỉ, Tunisia và Nga. Và thực tế, đội bóng đến từ xứ sở mặt trời mọc đã dễ dàng bước tiếp vào vòng 16 đội với ngôi nhất bảng. Không như những người hàng xóm, các quan chức của Chính phủ LĐBĐ Hàn Quốc lại lo sợ về sự hổ thẹn khi đội tuyển nước này có nguy cơ trở thành chủ nhà đầu tiên bị loại ngay từ vòng bảng.

Chính vì thế, để khích lệ tinh thần của các cầu thủ, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định sẽ miễn NVQS nếu đội tuyển đặt chân vào vòng 16 đội. Và họ đã xuất sắc vượt chỉ tiêu khi cán đích ở vị trí thứ tư trong một kì World Cup đầy biến động.

Điều này đã làm dấy lên rất nhiều sự di nghị từ các môn thể thao khác ở đất nước này, tiêu biểu là bóng chày - bộ môn được người Hàn quan tâm hơn cả bóng đá. Năm 2006, các VĐV Hàn Quốc đã xuất sắc vào tới trận bán kết của World Baseball Classic - giải vô địch thế giới. Tiền lệ xảy ra 4 năm về trước khiến người hâm mộ lên tiếng phản ứng rất gay gắt để "đòi" sự công bằng cho những ngôi sao mà hộ yêu quý và dĩ nhiên, Cục Quản lý Nhân lực Quân Sự Hàn Quốc không còn cách nào khác ngoài việc chấp thuận.

Vấn đề tiếp tục nảy sinh ngày một nhiều khi toàn bộ các tổ chức cũng như các liên đoàn thể thao đều cho rằng họ cũng có những giải vô địch cấp quốc tế để tham gia, nhưng VĐV thì vẫn phải nhập ngũ. Chính vì thế, Chính phủ Hàn Quốc đưa ra kết luận: Chỉ miễn NVQS cho những người có thành tích ở các giải đấu lớn mà tất cả những bộ môn tham gia đều có cơ hội đạt giải một cách công bằng - cụ thể là huy chương bất kì tại Olympic hoặc huy chương vàng tại ASIAD.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc dù Son Heung-Min có vô địch World Cup 2018, anh vẫn... bị kéo đi bộ đội như thường

Son Heung-Min & nghĩa vụ quân sự Hàn Quốc: Chạy trời ra sao để "khỏi nắng"? - 2
Tinh thần chiến đấu của ĐT Hàn Quốc rất kiên cường, thế nhưng họ vấn chỉ về thứ 3 tại vòng bảng WC 2018.

Tuy các điều luật đã trở nên khắt khe hơn, nhưng đó vẫn không phải là vấn đề với bóng đá Hàn Quốc. Thực tế, Những chiến binh Taegeuk đã giành chiếc huy chương Đồng ở Olympic London năm 2012. Hai năm sau, họ tiếp tục lên ngôi vương ở ASIAD 2014 ngay tại quê nhà. Dĩ nhiên, tất cả tuyển thủ tham gia hai giải đấu này đều có thể thoải mái tập trung phát triển sự nghiệp.

Dù vậy, Son Heung-Min lại không có được may mắn này. Năm 2012, Son đã có tên trong danh sách sơ bộ. Tuy nhiên, anh lại nghe lời cha từ chối tham gia giải đấu này để phát triển sự nghiệp trong màu áo Hamburg. Đến năm 2014, CLB chủ quản Bayer Leverkusen lại từ chối "nhả" người (ASIAD không nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của FIFA).

Đen đủi hơn nữa, ở Olympic năm 2016 - giải đấu mà tiền vệ thuộc biên chế Tottenham tham dự, ĐT Hàn Quốc lại phải về nước ngay vòng Tứ kết trước đối thủ Honduras.

Vì vậy, cơ hội miễn NVQS của ngôi sao sinh năm 1992 sẽ chỉ còn lại rất ít. Anh sẽ phải cố gắng với 200% sức lực để có thể đoạt chức vô địch ở kì ASIAD 2018 tại Indonesia, diễn ra vào tháng Tám tới. Nếu không, tia hy vọng duy nhất còn lại sẽ là Olympic Tokyo 2020 - nhưng cơ hội để Son được tham dự sẽ vô cùng mong manh bởi khi đó, cầu thủ này sẽ bước sang tuổi 28, hạn chót cho việc nhập ngũ.

Son Heung-Min & nghĩa vụ quân sự Hàn Quốc: Chạy trời ra sao để "khỏi nắng"? - 3
Trong làng bóng đá Hàn Quốc, còn ai "số nhọ" hơn anh?

Trong trường hợp xấu nhất xảy ra, Son Heung-Min chắc chắn sẽ phải chia tay với sự nghiệp bóng đá đỉnh cao. Dù tại K-League vẫn có hai CLB quân đội là Sangju Sangmu FC (đang thi đấu ở K-League 1) và Asan Mugunghwa FC (thuộc K-League 2), thế nhưng anh sẽ không có quyền khoác áo những đội bóng này vì... chưa học hết cấp 3.

Cũng chính vì chưa có bằng cấp 3, mà Son có thể sẽ bị "điều" vào làm ở bộ phận công vụ trong ngày thường từ 9h đến 18h. Nếu muốn được thi đấu thường xuyên, anh chỉ được quyền lựa chọn thi đấu ở cấp độ thấp hơn là K3 League - giải đấu được diễn ra vào ngày thứ 7 hằng tuần - với trình độ trung bình tương đương... bóng đá "phủi'.

Bên cạnh những phương án liên quan đến chuyên môn, vẫn có một "cửa" cuối cùng dành cho tiền vệ sắp bước sang tuổi 26 là việc... xin giấy hoãn NVQS từ Cục trưởng Cục Quản lý Nhân lực quân sự Hàn Quốc - ông Ki Chan-Soo. Tuy nhiên, cách giải quyết này rất có thể sẽ vấp phải sự phản đối của người dân Hàn Quốc bởi sự công bằng là điều quan trọng nhất mà luật NVQS hướng đến. Trong "Văn hóa Nghĩa vụ", dù là sao nổi tiếng hay người dân bình thường, tất cả đều phải có trách nhiệm với đất nước như nhau.

Son Heung-Min & nghĩa vụ quân sự Hàn Quốc: Chạy trời ra sao để "khỏi nắng"? - 4
Liệu chúng ta có được chứng kiến hình ảnh này trong trận Chung kết bộ môn bóng đá tại ASIAD 2018?

Những giải đấu sắp tới sẽ là chiếc phao cứu trợ cuối cùng cho Son Heung-Min, ngôi sao bóng đá số 1 Hàn Quốc. Nếu "phá luật" và vẫn tập trung cho sự nghiệp, chắc chắn anh sẽ không thể quay trở về quê hương trong yên bình.

Tuy nhiên, khi đã bị dồn vào thế chân tường, chắc chắn ngôi sao của CLB Tottenham sẽ có câu trả lời quyết liệt và mạnh mẽ không khác gì chú hổ trong chiếc logo trên ngực áo của anh. Mọi câu trả lời cho việc cầu thủ này có "khỏi nắng" khi "chạy trời" hay không sẽ đến rất nhanh - chỉ trong vòng hai tháng nữa.

Theo Duy Anh (Dân Việt)