Thể thao >> Thể thao trong nước

HLV Park Hang-seo hé lộ bí quyết “truyền lửa” cho học trò

HLV Park Hang-seo đã có những trao đổi về bí quyết “tiếp lửa” cho các học trò khi trả lời phỏng vấn trực tuyến.

Bạn Hoàng Công Minh (36 tuổi, Paris, Pháp) hỏi: Ông rất gần gũi với các học trò, tạo cảm giác như một người cha. Ông làm thế nào để xóa nhòa khoảng cách giữa thầy trò theo cách như thế?

HLV Park Hang-seo: Như đã nói ở trên, cứ mỗi lần nhìn vào ánh mắt trong trẻo của cầu thủ, tôi cảm nhận được tất cả, và thành viên trong ban huấn luyện cũng vậy. Tôi xác định vứt bỏ tất cả những gì đã đạt được ở World Cup 2002 để đến làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Trong quá trình huấn luyện, tôi cũng quát mắng và la hét các cầu thủ. Chúng tôi là một đội, tất cả cần bỏ đi cái tôi. Tôi là HLV trưởng, phải là người tiên phong làm gương. Tôi muốn họ nghĩ tôi như một người anh trai.

HLV Park Hang-seo hé lộ bí quyết “truyền lửa” cho học trò
HLV Park Hang-seo.

Tôi họ Park nên một số cầu thủ cũng đùa nhau đổi sang họ Park, ví dụ như Park Huy, Park Minh... Điều đó giống như cha con vậy. Cầu thủ muốn tạo một không khí thân thiện. Các cầu thủ là của tôi. Tôi chọn họ và tôi chịu trách nhiệm về họ. Cũng như chúng ta làm cha mẹ thì nên có trách nhiệm với sai lầm của con cái.

Có thể đó là văn hóa phương Đông chúng ta, cha mẹ có trách nhiệm với con cái. Nhiều khi cha mẹ cũng cần điểm tựa từ con cái. Ví dụ như khi tôi tựa đầu vào vai Trọng Đại để ngủ ở sân bay. Tôi là HLV nhưng có lúc tôi phải dựa vào họ.

Độc giả Ngọc Linh (34 tuổi, London, Anh) hỏi: Ông đánh giá thế nào về vai trò của Xuân Trường khi ông xây dựng đội U23 dự giải châu Á?

HLV Park Hang-seo: Tôi cũng khá lo về tốc độ thi đấu của giải sẽ làm cạn kiệt thể lực cầu thủ. Thực ra đội nào cũng lo vậy thôi. Tôi có nguyên tắc triệu tập hai cầu thủ cho một vị trí. Nhưng một số cầu thủ lên tập trung muộn, và thiếu kinh nghiệm nên chúng tôi gặp khó khăn. Đội một chơi tốt nhưng tôi khá lo khi đưa đội hai vào sân. Về thể lực, chúng tôi dùng nhiều yếu tố để khắc phục. Chúng tôi xem khả năng đọc trận đấu, kinh nghiệm thi đấu quốc tế của họ, sau đó phải bàn bạc kĩ để ra quyết định

Về nguyên nhân không thay Xuân Trường trong hiệp phụ, vì đội trưởng rất quan trọng, nói là đồng đội nghe. Có những điều chúng tôi ko truyền đạt hết, Xuân Trường sẽ truyền đạt lại. Cậu ấy hiểu quyết định của chúng tôi. Tôi biết thể lực Xuân Trường đã cạn, nhưng cậu ấy là thủ lĩnh. Trong trận chung kết, chúng tôi phân vân nên thay ai, giữa số 6 (Xuân Trường) hay 8 (Đức Huy), cuối cùng thay Đức Huy.

Bạn đọc Phạm Hương (50 tuổi, Munich, Đức) hỏi: Ông nói gì với các học trò ở những thời điểm khó khăn trong các trận đấu ở giải vừa qua?

HLV Park Hang-seo: Trong quá trình huấn luyện, tôi yêu cầu cầu thủ rất nhiều, thậm chí nạt nộ. Nhưng vào trận, tôi thường ngồi một chỗ không nói gì. Cầu thủ khi vào sân họ đã biết bản thân phải làm gì, và lúc đó họ phải tìm cách kết nối với đồng đội. Tất nhiên, chuyện này còn tùy vào đối thủ là ai. Tuy nhiên, giao công việc cho cầu thủ thế nào, đó mới là việc tôi coi trọng. 

Tôi luôn yêu cầu cầu thủ trao đổi với nhau. Rõ ràng là khi ở với nhau, họ nói với nhau nhiều lắm. Khi chơi game còn hò hét với nhau. Thế nhưng, khi vào trận, họ rất ít giao tiếp với đồng đội. Trong bóng đá, có một khái niệm là ngôn ngữ giao tiếp trên sân. Khi thi đấu, cầu thủ phải nhắc nhau: Quay, thôi, bỏ, chạy... Bây giờ thì đội mới chỉ làm được 60% theo yêu cầu của tôi thôi.

Độc giả Hoàng Long Ẩn (32 tuổi, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) hỏi: Xin cám ơn ông nhiều về những cống hiến cho bóng đá Việt Nam tại giải đấu vừa qua. Xin ông thông tin thêm làm thế nào thể lực của các cầu thủ Việt Nam chơi tốt trong suốt những trấn đấu 120 phút vừa qua?

HLV Park Hang-seo: Trước khi nhậm chức HLV tuyển Việt Nam, nhiều người nói với tôi là thể lực của họ khá yếu. Sự thực là trong thời gian tập trung ngắn hạn của đội tuyển, không có cách nào cả thiện được thể lực. Nhưng tôi phát hiện ra các học trò rất nhanh và khéo. Điều quan trọng nhất là tôi đã thay đổi sơ đồ chiến thuật. Trước đây, các HLV thường áp dụng sơ đồ có bốn hậu vệ, nhưng chơi như thế, khả năng chúng ta sẽ thua sấp mặt. Vì thế, tôi đổi sang chiến thuật ba hậu vệ. Nó khắc phục được những bất lợi về thể hình của cầu thủ.

Tôi cũng không thể hiểu vì sao mọi người lại đánh đồng rằng thể hình nhỏ thì thể lực kém. Trong bóng đá, những cầu thủ nhỏ sẽ rất nhanh. Hơn nữa, cầu thủ Việt Nam rất thông minh. Họ hiểu chiến thuật của tôi rất tốt. Ngoài ra, sau khi tiến hành đo đạc các chỉ số cơ thể, chúng tôi cũng phát hiện ra, là phần thân trên của cầu thủ Việt Nam khá yếu. Vì thế, tôi yêu cầu các cầu thủ đến phòng gym của Liên đoàn tập khoảng một tháng trước khi vào giải U23 châu Á. 

HLV Park Hang-seo hé lộ bí quyết “truyền lửa” cho học trò - 1
U23 Việt Nam thi đấu thành công ngoài mong đợi.

Tôi nói thật, chúng tôi không có nhiều phương pháp nào đặc biệt về thể lực. Tôi xin nhấn mạnh, cầu thủ Việt Nam không yếu về thể lực

Bạn Trần Trung Hiếu (33 tuổi, 3002 CT12A KĐT Kim Văn Kim Lũ, Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) hỏi: Tại giải U23 châu Á lần này, chúng tôi thấy Công Phượng luôn là người đá cao nhất trên hàng công. Với thể hình nhỏ bé và không giỏi không chiến, vì sao ông bố trí Công Phượng chơi như vậy? U23 Việt Nam vẫn có một tiền đạo cao to là Hà Đức Chinh, vì sao ông không sử dụng anh này ở vị trí tiền đạo cắm thay Công Phượng?

HLV Park Hang-seo: Trong đợt tập trung lần này, tôi vẫn nhận định rằng Công Phượng là một cầu thủ quan trọng. Anh ta có thể là một trong những cầu thủ tôi tin tưởng nhất. Năng lực của cậu ấy đã được chứng tỏ và trong giải M-150, Công Phượng đã ghi hai bàn. Về Đức Chinh, đáng tiếc là cậu ấy không được ra sân nhiều ở mùa giải vừa qua. Tôi cũng không có thời gian xem cậu ấy thi đấu.

Khi để chọn cầu thủ nào ra sân, chúng ta phải dựa vào hai yếu tố: về phong độ và về phương án, chúng tôi phải tính xem đối thủ là ai, rồi tính đến việc tung cầu thủ nào vào lúc nào cho hợp lý. Tôi muốn để Đức Chinh như một cú đấm và cậu ấy đã làm tốt.

Chúng ta không nên nói Công Phượng nhỏ bé thì không chơi bóng bổng được. Không chơi bóng bổng thì ta chuyền sệt, bóng đá không chỉ có chơi bóng bổng. Xin nhắc lại, việc chọn Công Phượng hay Đức Chinh là do chiến lược. Dùng cầu thủ nào, thời điểm nào là do tôi quyết định tùy vào tình hình thực tế lúc đó.

Chúng tôi phát hiện ra là khi đội mất tập trung, mệt mỏi thì đó là lúc để tung Đức Chinh vào sân. Đây là cú đấm chết người, tôi phát hiện ra Đức Chinh có tố chất làm điều đó. Hai cầu thủ có hai đặc điểm khác nhau và khả năng khác nhau.

Độc giả Tri Thông (37 tuổi, Vinh, Nghệ An) hỏi: Ông chuẩn bị như thế nào cho các cầu thủ trước những loạt đá luân lưu?

HLV Park Hang-seo: Trong nhiều bữa ăn, anh Lee cũng nói với tôi là chúng ta không thể chơi luân lưu mãi. Nhưng trận đấu đưa đẩy đến tình cảnh đó thì không làm khác được. Trong trận Iraq, tôi quyết định cho Tiến Dũng (trung vệ) đá quả cuối. Khi cầu thủ đá luân lưu, có nhiều yếu tố chi phối, nằm ở sự hưng phấn, tâm chí chiến thắng. Nên lúc đó tôi chọn Tiến Dũng.

Tiến Dũng đá làm tim tôi muốn rớt ra ngoài. Quả đó mà không vào thì không biết ông Lee ông trách tôi thế nào. Trong trận Qatar, chúng ta đã bị lộ bài và phải tìm phương án khác. Vậy nên, tôi không cho Tiến Dũng đá nữa mà cho Văn Đức đá. May là Văn Đức đã thực hiện thành công.

Khi đá 11m, cầu thủ họ có nhịp, nếu cắt được nhịp đó thì ta sẽ thắng dù bị thẻ vàng đi nữa. Tôi luôn bảo các học trò như vậy, vì đá 11m là cuộc chiến tâm lý. Tiến Dũng (thủ môn) có lẽ có kinh nghiệm trong việc này.

Có một điều tôi chưa từng tiết lộ. Ở trận Qatar, tôi không định cho Văn Thanh đá quả cuối, định cho cậu ấy đá quả thứ hai hay thứ tư, nhưng Thanh xung phong đá quả cuối. Tôi hơi lo. Nhưng tôi nghĩ Văn Thanh hiểu được tầm quan trọng và tự tin nên mới xung phong làm điều đó. Thật may là Thanh đã thực hiện thành công. Lúc cậu ấy đá, tôi cứ nghĩ nếu không vào, chắc tôi phải mắng Thanh một trận.

Về trao đổi riêng với thủ môn Tiến Dũng.

Các anh phải nhớ Dũng đã bắt được một quả ở trận gặp Hàn Quốc và cũng từng bắt được ở giải M-150 nữa đấy, chứ không chỉ ba quả luân lưu ở tứ kết và bán kết.

Tôi vẫn nghĩ Dũng là một người rất tuyệt vời để bắt 11m. Ở đội, có HLV thủ môn Nguyễn Đức Cảnh. Với Dũng, trước khi đi Trung Quốc tôi rất lo. Dũng ổn những cậu ấy gặp vấn đề ở đầu gối. Tôi đã nói với các trợ lý là nếu Dũng có vấn đề thì phải dùng thủ môn số hai Văn Hoàng. May mắn là nhờ sự hướng dẫn của anh Cảnh, Dũng đã trải qua giải đấu bình an. Anh Cảnh nhiều khi bắt thủ môn tập nhiều quá, có khi tập như điên. Nhưng chắc cũng nhờ điều đó Dũng mới tỏa sáng. Dũng rất tuyệt vời, tôi chỉ lo cho vết thương cậu ấy.

Tôi có một yêu cầu với Dũng. Dũng đôi khi có những sai lầm rất nhỏ. Tôi nói: "Em là thủ môn. Vai trò của em rất lớn, mang lại niềm tin cho đồng đội. Em là hòn đá tảng, phải chơi an toàn để giữ niềm tin cho đồng đội".

Theo Hữu Tuấn (Dân Việt)